Những tiêu chí quan trọng nhất mà ASL đặt ra để mỗi quốc gia trong khu vực, gồm 11 nước Đông Nam Á và có thể có thêm đại diện của Australia, góp mặt ở sân chơi này, về cơ bản gồm: Đảm bảo số tiền có trong tài khoản là 5 triệu USD (đủ để tồn tại trong ít nhất 5 mùa), cơ sở vật chất và hệ thống CLB đúng tiêu chuẩn.
Những điều kiện trên thực tế chẳng có gì ghê gớm. 5 triệu USD (trên 100 tỷ đồng) nghe qua có vẻ nhiều, nhưng thực tế từng có lúc, có CLB trong nước xài hết chừng ấy tiền chỉ trong một mùa giải.
Họ đòi hỏi các đội bóng tham gia phải đảm bảo tài chính trong ít nhất 5 năm cũng là điều bình thường. Vì chúng ta lâu nay quen làm bóng đá theo kiểu “lướt sóng”, đầu tư vào bóng đá theo hơi hướng… đầu cơ, nên nay làm mai nghỉ, chứ đã xây dựng CLB chuyên nghiệp thì dứt khoát cần có sự ổn định.
Cơ sở vật chất, cấu trúc CLB phù hợp, đúng tiêu chuẩn là điều càng cần phải có. Chẳng qua là lâu nay V-League vẫn qua loa với việc này, khiến nhiều CLB có thể đổ hàng đống tiền thuê mướn ngoại binh, tìm cái “phết” cái “phẩy” quanh những bản hợp đồng cao giá, mà bỏ qua chuyện đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho lứa trẻ, thành ra giờ mới nghe các điều kiện ấy mới bảo khó, chứ thật tình nó chẳng khó gì.
Và đổi lại, nếu tham gia ASL, các CLB được AFF đảm bảo về quyền lợi của bản quyền truyền hình (tức là tiền).
Dựa vào đâu để AFF tin rằng ASL sẽ thu được tiền bản quyền truyền hình? – Đó là ở chỗ khu vực Đông Nam Á là khu vực mỗi năm chi tiền nhiều nhất cho bản quyền giải Ngoại hạng Anh, là khu vực có mật độ người xem bóng đá trên truyền hình trả tiền cao nhất, nên không có lý do gì dân Đông Nam Á không xem các đội bóng “cây nhà lá vườn” thi đấu (ESPN và Fox Sports truyền hình trực tiếp AFF Cup 2 năm/lần thì đủ biết sức hút trên truyền hình ở Đông Nam Á lớn đến mức nào).
Nhưng ngặt nỗi, bàn vấn đề bản quyền truyền hình với các CLB Việt Nam, với các CLB bóng đá Việt Nam đôi khi cũng như… không. Lâu nay chúng ta đâu biết cách khai thác bản quyền truyền hình, đâu biết thực tế giá trị của CLB mà mình đang sở hữu là như thế nào xét trên góc độ truyền thông, thì làm sao nắm rõ nếu được chia tiền bản quyền truyền hình từ ASL, thì nhận thế nào là nhiều và thế nào là ít? – Hoặc lấy thước đo nào để tính toán bản quyền truyền hình với họ?
Và một điều nữa, các CLB thuộc V-League lâu nay chỉ quen với tâm lý đá quanh quẩn ở giải quốc nội, chưa hề có hướng cũng chưa hề mang tâm thế phải xây dựng thương hiệu trên tầm quốc tế, nên nói đến chuyện tham dự giải đấu quốc tế là mang tâm lý ngại (chủ yếu là ngại thua).
Cần phải thực tế chỗ này, với lợi nhuận có thể rất cao từ bản quyền truyền hình theo như tính toán, việc các CLB Việt Nam có tham gia ASL hay không thì giải vẫn diễn ra, chỉ có chúng ta là đứng ngoài guồng quay chung ấy (nếu không có CLB nào của V-League tham dự), chứ không có chuyện vì chúng ta không dự mà giải đấu ấy phải dừng!
Một thực tế khác không thể không tính đến, rằng những B.Bình Dương, hay Hà Nội T&T hoặc bất cứ CLB nào khác sẽ được lợi về mặt hình ảnh ra sao? – Các khu công nghiệp ở Bình Dương hay những sản phẩm của bầu Hiển sẽ được thông tin rộng rãi như thế nào nếu các CLB đấy tham gia ASL có lẽ là điều không cần bàn thêm.
Vấn đề chính nằm ở chỗ, chúng ta có thay đổi được sự tụt hậu về khâu tổ chức, về cấu trúc CLB của chính mình hay không để tham gia đấu trường quốc tế, chứ con số 5 triệu USD (trong 5 năm) hay cao hơn nữa cho kinh phí tham dự giải thực ra chẳng là gì trong bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.