Ngay ở trang đầu, nhà báo kỳ cựu, nhà bình luận thời sự nổi tiếng này, lôi tuột người đọc vào vòng xoáy thời cuộc bằng những sự kiện vừa nóng hổi vừa điển hình của thế giới đương đại: Đó là biến động Ucraina với hệ quả là sự cố Krimea, chấm dứt thời kì cam chịu thiệt thòi của chú gấu Nga; đó là con quỷ IS hiện hình làm rối loạn Trung Đông và gây đảo lộn những toan tính của lục địa già EU; đó là yêu sách “Đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc, là Tổng thống Philipines bỗng nhiên nổi đóa đòi tống khứ quân đội Mỹ ra khỏi nước mình vân vân và vân vân. Tất cả những luồng gió điển hình tạo nên “Lốc xoáy thời cuộc” nọ đều góp phần xuất sắc chứng minh cho đặc điểm “biến đổi khó lường” của thế giới đương đại.
Trong cuốn sách, tác giả “Lốc xoày thời cuộc” khiêm tốn nói rằng, cuốn sách này không có gì to tát mà chỉ là những suy nghĩ tản mạn về thời cuộc, cả trong nước và thế giới. Bằng cách kể chuyện kèm những lời bình sắc sảo, nhiều chỗ thâm thúy đến “điếng người”, tác giả gây cho ta cảm giác ngẫu hứng mà không rời rạc; mọi tình tiết đều theo một logícs chặt chẽ, hòa quyện xoắn xuýt, tạo nên một chỉnh thể phục vụ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Trong cuốn sách của mình, nhà báo Phạm Quốc Toàn nhận xét khái quát một cách rất chính xác rằng: “Lịch sử nhân loại nhiều năm trước đây cũng như hiện nay, luôn luôn là cuộc tranh giành quyền lực, tranh chấp lợi ích giữa các nước lớn. Chủ nghĩa cường quyền gắn với sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế cũng từ lợi ích của các “Ông lớn”. (Trang 13, Vòng xoáy thời cuộc).
Tác giả điểm danh những “ông lớn” tiêu biểu đang khuynh đảo thế giới. Các “ông lớn” này có một đặc tính chung là tham lam và lớn tiếng, lấy chủ nghĩa cường quyền áp đặt làm thủ đoạn hành động; và do đó, họ là năng lượng chủ yếu gây nên “Lốc xoáy thời cuộc”. “Ông lớn” đầu tiên dĩ nhiên là Mỹ.
Với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, các “ông lớn” vẽ lại bản đồ thế giới. Mỹ là nước ít tổn hại nhất nhưng lại là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Mặc dù Hồng quân Liên Xô có công đầu tiêu diệt chủ nghĩa phát xít nhưng 2 quả bom nguyên tử nổ trên đất Phù Tang lại có tiếng vang lớn, có giá trị răn đe mạnh mẽ: Mỹ trở thành quốc gia duy nhất lúc đó có chiếc ô hạt nhân. Phạm Quốc Toàn đã phân tích khá sâu sắc, chặt chẽ và toàn diện tình hình thế giới sau năm 1945. Nhưng đúng lúc Mỹ đang “hô phong hoán vũ” thì Liên Xô xuất hiện, tiếp đó là các nước Đông Âu, Đông Á và một hòn đảo tự do ở Châu Mỹ La tinh, hình thành phe XHCN: Lốc xoáy thời cuộc giờ đây biểu hiện bằng cuộc chiến tranh lạnh giửa hai “Ông lớn”. Vòng lốc đang xoáy vào cuộc chiến ý thức hệ thì đùng một cái, năm 1991, Liên Xô đổ vỡ; tạo ra một thời cơ “Vàng” để Mỹ bứt phá, khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) lập tức bành trướng về phía Đông. Phạm Quốc Toàn nhìn tình huống thời cuộc khá sắc sảo khi gắn ngay sự trỗi dậy một cách ngoạn mục của Trung Quốc, một “Ông lớn tiềm tàng”, tham vọng không nhỏ nhưng đang kiệt quệ bởi vửa qua cuộc tranh giành nội bộ. Nước có số dân hơn một tỷ này chọn con đường tăng tốc kinh tế bằng mọi giá để bù vào thời gian đã mất và quả nhiên họ “tiến vọt”, vượt qua Pháp, Anh, Nhật để chiếm vị trí cường quốc kinh tế thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ. Cùng với hiện đại hóa về kinh tế là hiện đại hóa về quân sự. Chóng mặt về sự “nhảy vọt” của mình, Trung Quốc dương ngay ngọn cờ “Cường quyền áp đặt” trong tranh chấp đất đai, đặc biệt là tranh giành biển đảo với các nước láng giềng.
