Đa số các cầu thủ không chuyên hay lê la trên mặt sân “phủi” đều có một nghề nghiệp riêng và không sống dựa vào thu nhập có được từ việc đi đá bóng.
Phương “vertu” hiện đang làm tại ngân hàng
Họ đi đá bóng chỉ để thỏa đam mê và cũng chẳng có ông bầu nào bỏ tiền ra trả lương tháng cho những cầu thủ không chuyên này. Những ông bầu chịu chơi như Cường “hói” cũng chỉ thưởng nóng cho cả đội một chút gọi là khích lệ sau mỗi trận đấu xuất sắc hoặc một giải đấu thành công.
Hiện tại, Cường Quốc là đội duy nhất có “bồi dưỡng” cho các cầu thủ ở một số buổi tập, còn những đội bóng khác không hề có khái niệm này. Việc đi tập là trách nhiệm của mỗi cầu thủ, không đảm bảo thể lực thì dự bị, đơn giản là như thế.
Cầu thủ “phủi” được đi đá giải mà không phải nộp lệ phí đã là một điều hạnh phúc đối với họ. Mọi lệ phí thường là do ông bầu lo hết, từ A tới Z, cả chuyện mua nước uống. Và khi vô địch hay về nhì, về ba, có tiền thưởng thì cả đội lại ra quán đánh chén một bữa túy lúy là hết. Tóm lại là chẳng có cầu thủ “phủi’ nào trông vào thu nhập từ việc đi đá bóng kiểu này. Nhiều anh đi đá nhiều quá còn bị vợ giận vì không chăm lo gia đình, chỉ biết vui thú bản thân.
Không cầu thủ "phủi" nào trông vào thu nhập từ việc đi đá bóng
Họ, những người đi đá “phủi” đa số đều đang có một công việc cụ thể. Người thì làm ở ngân hàng như Phương “vertu”, Tùng “Milan”, Sáng "persie", người thì làm ở công ty A, công ty B, bất kể ngành nghề gì. Những ai làm ở công ty có sếp máu me bóng đá thì là một may mắn lớn, tha hồ được tạo điều kiện ra sân. Chẳng hạn như 2/3 đội Cường Quốc làm ở công ty Dầu khí PSA có sếp thích bóng đá thì cứ chiều chiều tan ca lại ra sân Ngọc Bảo gần cơ quan tập bóng.
Giang “say”, một dị nhân của sân phủi được nhiều khán giả yêu mến thì đang có một công việc ổn định ở Bộ Giao thông và bán thêm quần áo thể thao online.
Dị nhân của sân phủi Giang "say" đang có một công việc ổn định ở Bộ Giao thông và bán thêm quần áo thể thao online
Thủ môn Nam “chân vịt” thì làm kĩ sư điện trong một công ty của Nhà nước. Tiền đạo Lâm “voi” hàng ngày vẫn ra cửa hàng xăm Tin lớn & Anh em để phụ giúp một số việc. Tiền vệ Hưng “xốp” chuyên nghề thay xăm lốp ô tô và tối tối lại phụ vợ bán hàng bia hơi trên Tạ Hiện.
Nhìn chung, họ đi đá phủi cũng như một cách rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn đam mê bởi nhiều lý do mà không theo được con đường chuyên nghiệp. Vì thế, thu nhập của những cầu thủ “phủi” không đo đếm được một cách rõ ràng như những cầu thủ chuyên nghiệp.