Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khan hiếm dòng thơ thiếu nhi trên thị trường sách Việt

Thơ ca cho thiếu nhi vốn được xem là một trong những dòng chảy không thể thiếu trong tổng thể nền văn học nước nhà, góp phần hình thành nhân cách, lối sống và tâm hồn, hướng đến cái đẹp cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các tác phẩm thơ ca dành cho lứa tuổi này lại đang lâm vào tình trạng thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng…

Thời mới in bóng…người xưa

Quan sát đời sống văn học nước nhà, một thực trạng mà giới trong nghề cũng như bạn đọc nhận thấy rõ, đó là thơ thiếu nhi đang dần trở nên khan hiếm. Hiện nay, có chăng chỉ Nguyễn Nhật Ánh – một cây viết đa năng và được xem là nổi bật nhất cho các em thiếu nhi ở nước ta hiện nay. Trong đó, gần gây Nguyễn Nhật Ánh tạo được tiếng vang lớn với tiểu thuyết Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm sau đó được chuyển thể thành phim thành công ở cả phương diện điện ảnh lẫn văn học. Tuy nhiên, cần phải nhớ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tiểu thuyết (văn xuôi) chứ không phải thơ. 

Hiện nay, các tác phẩm thơ Việt Nam xuất bản khá nhiều (ước tính mỗi năm cả nước có chừng 700 tập thơ được ra mắt bạn đọc) nhưng số lượng thơ sáng tác cho thiếu nhi lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí, vì không có những tác phẩm thơ mới xuất sắc cho thiếu nhi, nên hầu hết các NXB hiện nay đều phải tái bản những tác phẩm đã ra đời cách đây tới tận vài chục năm. Trong địa hạt thơ, không thể bỏ qua Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Bầu trời trong quả trứng - Xuân Quỳnh, Ai dậy sớm - Võ Quảng, Những bài thơ nho nhỏ - Phạm Hổ, Con muốn mặc áo đỏ đi chơi - Phan Thị Thanh Nhàn…Được biết, trong số những tập thơ kể trên, Góc sân và khoảng trời là tập thơ được NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần nhất, tính đến nay đã tròn tuổi 40.

Dạo quanh khắp các nhà sách lớn, nhỏ, có lẽ bất kỳ ai cũng rất dễ tìm thấy góc nổi bật trưng bày sách, truyện thiếu nhi. Nhưng đa phần đều bày bán những cuốn sách văn xuôi, hoặc truyện tranh nước ngoài được ưa chuộng như: DoraemonBảy viên ngọc rồngThám tử lừng danh Conan... Sách văn học trong nước cho thiếu nhi đã ít ỏi, sách thơ cho thiếu nhi lại càng khó tìm hơn.

Thiếu vắng những tác phẩm thơ ca dành cho lứa tuổi độc giả nhí. Ảnh: Hà Hoa

Trên thực tế, trẻ em bây giờ chỉ nhớ được một vài tác phẩm thơ quen thuộc của các tác giả Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ như bài Hạt gạo làng taẢnh BácCây dừa, Mười quả trứng tròn…chứ những bài thơ mới, hỏi thì các em không biết thêm bài nào. Điều này cho thấy thơ ca cho thiếu nhi đang có một khoảng trống lớn, mặc dù đây là đối tượng đáng có được nhiều sự hưởng thụ các tác phẩm văn học nhất để hình thành nhân cách, bồi dưỡng trí tuệ cũng như vốn hiểu biết sau này...

Buồn vui ai biết

Thơ cho thiếu nhi Việt Nam đang vấp phải sự thiếu hụt lớn cả về đội ngũ tác giả, lẫn tác phẩm xuất sắc là điều không thể phủ nhận. Tới nay ngay cả một số nhà thơ đã từng “vang bóng một thời” như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh, Ngô Trung Kiên, Ngô Thị Bích Hiền…cũng chưa có những sáng tác mới cho độc giả nhí để thêm một lần nữa góp phần làm nên tên tuổi của họ ở đời sống văn học đương đại.

Tập thơ Góc sân và khoảng trời đã được NXB Kim đồng tái bản tới lần thứ 40. Ảnh: Hà Hoa

Theo bà Lê Phương Liên – Nguyên Trưởng Ban văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam: “Tôi cho rằng, người cầm bút đến với văn học phải có động lực nào đó. Trước đây, một tác phẩm văn học được xuất bản khó khăn hơn bây giờ nhưng nhuận bút được trả thỏa đáng và quan trọng là nhà văn nhanh chóng được độc giả biết đến. Ngày hôm nay tác phẩm in dễ hơn nhưng nhuận bút thì thấp, không hấp dẫn được người viết”.

Nhà thơ Hoài Khánh, một trong những tác giả chuyên viết thơ cho thiếu nhi cũng có cùng quan điểm, người chuyên sáng tác văn học cho thiếu nhi thường bị thua thiệt, lép vế, ít được quan tâm hơn so với đồng nghiệp khác. Những năm gần đây, ở nước ta có rất ít những cuộc hội thảo, tập huấn, trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, nên cũng ít có cơ hội phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng cây bút mớiNgười viết thiếu hụt trầm trọng thì số trang viết sẽ ít thôi, nói gì đến chất lượng tác phẩm” – nhà thơ chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng phải xét tới sức ảnh hưởng của truyền thông đại chúng. Khi các phương tiện truyền thông cũng không có hứng thú lăng xê các tác phẩm văn học thiếu nhi bằng những tác phẩm viết về đề tài nóng, ăn khách khác thì những tác phẩm thơ khó có thể dễ dàng được công chúng biết đến.

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây Hội nhà văn Việt Nam đã và đang cố gắng từng bước đưa thơ thiếu nhi dần trở nên gần gũi với bạn đọc, đặc biệt là đối với độc giả nhí. Thơ viết cho thiếu nhi đang ngày một gia tăng về số lượng, phong phú về nội dung và được chú trọng về hình thức. Trong đó đáng chú ý như cuốn Dắt biển lên trời của nhà thơ Hoài Khánh, hay gần đây nhất là tập thơ Quà cho con của tác giả Nguyễn Huy Hoàng...Thêm vào đó, năm nay, lần đầu tiên trong ngày Thơ Việt Nam tại Thủ đô, Ban Văn hóa thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã tạo ra một không gian thơ hoàn toàn mới cho thiếu nhi thỏa sức sáng tác với chủ đề “Reo vang bình minh”.

Rõ ràng, việc tạo ra sân chơi thơ cho thiếu nhi, để các em tự do sáng tạo là rất cần thiết. Một mặt có thể kéo gần khoảng cách giữa thế hệ nhỏ tuổi với thơ ca. Mặt khác lại có thể mở ra không gian để các em thỏa sức sáng tạo, khơi gợi niềm say mê đọc và sáng tác thơ cho thế hệ trẻ tương lai. “Tôi vẫn tin rằng, nếu các nhà văn trẻ để tâm đến đề tài thiếu nhi và có ý muốn viết cho các em, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng bạn đọc nhỏ tuổi sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm hay hơn nữa”- bà Lê Phương Liên nhấn mạnh.