Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Choáng ngợp gia tài chị lao công có con được học bổng 7 tỉ của Harvard

Ít ai ngờ bên trong căn nhà 17 m2, tuềnh toàng, mục nát giữa Sài Gòn, lại có một gia tài đồ sộ như thế. Mỗi khi gặp chuyện buồn chán, cha của Liên lại ngắm gia tài ấy, để lòng ấm lại, thêm động lực nuôi con.

 

Chúng tôi gõ cửa nhà Trần Thị Diệu Liên, nữ sinh 19 tuổi, vừa nhận Học bổng toàn phần trị giá gần 7 tỷ đồng của trường đại học Harvard (Mỹ).

Gọi là nhà nhưng thực chất chẳng khác gì một túp lều ở khoảng sân sau của một căn nhà cấp 4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Mảnh đất đang thuộc diện giải tỏa này thuộc quyền sở hữu của bà ngoại Liên. Thấy con cái khó khăn, nhiều năm trước, bà gật đầu đồng ý cho ba mẹ Liên dùng tôn và gạch cũ cơi nới tạm bợ, làm thành một tổ ấm đơn sơ để các cháu có "cái chui ra chui vô".

 

Gia đình chị lao công trước bức tường ván ép cũ kỹ được treo đầy bằng khen. Với anh, chị, đó là một phần gia sản.

Có lẽ, nhiều người đang mường tượng nơi Diệu Liên sống là một quận nghèo nào đó giữa Sài Gòn rộng lớn. Nhưng không, đó là mái nhà xiêu vẹo, mục nát nằm trên một tuyến đường chính ngay trung tâm Sài Gòn, quận 1, đối diện với những ngôi nhà kiên cố, khang trang mới xây…

Ba Liên là anh Trần Văn Dưng (sinh năm 1964, quê Thái Bình), làm nghề thiết kế biển quảng cáo đã 20 năm nay. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, Thanh Hóa), lao công của một trường đại học trong thành phố.

Hơn 20 năm trước, anh Dưng từ Bắc vào Nam, hai bàn tay trắng bôn ba khắp nơi, cuối cùng chọn Sài Gòn làm bến đỗ lập nghiệp. Năm 1995, anh Dưng kết hôn với chị Lộc. Hai năm sau, họ đón đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Trần Thị Diệu Liên.

Liên lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự chăm sóc tận tình của cha. Những năm đầu đời, Liên đã sớm bộc lộ những tố chất đặc biệt, khiến anh Dưng và chị Lộc thầm nuôi hy vọng về đứa con gái thông minh, lanh lợi.

Và kỳ vọng của vợ chồng anh Dưng đã không đặt nhầm chỗ. Từ khi bước vào cấp 1 đến lúc tốt nghiệp cấp 3, mỗi năm Diệu Liên đạt được vô số các giải thưởng lớn nhỏ từ cấp trường, thành phố, quốc gia rồi quốc tế... Có bao nhiêu bằng khen anh Dưng động viên con cứ treo hết lên tường cho ba ngắm. Lâu dần, cả "túp lều" xiêu vẹo của vợ chồng anh được gắn đầy bằng khen.

Choáng ngợp, ngưỡng mộ, lòng thoáng chút ghen tị là cảm giác của nhiều người trong lần đầu bước chân vào tổ ấm có "bức tường bằng khen" đặc biệt này. Thậm chí, nhiều giấy khen, bằng khen phải treo chồng lên nhau vì... không đủ chỗ.

Bức tường bằng ván ép treo đầy bằng khen, huy chương của Diệu Liên        ẢNH: LÊ ÁI

Mỗi tấm bằng khen có kích cỡ, màu sắc, nội dung khác nhau. Mỗi bằng khen, huy chương, trông như một món châu báu đầy mê hoặc, biến căn phòng chật hẹp, cũ kỹ trở nên lộng lẫy, sang trọng và đáng giá như đang chứa cả kho châu báu.

Ngước nhìn bức tường treo đầy bằng khen, huy chương, hầu hết mang tên Trần Thị Diệu Liên, có một số của Trần Thụy Như Quỳnh (con gái thứ 2), mắt anh Dưng long lanh, miệng anh nói mà như cười: “Mỗi lần có việc gì buồn chán, mệt mỏi tôi đều dành thời gian để ngắm bằng khen của các con để thấy lòng mình ấm trở lại, thêm động lực để tiếp tục cố gắng, vươn lên”.

