Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Biểu giá điện mới, người dân vẫn chưa vừa lòng

Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện, đã nhận được phản ứng của nhiều chuyên gia, người tiêu dùng. Sáng nay( 22/9), tại Hội thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện" do EVN tổ chức đã phân tích rõ những ưu và nhược điểm của ba phương án giá điện.

 

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, thị trường điện cạnh tranh đang được triển khai với ba giai đoạn, gồm: phát điện cạnh tranh, bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức được thử nghiệm từ giai đoạn 2016 – 2019, song sẽ thực hiện trọn vẹn cơ chế từ năm 2019 – 2012, trên nguyên tắc các khách hàng lớn sẽ được mua điện trực tiếp từ nhà máy phát điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chuyên gia tư vấn độc lập thuộc Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD), đơn vị trực tiếp thực hiện “Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, cho biết nguyên tắc cải tiến cơ cấu biểu giá điện là để sắp xếp lại mức giá cho phù hợp với cơ cấu của biểu giá điện cải tiến, nhưng không tăng giá bán lẻ điện bình quân, không tăng doanh thu của ngành điện.

Đồng thời, giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, thu hẹp khoảng cách giá áp dụng tương ứng từng bậc thang, hạn chế mức thấp nhất việc xáo trộn các mức giá cụ thể.

Theo đó, phương án một sẽ giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Theo phân tích của đơn vị tư vấn, ưu điểm của phương án này khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tiền điện tiền điện đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng phương án này đang bộc lộ bất cập, khi gây phức tạp khi khách hàng thanh toán tiền điện. Tức là tiền điện thanh toán phụ thuộc vào lượng điện sử dụng, khi càng dùng nhiều thì tiền điện càng cao.

Theo đó, các ý kiến cho rằng, biểu giá điện mới thiếu khách quan, thiếu minh bạch, bất hợp lý, chỉ có lợi cho ENV mà không có lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, EVN dự kiến sắp xếp biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành; Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh; Phương án 3: EVN đề xuất rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc.

Theo đó, với phương án 1, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã có ý kiến là bất hợp lý, bởi nếu dùng sau 400 kWh, giá điện sẽ cao hơn các mức bình quân khoảng 1 nghìn đồng mỗi kWh. Với phương án 2, đồng nghĩa EVN tăng giá điện 7%, bởi giá hiện nay chỉ 1.622 đồng/kWh. Phương án 3, chỉ là việc cắt xén lại biểu giá trước để đảm bảo nguyên tắc có bậc và EVN không giảm thu.

Phương án sẽ rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc có vẻ được lựa chọn cao. Nhược điểm của phương án này là việc ghi chỉ số ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán cũng sẽ tăng cao hơn lượng điện sử dụng. Điều này gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác, tạo dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN. Khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu.

Theo ông Thỏa, việc lựa chọn phương án nào cần được dựa trên tiêu chí: khuyến khích sử dụng điện hiệu quả; kiểm tra kiểm soát tốt hơn giá điện; phải là phương án ít nhược điểm nhất và làm tăng giá ít nhất đến các đối tượng dùng điện. Đại diện cơ quan tư vấn cũng bày tỏ quan điểm nghiêng về phương án thứ ba, bởi đây là phương án thỏa mãn nhiều nhất các tiêu chí đề ra.