Theo đó, Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm nay thu hút sự tham gia của 232 giáo viên đến từ 158 cơ sở dạy nghề thuộc 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, tham gia trình giảng ở 41 nghề chia thành 15 tiểu ban (số nghề tăng gấp hơn 3 lần so với kỳ hội giảng năm 2012)
PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban tổ chức cho biết, đây là Hội giảng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, dự kiến thu hút khoảng 1.600 thầy, cô giáo cùng lãnh đạo của các địa phương và các cơ sở dạy nghề trên cả nước về tham dự, cổ vũ, động viên và học tập kinh nghiệm.
PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng trả lời câu hỏi của báo chí
Thông tin về những điểm mới của Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015, Ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết: Tất cả các giáo viên tham gia Hội giảng năm nay sẽ phải trình giảng các bài giảng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, khác với trước đây được tách thành hai phần thi khác nhau. Chính vì vậy, để hoàn thành tốt một bài giảng tích hợp với thời gian từ 40-60 phút, giáo viên dự thi đòi hỏi không chỉ có khả năng chuyên môn mà phải có trình độ kỹ năng nghề, cũng như các kỹ năng sư phạm tốt. Đặc biệt, Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015 sẽ không giới hạn số nghề đăng ký dự thi…
Được biết, tiêu chí để đánh giá giáo viên tham gia Hội giảng năm nay sẽ căn cứ theo 4 nội dung chính gồm chuẩn bị bài giảng, kiến thức chuyên môn, khả năng sư phạm và thời gian giảng dạy. Những giáo viên có bài giảng xuất sắc tại hội giảng cũng sẽ là những điển hình để nhân rộng trong các cơ sở đào tạo nghề.
Được tổ chức 3 năm một lần, phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, PGS.TS. Cao Văn Sâm chia sẻ: Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc được tổ chức nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị cho quá trình gia nhập thị trường lao động chung ASEAN và đáp ứng các yêu cầu của hệ thống đào tạo nghề quốc tế ngày càng cao.
Bên cạnh Hội giảng, ban tổ chức cho biết, trong 2 ngày 24 và 25/9, ban tổ chức sẽ phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Phát triển giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài của Bỉ (APEFE) tổ chức hội thảo quốc tế về khởi sự doanh nghiệp cho chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hội thảo chuyên sâu về nâng cao phương pháp giảng dạy cho giáo viên theo năng lực thực hiện; trưng bày, triển lãm thiết bị dạy nghề của các doanh nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm ...
Trong khuôn khổ những ngày diễn ra Hội giảng cũng sẽ có triển lãm trưng bày thiết bị dạy nghề...
Nhằm đảm bảo cho công tác tổ chức Hội giảng được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng trước đó ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng đã có những chỉ đạo về công tác tổ chức nhằm tạo điều kiện tốt nhất, không để xảy ra sai sót, nhất là ở các trường phục vụ Hội giảng là Trường Cao đẳng nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm này mọi công tác tổ chức, tiếp đón các đoàn về tham dự Hội giảng đã sẵn sàng. Theo đó, các đoàn về tham dự sẽ lựa chọn chỗ ở thuận lợi nhất tại 40 khách sạn gần 2 khu vực diễn ra hội giảng đã được địa phương bố trí. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, truyền thông và việc đảm bảo không bị mất điện trong những ngày diễn ra Hội giảng cũng đã được địa phương quán triệt cụ thể với mong muốn Hội giảng sẽ được diễn ra một cách an toàn, thuận lợi nhất.