Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyện người trở về từ cõi chết

Đến Bệnh viện tâm thần Hải Dương người ta không khỏi chạnh lòng xót xa trước những “bóng ma” dặt dẹo, ngờ nghệch, lại càng không thể quên hình ảnh về một cựu binh dưới cuối dãy nhà đang nhặt sỏi chơi trò bày binh. Người đàn ông tuổi xế chiều đó là Phạm Tuấn Hanh (quê ở thôn Thiên Xuân, xã Kim Tân, huyện Kim Thành), người đã trở về sau giấy báo tử gần 40 năm.

 

Từ cõi chết trở về

Trong những năm 1973, Đế quốc Mỹ dồn hết sức lực càn quét đồng bào ta ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khi đó, chàng thanh niên Phạm Tuấn Hanh mới bước vào tuổi 16, tuổi nhỏ nhưng lòng căm thù giặc sâu sắc, anh đã làm đơn nhập ngũ và vác súng hành quân vào chiến trường Bình Long, Phước Long năm xưa.

 

Giấy báo tử gia đình ông Phạm Văn Sứu nhận được

 

Theo lời kể của ông Phạm Văn Sứu (sinh năm 1947) anh trai ruột ông Hanh: "Khi tỉnh lại, chú ấy kể rằng trận chiến cuối cùng đó rất ác liệt và tàn khốc, hai bên tranh giành nhau từng mét đất. Khi đồng chí đại đội trưởng hô vang “xung phong…”, tất cả mọi người lao lên bắn xối xả về phía quân địch. Quân địch còn quá mạnh nên chống trả quyết liệt, sau loạt đạn, nhiều đồng chí ngã xuống nhưng chú ấy vẫn quyết xông lên nhằm thẳng quân thù mà bắn, cho đến khi đầu óc quay cuồng ngã quỵ xuống thảm cỏ phía trước”.

Trở lại mặt trận năm đó, sau khi tỉnh lại, ông Hanh thấy mình nằm trên một chiếc giường bằng tre, người đau khắp toàn thân. Lúc này có người đến hỏi, đỡ đau hơn chưa? Ông chỉ biết gật và lắc để đáp lại chứ không nhớ gì nữa, quê quán ở đâu lại càng không. Sau này ông mới biết, người cứu ông là ông Biểu Sang, một người Cơ Tu ở Phước Long. Hôm đó, ông Biểu Sang đi qua, thấy có một chiến sỹ bị thương nặng nằm bất tỉnh, toàn thân máu chảy, vẫn mặc quân phục bộ đội nên đã đưa về nhà cứu chữa. May mắn cho ông Hanh, gia đình ông Sang có loại thuốc gia truyền bằng thuốc lá cây trên rừng. Sau 3 tháng điều trị liên tục, Hanh mới dần dần tỉnh lại nhưng vẫn không nhớ được gì.

Tưởng rằng cuộc sống của ông Hanh đã bình yên tại ngôi nhà ông Sang nhưng cuộc đời thật chớ trêu, vài năm sau đó ông Sang qua đời, con cháu ông Sang không thể nuôi dưỡng ông Hanh được nữa. Lúc này, ông Hanh lang thang phiêu bạt khắp nơi để duy trì sự sống. Ai thuê gì làm nấy, kể cả chặ củi, vác mía, cày ruộng, ai cho ở nhờ thì ở, nếu không cho ở ông lại ra đường dựa lưng vào gốc cây hoặc manh bao tải ngủ qua đêm…

Tiếng súng kết thúc, đồng đội đi tìm nhau, dưới mưa bom bão đạn, người còn người mất thật không gì kể xiết, ông Hanh cũng vậy. Sau khi ngã xuống, không ai biết xác ông ở đâu. Tưởng rằng người lính quả cảm này đã chết, ban chỉ huy quân sự gửi giấy báo tử về cho gia đình với nội dung: “Đồng chí Phạm Tuấn Hanh nhập ngũ tháng 9/1972. Hy sinh ngày 11/12/1973”.

Khi có giấy báo tử, gia đình ông Hanh không khỏi xót xa, đôi mắt mẹ già cũng loà dần đi vì thương nhớ con, gia đình lập bàn thờ, lấy ngày trong giấy báo tử làm ngày giỗ. Ngẫm cảnh em nằm lạnh lẽo nơi đất khách, mọi người cất công đi tìm hài cốt ông Hanh nhưng mãi không thấy. Người em gái của ông Hanh là bà Phạm Thị Bình còn vào tận chiến trường nơi anh trai mình từng chiến đấu để sống và nghe tin tức về hài cốt của anh trai mình, không thấy hài cốt, có lúc bà còn ngẫm phải chăng anh trai mình còn sống…

Niềm vui không trọn vẹn

Rồi như cái duyên sắp đặt, một lần đi qua con đường, thấy một người ngồi bó gối trên manh chiếu rách, bà Bình chạnh lòng mua cho họ gói xôi. Trò chuyện nhưng người đàn ông ấy không nói năng gì, mặt tuy lấm lem nhưng đôi mắt hãy còn rất sáng. Lại có nét gì đó rất giống anh trai mình, bà Bình ngờ ngợ rồi lấy ảnh ra so sánh. Quả là rất giống, bà ôm trầm lấy ông nhưng bị đẩy ra.

