Phụ nữ nặng cả hai vai
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm "của chồng, công vợ". Đó là khi người đàn ông kiếm tìm sự nghiệp cho mình, còn người phụ nữ thì góp công gìn giữ, bảo vệ mái ấm cho cả gia đình. Cuộc sống thay đổi, xã hội phát triển... đã làm đổi thay các giá trị cũ, trong đó có việc thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về người phụ nữ.
Ở Việt Nam hiện nay, lao động nữ chiếm 51% trong xã hội. Phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực: hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, thương mại.. trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Những thành tích phụ nữ đạt được ghi nhận, được xã hội đánh giá cao.
Tuy nhiên, tính trung bình mỗi phụ nữ sinh 2 con mất 10 năm vất vả nuôi con, vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hành cũng như trong quá trình làm việc chuyên môn. Bên cạnh đó, tư tưởng lạc hậu coi phụ nữ chỉ làm việc nội trợ, chân tay, còn nam giới lo con đường công danh, đã làm nảy sinh quan niệm: Nếu người phụ nữ lo học hành, say mê công việc thì việc chăm sóc con cái không được chu đáo.
Câu chuyện “dấn thân” phấn đấu để trở thành Phó Chủ tịch xã Kiên Lao (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) của chị Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiên Lao là một điển hình. Để trở thành Phó Chủ tịch xã là quãng thời gian hơn mười năm chị Liên vừa đi học từ trung cấp, rồi đại học, vừa nuôi con nhỏ, vừa phát triển kinh tế gia đình và đảm nhiệm công tác Hội Phụ nữ. Chị Liên tâm sự: “Những ngày đầu đi học, tôi được chồng động viên nhiều. Anh cần mẫn chở Vợ bằng xe đạp ra tận thị trấn Chũ để tôi bắt xe lên thành phố. Sau này, do công việc, học hành bận rộn, tôi thường xuyên vắng nhà. Hàng xóm láng giềng bắt đầu có lời ra, tiếng vào. Mỗi khi đi đám giỗ, đám cưới, nghe những lời dị nghị, ban đầu anh ấy chỉ cằn nhằn, sau nặng lời, chì chiết. Nhiều đêm tôi trằn trọc, khổ tâm, rơi nước mắt. Một câu hỏi cứ quay quắt trong đầu: Dừng lại, trở về làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ hay tiếp tục phấn đấu?”.
Hạnh phúc gia đình (ảnh minh họa)
Thay đổi vị trí trong gia đình và xã hội
Trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã đổi mới mở cửa, phát triển thị trường lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ và nam giới. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế-lao động dần được thu hẹp, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
Trên toàn quốc, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%. Lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong các ngành chế biến, xuất khẩu. Tỷ lệ lao động nữ ở ngành dệt, may (trên 70%), ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (53,7%). Nữ làm chủ doanh nghiệp tăng nhanh. Tuy nhiên, nhìn tổng quan lao động nữ chiếm số đông ở những ngành nghề có vị thế thấp, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, độ rủi ro cao.
Công việc đối với phụ nữ không chỉ là sự nghiệp mà còn là vấn đề thu nhập: Họ luôn phải đương đầu với bài toán tài chính trong gia đình. Cuộc sống hiện đại với những nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, khả năng kinh tế của mỗi gia đình tuy được cải thiện theo sự phát triển của xã hội, nhưng cũng không thể theo kịp và đáp ứng được những nhu cầu ngày càng đa dạng của mỗi gia đình. Bài toán chi tiêu, tích luỹ và đầu tư của mỗi gia đình, luôn gây khó khăn cho người vợ nhiều hơn, vì họ phải cân nhắc, lựa chọn để ra những quyết định cụ thể trong việc sử dụng những khoản tiền vốn rất eo hẹp. Vậy mà, vẫn còn rất nhiều người chồng có nhu cầu chi tiêu cá nhân lớn, so với khoản tiền thu nhập riêng của họ. Khi đó, với nhiều phụ nữ phải giải những bài toán khó khăn trong cân đối thu - chi, vun vén cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, có nhiều phụ nữ phải chịu thiệt thòi trong việc hưởng thụ các sản phẩm cả tinh thần lẫn vật chất. Cho nên, câu chuyện “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” rất cần sự chia sẻ của người chồng, để xã hội có thêm nhiều phụ nữ thành đạt. Và phụ nữ thành đạt may mắn có được người bạn đời biết thông cảm, sẵn sàng “xắn tay áo” cùng chia sẻ với người vợ mọi công việc từ nội trợ đến nuôi dạy con cái...