Sau những ô cửa ấy, bằng sự thôi thúc của trái tim ấm nóng, các nhân viên cả chính thức lẫn tình nguyện của Trung tâm tỉ mẫn chăm chút bón từng miếng cơm, lau chùi từng bàn chân, giặt giũ từng chiếc tất… cho những người hoàn toàn xa lạ với họ.
Hồi sinh kỳ diệu
Bước vào tuổi 80, với bao biến cố đã đi qua cuộc đời mình, ký ức có lúc lẫn lộn nhớ quên nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm với Trung tâm, gương mặt ông Trần Văn Hùng lại như bừng sáng lên. Ông hồi khứ lại rằng: Vốn nhà làm nghề chài lưới, cuộc sống thịnh suy phần nhiều phụ thuộc vào thời tiết. Một trận cuồng phong ập đến hơn 10 năm trước, căn nhà tạm bị sóng cuốn phăng đi, vợ ông mất tích, hai đứa con bỏ xứ biệt tích đi làm ăn, ông bơ vơ. Không chịu nỗi những mất mát, ông lang thang và tính quyên sinh nhưng đúng lúc ấy có một tình nguyện viên đã giới thiệu và đưa ông vào Trung tâm. Gặp gỡ hàng trăm cảnh ngộ khác tương tự như mình lại được các nhân viên lẫn cán bộ Trung tâm động viên, chăm sóc như người ruột thịt nên tinh thần ông được “sốc” lại, bỏ hẳn ý định quyên sinh. Ở Trung tâm ông còn được tập dưỡng sinh, đọc sách báo hàng ngày. Ông Chu Văn Công-GĐ Trung tâm cho biết: Dù bất kể đối tượng nào khi gặp phải những thảm cảnh như vậy chúng tôi đều tiếp nhận, ổn định tinh thần và chăm sóc ngay chứ không hề phân biệt. Sau đó mới tìm hiểu. Nếu không còn nơi nương tựa, Trung tâm sẽ làm thủ tục nuôi dưỡng trọn đời.
Hộ lý Phạm Thị Chính (bên trái) ân cần chăm sóc khiến nhiều cụ già trong Trung tâm xúc động bật khóc
Đang nằm trị xạ bệnh ung thư trong Khoa ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) lòng ông Đinh Trọng Hùng cũng rộn ràng theo tiếng ve đang kêu râm ran báo hiệu hè về. Gia đình khó khăn, ly tán, sống trong cảnh neo đơn, căn bệnh hiểm nghèo lại ập xuống đầu cách đây 2 năm. Lúc ấy, ông uống cạn chai rượu, dời bỏ phòng trọ, nằm ở vệ đường chờ “thần chết” kéo đi. Sáng hôm sau, ông choàng tỉnh, ngơ ngác khi thấy mình đang nằm trên chăn êm, đệm ấm của Trung tâm. Ông xúc động chia sẻ: Đêm tối, vậy mà các nhân viên trong Trung tâm vô tình thấy tôi đã đưa về chăm sóc. Không những thế, ông giám đốc Chu Văn Công còn chạy đôn đáo đi mua bảo hiểm y tế và đưa tôi đến bệnh biện chạy chữa kịp thời. Đồng thời còn luôn động viên, thăm hỏi. Tôi như người hồi sinh từ cõi chết trở về vậy. Đồng cảnh ngộ như ông Hùng, hàng trăm người già neo đơn, lang thang, trọng bệnh khác cũng đã được Trung tâm đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị.
Nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật như được hồi sinh khi vào Trung tâm
Em Nguyễn Văn Trương và hàng loạt trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh khác cũng tìm lại được ước mơ của mình ngay tại Trung tâm này. Các em cho biết: Đã mồ côi, lại bị khuyết tật nặng nữa coi như cuộc đời đã chấm hết. Thế mà khi vào Trung tâm các em được thương yêu, chăm sóc, được học hành, được thường xuyên ca hát, cuộc sống như được lật sang một trang mới. Vào Trung tâm các em được sống theo mô hình gia đình gồm mẹ, dì và các anh chị em.
Tìm cách làm hay
Hầu hết những đối tượng là trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, người tâm thần, người già neo đơn khi đưa về Trung tâm sức khỏe đều đã suy kiệt. Có người còn nhúm da bọc xương. Trong khi mức chi tiền ăn hàng tháng cho các nhóm đối tượng này đã có khung quy định của Nhà nước (mức cao nhất là 1,3 triệu đồng/tháng). Sau bao đêm trăn trở, ông Chu Văn Công cùng nhiều nhân viên trong Trung tâm quyết định dành những khoảng thời gian ngoài giờ hành chính đi vận động khắp nơi để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn cho các đối tượng. Đồng thời lên kế hoạch động viên tăng gia sản xuất, thâm canh các loại rau trên diện tích đất trống ít ỏi t trong khuôn viên Trung tâm.
