Các khoa học gia thuộc Học viện Khoa học Nga đang hoàn thiện những bước huấn luyện cuối cùng cho 4 chú khỉ nâu (rhesus macaques) - những "nhà du hành" sẽ có mặt trên chuyến tàu thám hiểm sao Hỏa vào năm 2017.
Trong quá khứ, loài khỉ đã gián tiếp "dọn đường" đưa con người lên Mặt trăng, và nay các chuyên gia đang hi vọng rằng chúng sẽ là chìa khóa giúp chúng ta chinh phục được Hỏa tinh.
Mỗi ngày, những chú khỉ sẽ được học từng kỹ năng riêng biệt, với phần thưởng là một ngụm nước hoa quả sau khi hoàn thành. Đến cuối ngày, chúng sẽ phải thực hiện được hoàn hảo một chuỗi các kỹ năng, nhiệm vụ được giao. Mục đích của việc này là để huấn luyện khả năng ghi nhớ các chuỗi nhiệm vụ được giao.
Tiến sĩ Inessa Kozlovskava, đội trưởng dự án cho biết: "Chúng tôi đang cố làm cho những chú khỉ này trở nên thông minh nhất có thể, để chúng có thể giúp loài người khám phá bề mặt Hỏa tinh". Cô cũng hi vọng rằng những chú khỉ "phi hành gia" có thể tự mình huấn luyện cho những chú khỉ khác để hoạt động theo nhóm. Loài khỉ nâu có tuổi thọ khoảng 25 năm, do đó các khoa học gia tin rằng sẽ có đủ thời gian để huấn luyện cho chúng sống sót trong hành trình 6 tháng đến sao Hỏa.
Thực tế trong quá khứ, khỉ cũng được sử dụng làm "vật thí nghiệm" rất nhiều lần cho các phi hành gia. Chú khỉ đầu tiên được thử nghiệm là Albert I, khởi hành trên tên lửa V-2 của quân đội Mỹ vào năm 1948. Tuy nhiên, Albert I đã chết trong chuyến bay. Chú khỉ Albert II khởi hành một năm sau đó cũng chung số phận. Đến năm 1951, Yorick đã trở thành chú khỉ đầu tiên an toàn trở về từ vũ trụ
Ngay cả chó cũng từng được sử dụng. Hai chú chó Dezik và Tsygan được Nga gửi lên vũ trụ vào đầu những năm 1950, và chúng đã trở về an toàn.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc làm cách nào để những chú khỉ này có thể trở về từ sao Hỏa. Một số tổ chức bảo vệ động vật cho rằng đây có thể là chuyến du hành "một đi không trở lại" đối với chúng.