Tính về độ dài, để làm 1 m đường, phải tốn đến hơn 2,5 tỉ đồng. Chia nhỏ ra, mất đến hơn 25 triệu đồng cho… 1 cm đường.
Không tin cũng buộc phải tin, vì đó là sự thật về chi phí làm đường Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ.
Không tin cũng buộc phải tin, vì đó là sự thật, được ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, xác nhận tại cuộc họp giao ban báo chí ở Hà Nội ngày 2/6: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nghe và thống nhất phê duyệt dự án...”.
Hồi đầu năm 2010, Hà Nội cho thông xe đường vành đai I, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỉ đồng, tính ra 1 m tốn hơn 1 tỉ đồng; rồi đến đầu năm 2014, Hà Nội cũng đã thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chỉ dài hơn 500 m nhưng tổng mức đầu tư lên đến hơn 700 tỉ đồng, tức 1 m đường tốn hơn 1,4 tỉ đồng. Lúc này, đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được mệnh danh là “con đường đắt nhất thế giới”; vậy sắp tới đây, đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ xô ngã mọi kỷ lục nói trên và có thể vượt xa về độ đắt đỏ vì chi phí xây dựng chắc chắn sẽ phát sinh thêm. Thế nên, người ta bảo đây mới là “con đường đắt đỏ nhất hành tinh”.
Cách đây vài tuần, khi nghe công bố suất đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài 57,1 km có vốn đầu tư 31.320 tỉ đồng, tính ra vốn cho 1 km đường tương đương 555 tỉ đồng hoặc 1 m đường tốn 555 triệu đồng, “rẻ” hơn nhiều so với những “con đường dát vàng” ở Hà Nội, mà thiên hạ đã choáng váng.
Chẳng ai vui với những kỷ lục tốn kém ấy dù đường sá có thể sẽ khang trang hơn, thênh thang hơn. Đắt không hẳn sẽ tốt bởi trong xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam có “truyền thống” chi phí không song hành với chất lượng. Bằng chứng là nhiều đường cao tốc vừa đưa vào sử dụng không lâu đã sớm xuống cấp, mất an toàn… Với dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ, lấy gì bảo đảm chất lượng công trình sẽ đáng đồng tiền bát gạo? Và mỗi khi có công trình xuống cấp, nghi vấn được đặt ra đầu tiên bao giờ cũng là: Dự án đã bị rút ruột?
Vì thế, dù chi phí cho dự án được chủ đầu tư hạch toán hợp lý đến mấy cũng khó mà thuyết phục dư luận. 1.767 tỉ đồng thực ra không phải là khoản tiền lớn đối với một đại đô thị như Hà Nội nhưng nhìn vào suất đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng/m đường, ai cũng xót, nghi hoặc và ngờ vực: Chắc là có “ăn uống” trong này rồi?!
Các cơ quan hữu trách đã nghe, đã thấy quá nhiều về sự tốn kém đáng ngờ trong xây dựng hạ tầng giao thông - mảng ngốn tiền ngân sách hàng đầu hiện nay - nhưng tại sao chưa có bất kỳ một dự án nào bị “vịn” để mổ xẻ, làm rõ chi phí. Có phải vì tiền công nên không tiếc?! Và nếu cứ theo cái đà ấy, rồi sẽ có những tuyến đường đắt đỏ hơn nữa, rồi sẽ có một bộ phận cá nhân giàu lên trong khi tấm lưng của số đông người dân cần lao ngày càng còng xuống!