Trước quá nhiều vụ sai sót y khoa xảy ra gần đây, người bệnh cảm thấy lo lắng, bất an khi không may phải nằm viện.
Liên tiếp “nhầm lẫn”
Ngay đầu tuần, tại BV Đa khoa Cần Thơ cũng xảy ra vụ sai sót y khoa nghiêm trọng. Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương (huyện Châu Giang, Hậu Giang) được chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng khi mổ lại cắt u nang buồng trứng vì chẩn đoán nhầm. Trước đó, tháng 6/2016, bé Phạm Thành Luân (6 tuổi, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào BV 115 Nghệ An để mổ lấy đinh sau phẫu thuật nắn xương trụ tại tay phải.
Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật không kiểm tra lại mà mổ luôn tay trái của bé Luân, khi phát hiện ra thì việc đã rồi. Hay như cách đây chưa lâu, anh Lê Văn Giang (Cái Răng, Cần Thơ) nhập viện Lao Phổi TP Cần Thơ do tràn khí màng phổi bên phổi trái và được chỉ định mổ đặt ống bên phổi trái. Tuy nhiên, do bác sĩ… coi nhầm phim nên mổ nhầm phổi bên phải và phải mổ lại.
Bệnh nhân Trần Văn Thảo sau sự cố mổ nhầm chân tại Bệnh viện Việt Đức. |
Bên cạnh những vụ mổ nhầm, rất nhiều vụ việc khiến bệnh nhân phải lãnh hậu quả do bác sĩ chẩn đoán sai. Điển hình mới đây nhất là vụ bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (Long An) cắt chân do bác sĩ BV Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh không tiên lượng được bệnh. Hay vụ bác sĩ của BV Cư Kuin (Đắk Lắk) tắc trách dẫn đến bệnh nhân Lê Thị Hà Vi bị cưa chân.
Người dân bất an
Sáng 21/7, một ngày sau khi BV Việt Đức chính thức lên tiếng xin lỗi về sự cố hy hữu mổ nhầm chân, người dân vẫn bàn tán xôn xao. Đến chăm người nhà tại BV Việt Đức, anh Lê Thanh Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, đến BV để chữa bệnh nhưng khi về lại “lợn lành thành lợn què” thì khó có thể chấp nhận được. Dù các bác sĩ tuyến trên rất vất vả do số lượng bệnh nhân quá đông, nhưng một khi đã cầm dao mổ rạch trên một cơ thể người thì phải hết sức chú ý, tuân thủ quy trình chuyên môn. “Tai biến trong y khoa là điều mà người bệnh có thể chấp nhận được nhưng những sai sót nhầm lẫn trái, phải như này thì hoàn toàn do lỗi của bác sĩ” - anh Hà nói. Chị Lại Thu Ngọc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi sắp tới chị phải đến BV để mổ u nang buồng trứng bên trái, bởi nếu bị bác sĩ mổ nhầm, chị sẽ hết cơ hội được làm mẹ. “Chắc trước lúc lên bàn mổ tôi phải nhắc lại các bác sĩ đâu là bên phải, đâu là bên trái của mình” - chị Ngọc cho biết.
Dù rằng, sau những sự việc này, cách giải quyết chung của các BV đều xin lỗi, miễn viện phí, chịu trách nhiệm sức khỏe về sau của bệnh nhân. Nhưng nỗi đau về tinh thần, thể xác mà người bệnh phải gánh chịu không gì có thể bù đắp. Bất kể ngành nào, sự tắc trách đều khó chấp nhận, riêng đối với ngành y, càng không thể chấp nhận bởi sai một li đi một dặm. Đằng sau của sự bất cẩn, sai sót, tắc trách là sinh mạng của một con người.
Đồng loạt chấn chỉnh
Ngay sau vụ mổ nhầm tại BV Việt Đức, trong sáng 21/7, các BV đã đồng loạt chấn chỉnh lại quy trình phẫu thuật, tránh để xảy ra sai sót. Ngay tại BV Việt Đức, bác sĩ Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, đơn vị đã rút kinh nghiệm trong toàn BV. “Đây là một bài học đau xót của BV, của ngành y tế. Để xảy ra sự cố y khoa đáng tiếc này là điều không ai mong muốn” - bác sĩ Giang nhấn mạnh. Trong ngày, lãnh đạo BV đã yêu cầu tất cả các khoa, phòng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị.
Tại BV Đa khoa Thạch Thất, bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc BV cho biết, BV cũng kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh sau vụ việc sai sót này. Giám đốc BV yêu cầu, trước khi đưa bệnh nhân vào phòng mổ, bác sĩ phẫu thuật phải thăm khám lại, xác định và đánh dấu vị trí mổ bằng bút để không xảy ra nhầm lẫn trái hay phải.
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ ngoại khoa của BV Bạch Mai cho biết, trong buổi họp giao ban buổi sáng 21/7, lãnh đạo khoa đã rút kinh nghiệm từ vụ việc của BV Việt Đức để lưu ý đến các bác sĩ trong mỗi cuộc phẫu thuật.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trên toàn quốc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, tập huấn lại các quy trình trong BV, từ khâu đón tiếp bệnh nhân đến vấn đề điều trị, phẫu thuật, hạn chế thấp nhất xảy ra sai sót, tai biến y khoa.