Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cơ hội lớn cho điều dưỡng, hộ lý sang Nhật làm việc

Trong khuôn khổ hợp tác xuất khẩu lao động trong lĩnh vực điều dưỡng viên và hộ lý giữa Việt Nam – Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH vừa thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam khóa IV năm 2015 sang Nhật Bản làm việc.

 

Cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản

Đây là chương trình giúp cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý có cơ hội tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản.

Người đăng ký đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được tuyển chọn đưa vào đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.

Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng, hộ lý như sau: Ứng viên điều dưỡng: 130.000 - 140.000 yên/tháng; Ứng viên hộ lý: 140.000 - 150.000 yên/tháng khoảng 25 -30 triệu đồng/tháng). Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

 

Ảnh minh họa


Theo đó, các công việc ở vị trí ứng viên điều dưỡng bao gồm: Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh, chăm sóc theo tình trạng bệnh, cho bệnh nhân ăn, vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu, tiếp nhận thuốc, làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, vệ sinh dụng cụ vệ sinh, tiêu độc, dọn dẹp, mang trà, mang cơm và dọn khay cơm và các công việc khác được giao. Các ứng viên hộ lý sẽ có những công việc như: giao tiếp, tạo dựng quan hệ, tư vấn cho người già, người bệnh cần được chăm sóc; Quan sát tình trạng tinh thần, sức khoẻ của người già, người bệnh; Hỗ trợ sinh hoạt thường ngày tuỳ theo tình trạng tinh thần và sức khoẻ của người già, người bệnh như hỗ trợ di chuyển, tắm, thay đồ, ăn uống, vệ sinh; Hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội (hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng ...) và các công việc khác được giao.

Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, những người có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng được các điều kiện sau: Đối với ứng viên hộ lý phải tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm), không quá 35 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; Không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật. Đối với ứng viên điều dưỡng: Ngoài những tiêu chí nêu trên đối với ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).

Để tránh việc trục lợi và lừa đảo, các ứng viên nộp trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tại địa chỉ 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 2/10/2015 đến ngày 23/10/2015. Đối với hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện sẽ được tính theo dấu bưu điện. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xác minh hồ sơ của ứng viên. Ứng viên có hồ sơ hợp lệ, đạt tiêu chuẩn sẽ được mời tham gia thi tuyển và phỏng vấn tại Hà Nội.

Những hồ sơ không hợp lệ sẽ không được tham gia buổi phỏng vấn tuyển chọn (Hồ sơ không hợp lệ là hồ sơ nộp không đúng hạn, không đầy đủ các giấy tờ theo quy định, giấy chứng nhận sức khỏe sai mẫu hoặc không đủ các phần xét nghiệm theo quy định, thiếu phong bì, thiếu tem, không ghi địa chỉ... hoặc giả mạo các giấy tờ và thông tin). Thời gian và địa điểm thi tuyển sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và qua đường bưu điện đối với các ứng viên có hồ sơ hợp lệ. Ứng viên kiểm tra danh sách được tham gia thi tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (không thông báo qua điện thoại). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là nguồn xuất khẩu lao động chất lượng cao, mức thu nhập cao so với điều kiện của Việt Nam. Được biết, khóa 1 và khóa 2 đã xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm việc và được đánh khả quan. Khóa 3 sẽ thi tốt nghiệp vào cuối năm nay.

Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn). Thông báo trúng tuyển và thủ tục nhập học sẽ được thông báo qua bưu điện đến địa chỉ ứng viên đã cung cấp. Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 04.3936.6633 hoặc 04-3824-9517 (số máy lẻ 611, 512, 513).