Trung tâm luôn kêu gọi thêm các tình nguyện viên đến chăm sóc, thăm hỏi đối tượng trong Trung tâm
Để tăng thêm niềm vui và lòng tin yêu cuộc sống, tất cả các ngày Lễ, Tết hay cuối tuần, Trung tâm đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ. Những ca khúc được lựa chọn đều tập chung nói về tinh thần vượt qua những nghịch cảnh, quyết không gục ngã. Ông Công bộc bạch: "Tháng nào chưa vận động thêm được nguồn dinh dưỡng cho các đối tượng là thấy trong lòng không yên. Nhiều người bệnh nặng vào Trung tâm mình cũng phải đôn đáo đi mua bảo hiểm y tế cho họ hết. Đồng thời cán bộ và nhân viên trong Trung tâm còn đi tìm hiểu cách chữa bệnh dân gian, những cây thuốc nam quý để về chữa trị cho các đối tượng. Khi sức khỏe tốt rồi thì lại miệt mài đi kết nối các trung tâm vui chơi bên ngoài để đưa các đối tượng đến giao lưu, tạo sự thư thái trong tinh thần. Hầu như năm nào cũng liên tục có những đợt giao lưu như vậy".
Đưa nghề nhẹ nhàng vào dạy vừa tăng sự gắn kết vừa có thêm thu nhập cho các đi tượng
Một trong những ý tưởng được ông Công cùng Trung đang quyết liệt triển khai và đưa vào hoạt động ngay trong năm 2016 này đó là phòng dạy nghề đặc biệt với hai nghề chính là dệt chiếu cói và làm các loại bánh. Tham gia những công việc nhẹ nhàng này vừa khiến cuộc sống tươi vui hơn, vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và còn là cách để gắn kết chặt chẽ các đối tượng trong Trung tâm như một gia đình lớn vậy.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Dù đã dốc hết sức mình để làm cho cuộc sống những người yếu thế trong Trung tâm được đảm bảo tốt nhất nhưng theo ông Chu Văn Công vẫn còn đó nhiều trăn trở. Trung tâm hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ…cho gần 300 đối tượng nhưng tổng cộng chỉ có hơn 50 nhân viên phải thay nhau túc trực suốt ngày đêm, ngày Tết cũng vậy. Có những lúc quá cấp bách, Trung tâm phải cầu cứu các nhân viên tình nguyện bên ngoài, nhân lực Trung tâm thiếu hụt nghiêm trọng. Vừa giải bầy với tôi hai tay hộ lý Phạm Thị Chính vừa thoăn thoắt lau chùi, kỳ cọ nơi ăn ở cho những người già neo đơn bệnh nặng. Chị cho biết: "Tôi làm ở đây mấy chục năm rồi. Tình thương vô bờ bến dành cho các đối tượng là chính chứ không quan tâm mấy đến công cán đâu. Có những ngày làm việc quần quận sáng sớm đến đêm kia, phải hy sinh cả hạnh phúc riêng đấy. Nhiều người già không thể tự thay quần áo, tắm rửa được, mình phải làm hết. Biết họ thiệt thòi và không có người nhà nên vừa tỉ mẫn làm việc vừa phải ân cần động viên họ. Nếu hàng tháng không có các tình nguyện viên từ khắp nơi về đây giúp thêm thì đuối sức mất. Có lúc cũng thấy hơi nản nhưng may mắn nhìn những người cơ nhỡ vui khỏe nên mình vui theo. Trước mặt chúng tôi, nhiều người già đã bật khóc vì xúc động khi nhắc đến nghĩa tình của những nhân viên chăm sóc nơi đây".
Ông Chu Văn Công (bên trái) trong một cuộc vận động từ thiện cho các đối tượng trong Trung tâm
Gần 30 năm gắn bó với công tác chăm sóc người bệnh già trong Trung tâm, hộ lý Đậu Thị Bình chia sẻ: "Có người bị người thân ruồng rẫy đã thốt lên ở bên ngoài chưa có một ngày được sống hạnh phúc như trong Trung tâm. Ở Trung tâm, các nhân viên cũng hết sức tâm lý, những đối tượng nào quý mến nhau, Trung tâm liền sắp xếp cho gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện, nỗi niềm cuộc sống".
Có những ngày cao điểm như ngày 17/2/2016, Trung tâm tiếp nhận 33 đối tượng lang thang xin ăn do các huyện, thị xã, thành phố thu gom, trong đó có nhiều đối tượng là người già từ nơi khác, không còn người thân, tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm phải xuyên đêm sắp xếp, lo ổn định ăn ở cho các đối tượng mà không hề có bất kỳ khoản trợ cấp nào thêm.
Cần sớm nghiên cứu, áp dụng nghị định của Chính phủ: Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2016/NĐ-CP về việc quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với công nhân viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Thế nhưng đến nay, ở tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh khác ở khu vực miền Trung như Phú Yên, Bình Thuận vẫn chưa triển khai và áp dụng Nghị định này nên các công nhân viên chức, người lao động ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập chưa có thêm bất cứ khoản trợ cấp đặc thù nào. Trước mắt, để cuộc sống các đối tượng yếu thế được tốt hơn, nhiều Trung tâm Bảo trợ xã hội ở các tỉnh nên tham khảo mô hình vận động thêm tình nguyện viên, tổ chức dạy nghề như ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa.