Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cai nghiện ma túy thành công, hạnh phúclại tìm về

 
Anh Nhã chia sẻ về quãng đời chìm nổi khi làm “nô lệ” của ma túy. 
 
Bừng tỉnh giữa ranh giới của sự sống và cái chết
  
Cuối 1982, chàng trai trẻ Vũ Ngọc Nhã đi bộ đội, lên vùng dân tộc - đây là lần đầu anh tiếp xúc với thuốc phiện, bởi “người dân trên đó hút thuốc phiện như hút thuốc lào quê mình”. Năm 1986, anh xuất ngũ, lấy vợ, học nghề sửa cữa ô tô. Đến năm 1991, anh tái hút thuốc phiện, ba năm sau chuyển sang sử dụng heroin. 
 
Hơn chục năm nghiện ma túy là hơn chục năm anh vật vã với việc cai và tái nghiện. Anh tự mình cai, cai lên cai xuống, bỏ đi bỏ lại, thậm chí anh còn mua tàu biển, ra biển và vào lòng hồ, ốc đảo để cai. Dù gia đình luôn động viên, khuyến khích, nhưng anh cai không nổi. Có lần, anh cai được hai, thậm chí ba năm, nhưng chỉ cần vài ly rượu vào, anh lại nhớ, lại đi tìm thuốc phiện, bao nhiêu cố gắng thành… công cốc. 
 
Trong một lần vướng vào tàng trữ, anh Nhã bị bắt đi tù hai năm.Những tưởng đây sẽ là bài học đắt giá, giúp anh tập trung làm ăn, nhưng hai năm sau, anh lại tái nghiện. Tiền làm ra bao nhiêu, tiêu hết vào thuốc. Trong lúc còn chút lương tâm, vợ chồng anh ly hôn, “để thuyền có đắm thì mình tự chịu”. Anh cho biết, mình còn hai con nhỏ, ly hôn, để mẹ nuôi con thì mớicó thể lo cho các con ăn học. 
 
Cũng từ đây, cuộc đời anh Nhã rơi tự do và tuột dốc không phanh. Bán nhà, lang thang, phiêu bạt khắp các tỉnh thành, làm đủ nghề từ phu hồ, bốc vác, sửa chữa, đi tàu, kẻ vẽ… chỉ với mục đích: có được ma túy. Nhưng tiền anh làm ra không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu sử dụng. 
 
Năm 2007, anh lê lết thân tàn ma dại về quê. Nhà cửa không còn, vợ con bỏ đi, mẹ già nghiêm khắc… Nhớ lại những ngày không có nơi nào về, hàng đêm phải tìm tới hiên ủy ban xã, sân đình, sân chùa, nơi nào có thể tránh được mưa làm“nhà tạm”, anh Nhã không khỏi rùng mình. 
 
Rơi vào thế tận cùng, trong ranh giới của sự sống và cái chết, chút lương tâm còn sót lại như bừng tỉnh, thôi thúc anh: “Mình không thể chết bờ, chết bụi thế này được. Mình vẫn phải sống, sống vì các con. Danh dự mất đi, mình phải tự tìm lại, nếu không các con sẽ suốt đời bị mang tiếng “có ông bố chết vì nghiện”. Nghĩ là làm, anh ra UBND xã, xin đi cai nghiện ở Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng. Đây chính là bước ngoặt, giúp anh đoạn tuyệt với ma túy và từng bước tìm lại con người của mình. 
 
 
Anh Nhã (thứ 3 từ trái sang). 
 
Nẻo về tươi sáng
 
Vào Trung tâm, số điện thoại trong hồ sơ của anh - để khi cần thì gọi là số của UBND xã, không còn ai thân thích, chẳng người thăm nom… Sau khi tìm hiểu, hỏi thăm và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, anh được Giám đốc Trung tâm tạo điều kiện, sắp xếp năng lực, làm đúng ngành nghề. Hết hạn một năm, anh được chuyển sang diện sau cai thêm hai năm nữa. 
 
Với những tiến bộ trông thấy, anh được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng. Năm 2013, anh Nhã được làmcán bộ, giúp đỡ, quản lý những người từng một thời lầm lỡ giống mình. Niềm vui nhân lên, khi con gái đi du học trở về, vào thăm bố, thấy bố thay đổi, đón về đoàn tụ gia đình. “Giờ cuộc sống của tôi đúng là điểm 10, con trai có công việc ở Hà Nội, con gái du học Hàn Quốc và lấy chồng bên đó. “Vợ chồng già” thì thương yêu, chăm sóc nhau”, anh Nhã mỉm cười, thực sự hạnh phúc. Hiện tại, công việc của anh ở Trung tâm là sửa chữa, lái xe đưa đón học viên, trực xe cứu thương và dạy nghề cho học viên. Anh vui mừng chia sẻ: “Có nhiều người học sửa chữa theo mình, hết thời gian cai nghiện, giờ ra ngoài, kiếm được công ăn việc làm, phấn khởi lắm”. 
 
Nói về Trung tâm GDLĐXH - nơi đưa anh trở lại “làm người” đúng nghĩa, anh Nhã cho biết: “Đây là một môi trường tuyệt vời, thực sự cần thiết. Ở đây, không gian và môi trường sống lành mạnh, trong lành. Người nghiện được chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề… Có thể nói, đây là mái nhà giúp những người một thời lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng. Cán bộ Trung tâm luôn coi học viên như người thân của mình, giúp họ nhìn ra những sai lầm, rèn luyện để trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội”.
 
Tuy vậy, theo anh Nhã, để có thể cai nghiện thành công, thì cần có sự quyết tâm, cầu tiến của bản thân mỗi người. Hiện nay, phần lớn giới trẻ “sống dựa”, cha mẹ cũng rất chiều con, con cần gì là đáp ứng, thậm chí chạy chọt, xin cho con về... Do đó, cần tư vấn cho gia đình và bản thân người nghiện nhận thức đầy đủ tác hại của ma túy và sự cần thiết phải cai nghiện. Khi gia đình kiên quyết, người nghiện không còn tư tưởng dựa dẫm, bản thân tựphấn đấu mới thành công. 
 
Từ kinh nghiệm cá nhân, sau nhiều lần cai, có khi không dùng thuốc tới 3 năm mà vẫn tái nghiện, do không kiểm soát được sau khi uống rượu, anh Nhã nhắn nhủ: Sau 1 - 3 năm, người sau cai không nên sử dụng rượu và các chất kích thích. Người sau cai cần khoảng 4 năm trở lên để bình tâm và quên hoàn toàn ma túy. 
 
Anh cho biết thêm: Để tìm lại bản thân là rất khó, nhưng vẫn làm được. Cần tự mình cố gắng, quyết tâm thì cai nghiện sẽ thành công. 

Thảo Vân/Tạp chí Gia đình và Trẻ em