Ông Trần Quốc Tuấn (thứ hai từ trái sang), Phó chủ tịch VFF, làm Chủ tịch Hội đồng HLV và HLV Miura (bìa trái) - Ảnh: Ngô Nguyễn |
Trong vòng 17 năm, từ 1995 - 2011, đội tuyển bóng đá nam VN trải qua 8 đời HLV ngoại. Trừ số ít mang lại thành công nhất định cho đội tuyển như HLV Weigang, Riedl hay Calisto, còn lại thời gian tại vị rất ngắn và hầu hết đều để lại dư vị rất đắng. HLV Tavares hay HLV Dido (đều quốc tịch Brazil) đến VN thông qua một công ty môi giới. HLV Colin Murphy (Anh), Christan Letard trở thành đối tác của LĐBĐ VN (VFF) cũng nhờ mối quan hệ của ngành thể thao còn Falko Goetz (Đức) tự gửi hồ sơ xét tuyển.
Trong số những HLV nói trên, sự ra đi của ông Letard khiến VFF khốn đốn suốt thời gian dài cả về uy tín lẫn tiền bạc. Nhưng có một chuyện mà bây giờ chúng tôi mới có dịp kể lại, là sau khi nhận được sơ yếu lý lịch từ bên Pháp gửi sang, đích thân Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia lúc đấy là ông Nguyễn Sỹ Hiển đã bay sang Paris để kiểm tra. Và ông Hiển về báo cáo lại là: Ở Pháp, chẳng ai biết ông Letard là ai! Nhưng ông này vẫn được chọn và sau đó lãnh đạo VFF bị xơi quả đắng (đền bù mấy tỉ đồng vì sa thải không đúng luật).
“Chúng tôi gần như hữu danh vô thực”
Ông Hiển hiện vẫn đang có “chân” trong Hội đồng HLV quốc gia nhưng ở vai phó chủ tịch. Chức chủ tịch do Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn nắm giữ. Ông Hiển bức xúc: “Hội đồng có 4 người, bao gồm thêm hai ủy viên là ông Mai Đức Chung và HLV Lê Huỳnh Đức. Nhưng kể từ ngày đại hội VFF tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã được mời họp ngày nào đâu. Chẳng hoạt động gì, chẳng được ai hỏi ý kiến. Họ cứ bày ra như thế chứ hội đồng gần như hữu danh vô thực. VFF đã không tôn trọng những thành viên còn lại của hội đồng. Việc mời HLV Miura hay Takashi, chúng tôi cũng không được hỏi han, tham khảo mà chỉ được báo ngắn gọn là ông Miura do Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật giới thiệu và sẽ được tài trợ tiền lương”.
|
Một ủy viên Ban Chấp hành (BCH) VFF “thú nhận” là mọi công việc hệ trọng của bóng đá VN hầu như BCH không được trưng cầu ý kiến và BCH cũng gần như phó mặc hết cho Thường vụ VFF. Thế nhưng nội bộ Thường vụ VFF cũng đang có sự chia rẽ khá sâu sắc. Một ủy viên thường vụ thốt lên rằng, rất nhiều chuyện của VFF, bao gồm cả việc thuê HLV, ông chỉ biết qua… đọc báo hoặc biết trong buổi ký hợp đồng và ra mắt HLV đó.
Lãnh đạo một CLB tại Hà Nội thắc mắc, tại sao Phó chủ tịch VFF lại kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia bởi có khác nào vừa “đá bóng vừa thổi còi”. Vị này chất vấn: “Đáng nhẽ phải là hai bên độc lập để hội đồng còn phản biện những đề xuất từ VFF. Đúng là trái khoáy. Trong khi Hội đồng HLV coi như bị vô hiệu hóa, quyền lực dồn hết vào một người thì Phòng Các đội tuyển quốc gia VFF chỉ đáng được coi là nơi chạy giấy tờ cho các đội tuyển, chứ không xứng với tên gọi. Nếu ở các liên đoàn bóng đá khác, đây là phòng rất mạnh và tập trung của những chuyên gia đầu ngành. Ở VFF, phòng này được điều khiển bởi cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV đội nữ Trần Vân Phát. Không có người giỏi chuyên môn cầm trịch, thử hỏi bóng đá VN đi về đâu?”.
Ai thay ông Miura cũng thế thôi !
Bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định: “Ngày trước, tôi hay nói Miura cô đơn nhưng bây giờ ông đang bị lạc lối và mất phương hướng. Ngay cả việc lên danh sách đội tuyển ông Miura dường như cũng gọi cầu thủ theo tên chứ không căn cứ vào phong độ. Bộ khung từ AFF Cup 2014 gần như được giữ nguyên. Đó có thể là một phần của sự bảo thủ, một phần là chỉ muốn hướng tới giải pháp an toàn. Nhưng khi Hội đồng HLV và Phòng Các đội tuyển quốc gia hoàn toàn bị mất tiếng nói thì ai sẽ tư vấn cho ông ấy đây? Vai trò cầu nối của VFF với Miura gần như không có trong bối cảnh bóng đá VN và Nhật Bản vẫn còn những thứ xa lạ, rất cần có sự gắn kết để đồng điệu. Với lề lối làm việc của thượng tầng VFF, thì bất cứ ai thế chỗ Miura sớm muộn gì cũng lãnh hậu quả. Miura không tệ nhưng ông ấy không có được sự kết nối. Tôi thấy ông ấy đáng thương hơn”.
