Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cuộc chiến mùa đông 1946 - Bản anh hùng ca bất tử

Theo ông Hoàng Trung Hải, những tiếng súng mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ, giam chân địch để bảo vệ chính quyền cách mạng của quân, dân Thủ đô thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: hiến dâng tất cả vì độc lập dân tộc.

 

Sáng 18/12, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) diễn ra tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã tới dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ôn lại bối cảnh lịch sử mùa đông năm 1946. Khi đó, Chính quyền cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với thù trong, giặc ngoài.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Thùy Linh.
Sau những phát súng mở đầu ở Thủ đô đêm 19/12/1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Cuộc chiến anh dũng giam chân địch trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ "khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc", ông Hải nói.
Theo ông Hải, tinh thần, khí phách này đã đi vào lịch sử dân tộc Việt như một "bản anh hùng ca bất tử, soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay".
Đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên chiến sĩ Trung đoàn thủ đô. Ảnh: Thùy Linh.
Thay mặt cựu binh tham gia buổi lễ, Đại tá Nguyễn Huy Du (cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô) nhắc lại bối cảnh trước Cách mạng tháng Tám, gia đình ông sống vô cùng vất vả, bố là công chức nghèo, mẹ buôn bán nhỏ, các anh em đều thất học, ông may mắn được chú nhận nuôi. Hoà mình vào cuộc cách mạng, tham gia cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, ông Du căm phẫn những tội ác của thực dân Pháp nên đã bỏ học tham gia kháng chiến.
Cùng đồng đội, ông Du tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô từ những ngày đầu với nhiệm vụ trinh sát, dẫn bộ đội đi phục kích. “Sau 60 ngày quần nhau với địch trong những khu nhà cũ nát, những phố phường bị bom đạn tan hoang, chúng tôi đã vượt sông Hồng rút khỏi Hà Nội lên Việt Bắc. 9 năm sau đó, chúng tôi đã trở lại tiếp quản Thủ đô”, ông Du xúc động kể.
“Bao nhiêu năm ấy, tôi không bao giờ quên những ngày đầu giá rét của mùa đông năm 1946. Chúng tôi đã học được bài học về tinh thần đoàn kết, dựa vào nhân dân, thực hiện trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh, dựa vào những khu phố cổ thân quen của mình để giam chân địch. Đến giờ những người trong Trung đoàn Thủ đô năm xưa đều đã ngoài 90 tuổi, vẫn sống trong những ký ức sinh động của 60 ngày đêm chiến đấu cùng Hà Nội”, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô nói.
PGS TS Trần Xuân Bách, đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thủy Linh.
Đại diện thế hệ trẻ, PGS, TS Trần Xuân Bách (giảng viên ĐH Y Hà Nội) cho biết, với lớp người trẻ, ngày 19/12/1946 chỉ còn trong những thước phim, những trang sử, những lời kể nhưng sinh động và thiêng liêng. 
“Huyền thoại về 60 ngày đêm năm đó đã đi vào lịch sử đất nước như một thiên anh hùng ca bất tử. Lớp trẻ chúng tôi tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến với lời thề son sắt Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Bao chàng trai, cô gái đất Hà Thành rất lãng mạn thanh lịch nhưng cũng đầy quả cảm”, tiến sĩ Bách chia sẻ.