 

Ông Phạm Tuấn Hanh (áo nâu bên trái) cùng gia đình trong ngày đoàn tụ

 

Niềm vui khôn xiết nhưng để chắc chắn, bà Bình đã đưa người đàn ông ấy đi xét nghiệm. Kết quả cho ra đúng là ông Phạm Tuấn Hanh, anh trai ruột bà Bình. “Tôi không quên giây phút ấy. Lâu nay gia đình tôi toàn đi tìm hài cốt, đã đi khắp các nghĩa trang nhưng không thấy, ai ngờ anh tôi hãy còn sống. Sau gần một tuần chăm sóc cho ông Hanh và kể lại những câu chuyện ở quá khứ, ông mới dần dần nhớ lại”, bà Bình kể lại.

Tháng 6/2011 gia đình ông Sứu vào Nam đón đưa ông Hanh trở về. Anh em sau gần 40 năm xa cách. Họ hàng, chòm xóm, ai cũng nghĩ ông đã hy sinh, vẫn đều đặn tháng hai lần hương khói. Nhưng lần này, đứng trước mặt người thân là Phạm Tuấn Hanh bằng da bằng thịt. Nhận ra nhau, ai cũng ôm trầm lấy ông khóc, khóc không thành lời với niềm vui khôn xiết.

Nhớ lại giây phút hạnh phúc ấy, ông Sứu tâm sự: “Trong vòng tay của anh em và các cháu, chú Hanh khoẻ lại nhiều, đầu óc cũng minh mẫn hơn, tên tuổi mọi người đều nhớ. Chú ấy kể về những trận chiến ác liệt, về những mặt trận đã đi qua, và những tháng ngày làm thuê cuốc mướn cho người ta sau khi kết thúc chiến tranh. Nhưng rồi, chuyện đau lòng cũng gõ cửa sau vài tháng…”

Nhưng niềm vui sự đoàn tụ gia đình chưa được bao lâu thì đến tháng 8/2011, ông Hanh có biểu hiện lạ, ăn nói làm nhảm, hay chốn chạy ra ngoài đường đi khắp nơi nhưng không biết đường về nhà, mỗi lúc lên cơn lại gào thét rồi đập phá đồ đạc trong gia đình... Gia đình đưa ông đi điều trị ở Bệnh viện đa khoa Gia Lộc 5 tháng nhưng bệnh tình không khỏi.

“Có bệnh thì phải chữa thôi anh ạ. Thấy chú Hanh bị bệnh thế này, chúng tôi cũng xót xa, cũng thương chú ấy, trẻ thì vác súng vào chiến trường, già thì thế này, vợ con, nhà cửa đều không có, đầu óc thì gần như điên như dại, sau này nó biết sống sao. Ngẫm rồi không cầm được lòng, anh em tôi lại huy động tài sản, đóng góp của họ hàng rồi đưa ông ấy lên bệnh viện điều trị”, ông Sứu buồn bã nói.

Mỗi khi nhắc đến ông Hanh, ông Sứu, bà Bình và người thân trong gia đình vừa vui lại vừa sầu. Vui bởi vì, sau 38 năm người em trai bị thất lạc, tưởng rằng đã chết trong chiến trường miền Nam lại trở về. Buồn bởi ngày trở về người thân không còn lành lặn, kèm theo đó là bệnh tật luôn giày xéo thân xác với muôn nghìn lo âu trước mắt.

 

Quyết định trợ cấp hàng tháng của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương cho ông Phạm Tuấn Hanh

  

Theo ông Đặng Văn Nhân - Trưởng thôn Thiên Xuân: Chuyện anh Hanh đi bộ đội đã có giấy báo tử được gia đình lại tìm được nhưng bị tâm thần là có thật. Đó là chuyện lạ cả xã mới có một trường hợp, lúc đầu anh Hanh trở về nhớ hết được mọi người trong gia đình, hàng xóm nhưng một thời gian sau bệnh tình phát tác, hay đi lang thang, đập phá đồ đạc, bẻ cành cây trong gia đình. Chính quyền địa phương cũng đến gia đình thăm hỏi, động viên và có đề xuất hỗ trợ anh Hanh xây dựng nhà cửa. Hiện nay, anh Hanh không có vợ con, không nhà cửa, bệnh lại nặng nhưng vẫn chưa được hỗ trợ nhiều.

Trước bệnh tật của ông Hanh, gia đình đã làm đơn đề nghị gửi lên cơ quan chức năng về việc em trai mình tham gia cách mạng trở về gặp nhiều khó khăn. Các bác sỹ đã khám và giám định, xác nhận ông Hanh bị rối loạn tâm thần thực tổn và rối loạn hoang tưởng thực tổn. Còn theo kết quả tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh Hải Dương, ông Hanh bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 81%.

Căn cứ vào kết quả giám định ấy, ngày 31/5/2012, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương đã xem xét hồ sơ và ra quyết định trợ cấp hàng tháng cho ông Hanh với số tiền là 2.005.000 đồng/tháng, vì ông Hanh tham gia kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học từ tháng 9/1972 đến tháng 11/1973.