Văn bia Chiêm Sơn nằm phía sau nhà bà Phạm Thị Bảy, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Bà kể, không biết bia có từ khi nào, chỉ biết rằng từ ngày bà về Duy Trinh đã thấy bia đá này. “Nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, họ rắc phấn vào thì chữ nổi lên”-Bà nói.
Ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, cho biết: “Đây là văn bia cổ nhất miền Trung và là cột mốc quan trọng trong việc đặt nền móng xây dựng các đền thờ tại khu vực phía Nam sông Thu Bồn và đền tháp Mỹ Sơn”.
Văn bia gần mép sông. Ảnh:H.T
Văn bia này do vị vua Chăm, Bhadravarman, cuối thế kỷ thứ IV, khắc vào vách đá mép nước sông. Văn bia có chiều cao khoảng 12cm, gồm nhiều mẫu tự chia làm 2 dòng, mỗi dòng dài 80cm. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã nghiên cứu và dịch sang tiếng Pháp, nội dung hàm nghĩa “Phụng cúng Ngài Shiva, tất cả phải thần phục”. Văn bia này đến nay đã xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng do yếu tố thời tiết, mỗi năm nước sông Thu Bồn dâng lên lại nhấn chìm văn bia, kéo trôi đất đá xuống lòng sông, dù bị mài mòn nhưng vẫn còn hiện dấu chữ khắc rõ nét. Cũng bắt đầu từ văn bia này, nhà vua mới bắt đầu xây dựng các đền thờ và thần dân Chăm phải tuân mệnh phụng cúng Ngài Shiva. Ngài Shiva được xem là vị thần tối cao, trong tiếng Sanskrit, Ấn Độ, có nghĩa là điềm lành, tượng trưng cho sự sáng tạo và sự hủy diệt.
Năm 2008, vị tiến sĩ thần học Ấn Độ, Sha-hay cùng với Đại sứ quán Ấn Độ đến khảo sát và nghiên cứu. Phó trưởng phòng VH-TT, ông Minh, cho biết, sau khi nghiên cứu, đoàn khảo sát đã khẳng định văn bia có niên đại thế kỷ IV và được viết bằng chữ Sancrit cổ (tiếng Phạn cổ), khác với chữ Chăm ngày nay.
Trong lần quay lại gần đây nhất, năm 2015, các học giả của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến thăm lại địa điểm các bậc tiền bối đã từng nghiên cứu, các học giả đã khẳng định những ý nghĩa văn hóa, lịch sử của văn bia này.
Văn bia Chiêm Sơn là văn bia cổ nhất trong khu vực còn tồn tại cho đến ngày nay, tức cách đây hơn 1.600 năm. Giá trị văn hóa, lich sử văn bia này rất lớn. Tuy nhiên đến nay, văn bia này vẫn chưa được công nhận di tích. Với hiện trạng của văn bia tại mép sông hầu hết hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm, mặc dù được người dân quanh vùng bảo vệ nhưng không tránh khỏi những yếu tố thời tiết. Ông Minh cho rằng, văn bia này cần sớm đưa vào xếp hạng di tích, khoanh vùng bảo vệ, trở thành điểm nghiên cứu của du khách đến Mỹ Sơn.