Chuyên gia Trần Văn Mui nói rằng, tính chuyên môn cao hay thấp của VFF là nhìn vào Hội đồng HLV QG, nơi tập hợp đầy đủ những chuyên gia hàng đầu biết vạch ra chiến lược, chăm lo cho hệ thống đào tạo trẻ và thẩm định tư vấn trong việc bố trí HLV các tuyến của các đội tuyển. Niềm tin của người hâm mộ cũng từ đó mà ra. Nhưng bây giờ nếu hỏi chiến lược của bóng đá VN là gì thì những nhà điều hành cấp cao của VFF không trả lời được vì họ đã gần như loại vai trò của Hội đồng HLV QG ra khỏi đời sống bóng đá và cứ loay hoay đối phó với thành tích trước mắt. Trách sao người hâm mộ mất niềm tin. Ông cũng nhấn mạnh, bóng đá Nhật có nhiều cái rất đáng học hỏi nhưng không phải bất cứ ông thầy Nhật nào đến với bóng đá VN là chúng ta đã học được bóng đá Nhật. Lẽ ra, mời HLV Nhật phải đưa qua Hội đồng HLV QG có sự thẩm định kỹ càng chứ không phải nghe giới thiệu rồi nhận. Ngay chuyện VPF từng mời các ông trưởng giải người Nhật sang điều hành cũng chẳng giúp được gì cho bóng đá VN.
Không có vai trò Hội đồng HLV QG nên trong VFF hầu như không ai dám phản biện, nêu chính kiến kể cả khi thấy bất bình hay không hài lòng với thầy Nhật, trừ… Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Câu phát biểu có thể sẽ trở nên “bất hủ” của bầu Đức: "Nếu phải bỏ phiếu sa thải ông Miura, tôi sẽ bỏ phiếu đầu tiên”. Ông Đức còn nhấn mạnh thêm rằng, sẽ sẵn sàng bỏ tiền để mời HLV khác, thậm chí đó có thể là một HLV người Nhật khác nhưng phải giỏi hơn.
Ý kiến Bóng đá VN chọn HLV ngoại rất cảm tính Tôi nói thật, từ lâu rồi Hội đồng HLV QG đã giống hệt như cái bình phong di động, chẳng làm được gì vì có được thông tin đầy đủ đâu mà làm. Nói cách khác, vai trò của các thành viên trong hội đồng này chỉ nhằm cơ cấu cho đủ tụ vì mọi chuyện đã có Thường vụ VFF với đa phần là những người thiếu chuyên môn hoặc một cá nhân có quyền lực nào đó trong VFF quyết hết rồi. Từ hồi thuê các ông Letard, Goetz... tôi từng nghe mấy vị trong hội đồng phàn nàn là không được hỏi ý kiến, nhưng rồi đâu lại vào đấy vì VFF có coi trọng ý kiến của hội đồng này đâu. Ngay ông Miura và ông Takashi, chỉ qua vài trận cầm quân ai cũng thấy kém, không tạo được động lực cho lối chơi của 2 đội nam, nữ và dư luận phản ứng rầm trời, nhưng VFF vẫn bình chân như vại. Tóm lại, bóng đá VN sẽ còn sa sút nếu cách làm việc thiếu chuyên môn và cực kỳ cảm tính kiểu này. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh Mất dân chủ khiến Hội đồng HLV bị vô hiệu hóa Dưới thời HLV Miura, người xem có cảm giác đội U.23 hay đội tuyển VN không có sự ổn định cao. Có một vài trận xem rất đã mắt nhưng điều đáng tiếc là những trận đấu hay đó không liên tục. Nhiều trận đấu chưa thể hiện được năng lực và dấu ấn của người cầm quân. Và suốt từ ngày ông Miura dẫn dắt hai đội, chưa bao giờ VFF và Hội đồng HLV họp rút kinh nghiệm sau mỗi giải đấu, xem đội hay ở điểm gì, khuyết ở đâu, cần phát huy mặt mạnh nào và khắc phục ra sao. Chúng tôi cũng muốn đóng góp về những được, mất của đội tuyển, cũng chẳng biết đóng góp thế nào, gặp ai để đóng góp. Tôi cho rằng, tại đại hội thường niên sắp tới (nếu được tiến hành và không hoãn), VFF cần cải tổ lại lề lối làm việc. Không thể để tình trạng mất dân chủ như hiện nay tiếp tục kéo dài khiến Hội đồng HLV vừa bị xem nhẹ vừa bị vô hiệu hóa. Chuyên gia Trịnh Minh Huế Sao không là HLV nội ? Thái Lan gần chục năm qua không có thành tích gì cả nhưng khi trở lại, họ đã thật sự bùng nổ và vượt trên tầm tất cả những đội tuyển khác trong khu vực. Trong suốt giai đoạn không có thành tích ấy, họ đã “chạy” trong âm thầm nhưng rất quyết liệt, rất bài bản. Thái Lan không dùng HLV ngoại nhưng HLV nội vẫn đủ đảm đương được những nhiệm vụ quan trọng, thậm chí đã có thể vươn ra tầm châu lục. Tại sao bóng đá VN không thể làm như vậy, không có sự tin tưởng để HLV nội phát huy vai trò của mình? Nếu vai trò Hội đồng HLV được trân trọng và tổ chức này đúng thực chất, tập hợp đầy đủ những chuyên gia tâm huyết, làm việc với trách nhiệm rõ ràng thì chắc chắn không HLV nội giỏi nào quay lưng không nhận các đội tuyển cả. HLV Nguyễn Văn Sỹ Đăng Khoa - Nhật Duy |