Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đà Nẵng: Hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao mức sống người có công với cách mạng

(Dân sinh) - Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, TP Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao mức sống đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Lao động, Người có công và Xã hội năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại điểm cầu TP Đà Nẵng.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Lao động, Người có công và Xã hội năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại điểm cầu TP Đà Nẵng.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ Lao động, Người có công và Xã hội năm 2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay (25/12/), tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, năm 2019, TP Đà Nẵng đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng đã ban hành một số chính sách, cùng với nguồn lực huy động từ phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" góp phần nâng cao đời sống đối tượng, gia đình người có công với cách mạng, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đây là sự cố gắng lớn của thành phố trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng.

Theo đó, thành phố hiện có hơn 110.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong đó, có 17.500 liệt sĩ, trên 11.000 thương, bệnh binh và với hơn 20.000 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng năm hơn 360 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao mức sống đối với người có công với cách mạng, TP Đà Nẵng đã thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên với mức 500.000 đồng/tháng cho gần 1.500 đối tượng chính sách lớn tuổi, hay ốm đau, có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn (kinh phí chi trả trên 8 tỷ đồng/năm).

Thành phố Đà Nẵng cũng trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30%, với mức 200.000 đồng/tháng cho hơn 500 người (kinh phí chi trả gần 1,2 tỷ đồng/năm).

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe với mức 1.500.000 đồng/tháng cho cán bộ lão thành cách mạng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; và mức 1.000.000 đồng/tháng cho cán bộ tiền khởi nghĩa; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên. Đây là những người có nhiều cống hiến cho đất nước, tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút (kinh phí chi trả gần 7 tỷ đồng/năm).

Thành phố cũng thực hiện chính sách hỗ trợ với mức 1.000.000 đồng/tháng cho hộ nghèo theo chuẩn của thành phố có đối tượng là người có công và thân nhân người có công (hiện nay Đà Nẵng không còn gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, nhưng vẫn còn 308 hộ nghèo theo chuẩn thành phố, với mức chuẩn hiện nay là dưới 1.300.000đ đối với khu vực nông thôn và dưới 1.500.000đ đối với khu vực thành thị), kinh phí chi trả hơn 3,6 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vừa qua, thành phố đã ban hành Nghị quyết về mức quà tặng đối với người có công và thân nhân người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và 27/7 hàng năm, với mức thấp nhất là 500.000 đồng và mức cao nhất là 2.500.000 đồng. Riêng đối với TP Đà Nẵng, người có công được hưởng đầy đủ các suất quà tặng theo các chế độ được xác nhận… Hàng năm, ngân sách thành phố dành khoảng 36 tỷ đồng để tặng quà cho người có công và thân nhân của họ.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, với kinh phí hơn 360 tỷ đồng/năm, TP Đà Nẵng đã dành nguồn ngân sách gần 60 tỷ đồng/năm để thực hiện các chính sách đặc thù riêng cho các đối tượng, góp phần tri ân người có công với cách mạng, tạo điều kiện để người có công được nâng cao mức sống.

  • Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, công tác việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho các đối tượng cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Theo đó, từ năm 1997, TP Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách thuộc diện giải tỏa đền bù bố trí đất tái định cư, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà ở...Thực hiện Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, đến nay TP Đà Nẵng đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 8.200 gia đình chính sách (1.900 nhà xây mới và 6.300 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng; với mức hỗ trợ xây mới: 60 triệu đồng/ nhà và sửa chữa từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/nhà.

Năm 2019, Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí cho chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công với cách mạng, nhưng TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng nguồn ngân sách địa phương. Trong năm 2019, đã hoàn thành việc triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 755 gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng và năm 2020 tiếp tục hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 814 gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống đối tượng, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị Trung ương sớm ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách.