Một cuộc khảo sát do Báo Thanh niên Trung Quốc thực hiện với 1.680 thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi cho thấy: 56,5% người được khảo sát đều nhất trí với việc đưa phí sinh hoạt cho cha mẹ, 22,7% người không đồng ý với điều này và 20,8% người không chắc chắn.
Ngoài ra, 62,1% thanh niên sống cùng cha mẹ sẽ chu cấp phí sinh hoạt cho gia đình, cao hơn so với những thanh niên không sống cùng cha mẹ (50,3%).
Tào Khải (đã đổi tên) là một 9X Trung Quốc tốt nghiệp đại học vào năm 2015 và hiện đang làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Bắc Kinh. Vì chung sống cùng với bố mẹ, anh thường chỉ giữ một số khoản chi tiêu hàng ngày sau khi được trả lương và đưa toàn bộ số tiền còn lại cho bố mẹ.
Anh chia sẻ với phóng viên rằng xung quanh anh cũng có rất nhiều người nộp phí sinh hoạt cho bố mẹ. “Theo tôi được biết, có người nộp phí sinh hoạt vì bố mẹ yêu cầu, cũng có người lại chủ động đưa tiền cho bố mẹ.
Nhưng theo tôi, dù bố mẹ yêu cầu con cái phải đưa tiền sinh hoạt thì họ sẽ thường không tiêu tiền của con. Đơn giản là vì họ chỉ lo con cái sẽ tiêu tiền hoang phí nên muốn tiết kiệm tiền cho con mà thôi”.

Vẫn theo Tào Khải, anh cảm thấy bản thân không có ý thức quản lý tài chính và không thể quản lý tiền bạc: “Số tiền tôi giữ chỉ đủ mua sắm hàng ngày và tụ tập bạn bè, còn lại đều sẽ đưa cho mẹ tôi. Tôi luôn bảo bà dùng tiền đó để mua đồ nhưng trên thực tế thì bà không hề tiêu số tiền đó mà sẽ giữ tiền giúp tôi”.
Theo chuyên gia Trần Chí Linh, thành viên của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc, nếu người trẻ sống cùng gia đình thì nên san sẻ gánh nặng tài chính với bố mẹ, cách này vừa có thể rèn luyện tinh thần trách nhiệm lại vừa nuôi dưỡng lòng biết ơn của người trẻ đối với bố mẹ.
Về việc cha mẹ yêu cầu con phải nộp phí sinh hoạt, anh cho rằng nếu cha mẹ không còn khả năng lao động thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ, tuy nhiên, nếu cha mẹ có thu nhập ổn định thì việc yêu cầu nộp phí sinh hoạt đôi khi là để quản lý và kiểm soát chi tiêu của con.
"Con cái sẽ không thể cho bố mẹ nhiều như những gì bố mẹ cho con nên người trẻ không cần phải lo lắng về việc có nên nộp phí sinh hoạt cho bố mẹ hay không." Anh Chí Linh tin rằng việc san sẻ trách nhiệm gia đình bằng tất cả khả năng của mình là cách đơn giản nhất và trực tiếp nhất để thể hiện tình yêu thương của mình với gia đình.
Cô Lạc Linh Linh, người làm công việc hành chính ở Thiên Tân, Trung Quốc chia sẻ rằng cô chưa bao giờ đưa phí sinh hoạt cho bố mẹ mình. Thay vào đó, cô sẽ thường mua quà cho họ vào ngày sinh nhật và các dịp đặc biệt.
"Vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi đã đưa bố mẹ đi du lịch Tam Á và chi trả toàn bộ số tiền của chuyến đi. Bởi vì tôi thường xuyên không ở nhà nên khi về nhà vào dịp nghỉ lễ, tôi sẽ dành nhiều thời gian nhất có thể cho bố mẹ, chẳng hạn như đi siêu thị mua sắm cùng mẹ hoặc xem bóng đá cùng bố”.
Theo cô, dù một số người nghĩ rằng đưa tiền cho cha mẹ là hiếu thảo, nhưng nếu mỗi tháng chỉ chuyển tiền vào thẻ của cha mẹ và không bao giờ về nhà thăm cha mẹ thì đó không thể gọi là hiếu thảo.
Trong khảo sát về những cách để báo hiếu bố mẹ, 24,8% số người được hỏi đề xuất mua quà và gửi bao lì xì cho bố mẹ trong các dịp lễ tết, 19,5% người đề nghị nên dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ và 16,0% người đề nghị đưa bố mẹ đi du lịch hoặc đưa bố mẹ đi khám sức khỏe định kỳ.
Một số đề xuất khác cũng được đưa ra như: chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi tiêu hàng ngày như tiền điện nước, kiên nhẫn trò chuyện với cha mẹ, chú ý đến tình trạng sức khoẻ của cha mẹ, mua bảo hiểm cho cha mẹ, v.v.
Theo chuyên gia Chí Linh, tuy một số người nghĩ rằng việc đưa tiền cho cha mẹ hoặc mua cho họ vài bộ quần áo là đã thể hiện lòng hiếu thảo, nhưng lòng hiếu thảo không hẳn là những thứ vật chất mà là sự tử tế xuất phát từ tình yêu của con dành cho cha mẹ.
“Theo tôi, khi con cái thể hiện tình cảm với cha mẹ thì nên quan tâm nhiều hơn tới mặt tinh thần của cha mẹ. Cha mẹ sẽ luôn cần sự bầu bạn của con, cần con ở bên trò chuyện với họ và cần con thường xuyên về nhà thăm họ hơn là những thứ vật chất khác”.
Miên Miên