Nghề thiết kế biển quảng cáo của anh Dưng tuy không phải đi làm xa nhà nhưng tính chất công việc lại bấp bênh, mang tính thời vụ. Mỗi tháng, cộng tiền mà anh kiếm được với số lương ít ỏi làm lao công của vợ, gia đình nhỏ 4 người có ngót nghét gần 6 triệu đồng để chi tiêu. Mấy năm trước, gia đình anh Dưng, chị Lộc nằm trong diện hộ nghèo của phường, năm nay vừa thoát nghèo nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn…

Không đủ chỗ, nhiều bằng khen, giấy khen của Diệu Liên phải treo chồng lên nhau thành từng xấp ẢNH: LÊ ÁI

Cuộc sống khốn khó, nhà vẫn chưa có; tuy nhiên, vợ chồng anh Dưng chưa một ngày ngừng nuôi ước mơ con cái được đi du học. Nhưng thật lòng, nhiều đêm, người cha nghèo nhìn các con say ngủ rồi vắt tay lên trán suy nghĩ: "Chắc chỉ khi nào chúng nó rời khởi túp lều này, đến một chân trời khác thì mới có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ đó!".

Anh Dưng bộc bạch: “Tôi có 3 ước mơ lớn trong đời, đó là có nhà để ở, Liên và Quỳnh đều được đi du học. Nay, Liên được vào đại học Harvard coi như 1/3 tâm nguyện đời tôi đã được hoàn thành. Khi biết tin cháu đậu vào trường Mỹ, tôi âm thầm lên mạng tìm xem nó là ngôi trường như thế nào, biết được có nhiều người xuất chúng trên thế giới từng học ở đó, tôi mừng mất ngủ mấy ngày”.

Căn nhà xiêu vẹo, mục nát này đã nuôi dưỡng một tài năng như Diệu Liên ẢNH LÊ ÁI

Khi được đặt vào tình huống giả dụ, nếu được đổi cơ hội du học của Diệu Liên để nhận ngay một gói 7 tỉ đồng tiền mặt và dùng tiền đó để mua nhà, "đổi đời" thành đại gia ngay lập tức, anh có đánh đổi? Anh Dưng giật nảy người, cương quyết: “Gia đình tôi nghèo thật, nhưng dù được cho 7 tỉ hay 70 tỉ tôi cũng không nhận đâu. Cơ hội làm ra tiền thì có thể có nhưng cơ hội du học như thế này thì khó lắm. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới số tiền này!”.

Nếu chị Lộc tần tảo sớm hôm kiếm tiền nuôi con, thì anh Dưng bao nhiêu năm nay lại đóng vai trò người cha kiêm cả vị trí của người mẹ. Anh chăm sóc, nhắc nhở Liên việc ăn uống, học tập; rồi đảm đương cả vai trò "vệ sĩ" cho con gái. Những đêm thấy Diệu Liên đi làm về khuya, không an tâm, anh lại xách xe chạy đến công ty để đón con. Hay như khi biết con gái bỏ quên dây xạc máy tính, anh cũng vội vàng giúp Liên đi tìm lại, vì: "đoạn đường đó nhiều xe nguy hiểm lắm, để bố đi cho!”.

Căn nhà chỉ 17 m2 chất đầy đồ đạc, sách vở...  không còn chỗ để ngồi           ẢNH LÊ ÁI

“Tôi chỉ mong cháu học đúng ngành mình mơ ước, khi ra trường có công ăn việc làm ngay, không kỳ vọng lớn lao gì”, người cha trả lời như vậy khi được hỏi anh đặt kỳ vọng gì ở Diệu Liên sau 4 năm học ở Mỹ.

Nghe tin cháu sắp đi Mỹ du học mà trong nhà tài chính vẫn eo hẹp, bà ngoại Diệu Liên trào nước mắt. Bà là người chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành và thấy rõ quá trình phấn đấu không ngừng trong học tập của hai chị em Liên. Với bà, đứa cháu nào cũng ngoan, cũng giỏi, nhưng riêng Liên, đó là một tấm gương hoàn hảo mà bà cảm thấy tự hào mỗi khi giới thiệu: "Cháu tui đó, sinh viên đại học Harvard".