Ấy là lốc xoáy ở “thì hiện tại”- còn “thì tương lai”- chắc chắn sẽ khó lường hơn nũa và cũng dữ dội hơn nữa. Một nước nhỏ và “hơi yếu” Philippine vừa xuất hiện một Tổng thống Duterte đã khiến thế giới sửng sốt; còn “Ông lớn” Hoa Kỳ vừa mới có một tỷ phú chịu chơi Donald Trump thắng cuộc, bước vào Nhà trắng thì, ôi chao, cường độ “vòng xoáy thời cuộc” thật khó đoán định dẫu biết rằng trên các “Ông lớn” là “Siêu quyền lực”.
Là một nhà báo chuyên bình luận thời sự quốc tế từ lúc mới ngoài 20 tuổi, lại có điều kiện đi nhiều, hiểu rộng, Quốc Toàn có những dòng rất hay về các “ông lớn”, kể cả nước Nga thời đại Pu-tin.
Các “ông lớn” xung đột-liên kết-xung đột… đang hồi gay cấn thì một nhân tố mới xuất hiện tiếp một năng lượng khá lớn cho “Vòng xoáy thời cuộc”, đó là chủ nghĩa khủng bố, mà điển hình là Nhà nước IS tàn bạo. “Khủng bố” vốn là một động từ đơn giản nay biến thành danh từ, một “Chủ nghĩa”, tức là nó “có hệ thống những quan điểm, tư tưởng làm thành cơ sở lý thuyết, chi phối hướng dẫn hoạt động của con người theo định hướng nào đó” (Đại tự điển tiếng Việt-trang 389). Thủ đoạn tác chiến của nó là khủng bố. Năm 2011, chỉ cần 2 kíp hành động, bọn khủng bố đã làm nổ tung tòa Tháp đôi và gây thương tật cho Lầu Năm góc, đẩy nước Mỹ vào trạng thái bất an. Và bây giờ, với một nhóm “Thánh chiến” hay một “con sói đơn độc”, nó rất có thể đe dọa gây chết chóc ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào! Thiện dụng chiến thuật “nhỏ lẻ”, “bất ngờ”, chủ nghĩa khủng bố quốc tế khiến các “Ông lớn” có nanh nguyên tử như gà mắc tóc.
Phạm Quốc Toàn phân tích thấu đáo về sự xuất hiện của IS trên vũ đài và sự lúng túng của các “ông lớn”. Các “ông lớn” không thể không liên kết để xử con quái vật tàn bạo IS nhưng lại khó đồng tâm bởi mỗi “ông” lại có một toan tính lợi ích riêng, không thể nhân nhượng, ở ngay chiến trường chính Syria và Iraq. Đây là một lỗ hổng không nhỏ để IS lợi dụng đồng thời gây hệ lụy cho các nước tiểu nhược trong bàn cờ thời cuộc. Hàng ngàn hàng vạn người vô tội thương vong, hàng triệu người xung vào đoàn quân tỵ nạn từ Trung Đông liều mình vượt biển đi tìm miền “Đất hứa”! Tác giả “Vòng xoày thời cuộc” thật tài tình khi lấy cháu Aylan Kurdi làm sợi chỉ tang thương nối hai em học sinh Việt Nam – Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Bằng Linh – tạo thành một ngọn triều lên án những kẻ nhẫn tâm, tàn bạo trên thế giới này!
Sau khi quan sát và mổ xẻ lốc xoáy thời cuộc trên thế giới, nhà báo Phạm Quốc Toàn ngoái nhìn đất nước mình xem sự thể thế nào. Hóa ra nước Việt Nam thân yêu của anh cũng không ngoại lệ; có điều nó thể hiện ở một dạng khác: Suy thoái-biến chất, tham nhũng; thảm họa môi trường; biến đổi khí hậu và những mưu toan bất lương của những kẻ cơ hội chính trị. Ở đây, ngòi bút tác giả vẫn sắc sảo nhưng yếu tố trữ tình đậm nét hơn. Cái tít phụ “Tầm nhìn và hành động” có vẻ hiền lành nhưng những nhức nhối tác giả đưa lên đĩa cân công lý không “hiền lành” chút nào, đó là những ung nhọt chết người “mới toanh” đang hoành hành trong cơ thể. Bằng phương pháp thống kê đơn giản mà giầu sức thuyết phục, những khuyết tật trong xã hội được phơi bày rõ nét. Cái hay của ngòi bút là ở chỗ tác giả không dừng lại ở hiện tượng mà đi vào bản chất sự việc, truy tới tận cùng nguồn gốc sâu xa của vấn đề. Một độc tố nguy hại cho xã hội Việt Nam lúc này cần khẩn cấp vạch mặt chỉ tên là những cán bộ cao cấp có vị trí then chốt tại công quyền, tham nhũng từ việc lái chế độ chính sách sao cho có lợi nhất cho mình và cho người thân. Quả thật cái con sâu này là thủ phạm của mọi thủ phạm. Những vụ việc tội lỗi tầy đình rồi cũng có thể “chìm xuồng” bởi nó được hợp pháp hóa bằng kết luận: “ĐÚNG QUY TRÌNH”! Và chính nó làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của dân ở Đảng và chế độ. “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”- Nhà báo già nhắc lại lời cổ nhân như một hồi chuông cảnh báo!
Mấy năm lại đây, đất nước hình chữ “S” này, dân tộc cần cù, hiền lành và yêu chuộng hòa bình này hứng không biết bao nhiêu tai họa, cả “thiên tai” và “nhân tai”, tổn hại vô bờ tính mạng và tài sản, hết nắng hạn cùng cực đến lụt lội trắng tay, hết Fomosar lại Hố Hô,…!
***
Chương cuối cùng của cuốn sách có tên “Phúc Trạch nét đẹp văn hóa”. Người đọc tưởng tác giả xếp lầm: Một cái tít của du ký chứ không phải của chính luận. Quả thật 2/3 bài là tùy bút về quê hương nhà báo với những “cảnh đẹp người xinh” nơi Hà Tĩnh-Hương Khê có con sông Ngàn Sâu lả lướt giữa đôi bờ phong cảnh hữu tình, có trái bưởi ngon và cây gió ngát hương…
Nhưng không, quê hương anh mùa mưa năm 2016 này đang hứng chịu một tại họa chưa từng có, mà ác thay, “ quả bom nước khổng lồ” ập xuống đầu dân lành lại rất chi là “Đúng qui trình”?!-Thế mới đau. Như một công tố viên có bản lĩnh, nhà báo Phạm Quốc Toàn huy động hết năng lực để nói hộ người dân Phúc Trạch quê mình. Yếu tố “trữ tình-nhân văn” đã không những không làm giảm sức nặng “ngôn luận” của cuốn sách mà trái lại nó nâng hiệu quả của vũ khí phê phán. Đây là sự bất bình của nhà báo chính luận Phạm Quốc Toàn:
“…Trời đất ơi, sao dạo này người ta chuộng hai chữ “quy trình” đến thế. Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, hội họp đúng quy trình, nay lại xả lũ đúng quy trình (!). Con sông Ngàn Sâu quê mẹ ơi, giá như trên đời này đừng sinh ra con sông này, để cho con người đừng ham hố ... lợi nhuận mà nhảy vào thủy điện thì bây giờ làm gì có thủy tinh hà bá giận dữ làm khổ muôn dân. Mà trách cứ dòng sông cũng thật vô lý, oan cho sông quá. Muôn đời nay dòng sông mẹ đã tắm mát cho ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn cơ mà. Nhân tai, nhân tai cả đấy, trời đất ơi! Người ta tích nước, sông cạn kiệt nước. Mùa mưa thì người ta ... “ngang ngược” xả lũ…”.
Thật là những dòng tâm huyết hào sảng và xúc động lòng người.
***
“Lốc xoáy thời cuộc”, theo tôi, là cuốn sách chính luận thể hiện tập trung, đầy đủ và rõ ràng nhất cách nhìn và thái độ của nhà báo Phạm Quốc Toàn với hiện thực đa chiều, nhiều mầu sắc, rối rắm và biến động mạnh mẽ, khôn lường trên thế giới và trong nước hiện nay.
TP Hồ Chí Minh, tháng12năm 2016