Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Loạt ảnh đại dương của nhiếp ảnh gia Việt gặt nhiều giải thưởng quốc tế

Mai Châm
Mai Châm

Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia 36 tuổi đến từ TP Hồ Chí Minh gây ấn tượng nhờ bộ ảnh lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của các loài sinh vật đến từ đại dương, gặt hái hàng loạt giải thưởng quốc tế.

Để lại dấu ấn cho Việt Nam trong lĩnh vực nhiếp ảnh dưới nước

Anh Thiện hiện đang làm quản lý cho một tập đoàn đa quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu niềm đam mê từ năm 28 tuổi, nhiếp ảnh chính là sở thích, đam mê vô cùng lớn đối anh ngoài công việc.

Đến nay, anh đã giành được một số giải thưởng quốc tế uy tín về nhiếp ảnh như: là người Việt Duy nhất đoạt giải (giải nhì) tại cuộc thi Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023, thắng giải Hạng mục ảnh quốc gia Việt Nam (National Award Winner) tại cuộc thi ảnh "Sony World Photography Awards 2023"...

Thumb.jpg
Hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia gây ấn tượng nhờ bộ ảnh lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của các loài sinh vật đến từ đại dương (Ảnh: NVCC).

Khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, anh tham gia vào cộng đồng National Geographic. Tới đây, anh học hỏi từ bạn bè, các nhiếp ảnh gia tài năng trên cộng đồng đó. Cũng vì vậy, anh bắt đầu nghĩ đến một sở thích mới, một hướng đi riêng đó chính là bộ môn nghệ thuật chụp ảnh dưới nước.

Một trong số những nhiếp ảnh gia khiến anh ấn tượng nhất có tên Paul Nicklen, hiện đang là một nhà một nhà báo về đại dương, nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp về cuộc sống hoang dã của các loài vật của National Geographic, đồng thời cũng là nhà sáng lập của các tổ chức bảo tồn và một tạp chí về đại đương.

Đây là nguồn động lực lớn khiến anh tiếp tục theo đuổi bộ môn này.

“Thời điểm mình chuyển sang hướng này, Việt Nam gần như có rất ít người, thậm chí gần như không có ai theo đuổi nhiếp ảnh dưới nước chuyên nghiệp do giới hạn chi phí, về kỹ năng, do đó nên mình dấn thân. Nếu như người nước ngoài họ làm được thì mình cũng làm được.

Đó cũng là một hướng đi tạo nên làn gió mới cho cộng đồng nhiếp ảnh của Việt Nam. Đến giờ, có thể nói mình là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này. Trong những giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh dưới nước, mình cũng đạt được một số giải thưởng nhất định để mình ghi dấu ấn cho Việt Nam”, anh Thiện bộc bạch.

Thời gian ban đầu gặp nhiều khó khăn

Những khó khăn khi tiếp cận bộ môn nhiếp ảnh đại dương của anh Thiện thường đến vào giai đoạn ban đầu, vì mọi thứ đều không có thông tin. Toàn bộ tài liệu, thông tin thiết bị và các chuyến đi, anh Thiện đều phải lên tìm hiểu trên các diễn đàn nước ngoài. Từng thiết bị, phụ kiện nhỏ anh đều tự liên hệ với các cơ sở nước ngoài để tham khảo và đặt về.

Nhiếp ảnh đại dương khó hơn nhiếp ảnh thông thường rất nhiều, đòi hỏi đầu tư chi phí cho các thiết bị chuyên dụng để ghi hình trong môi trường dưới nước. Đầu tư thiết bị với chi phí rất lớn nhưng rủi ro thiết bị rất cao, nếu không may nước chảy vào thì coi như hỏng thiết bị bên trong.

Ảnh 2.jpg
Những bức ảnh gây ấn tượng về khoảnh khắc “hòa mình” cùng đại dương bên cạnh những sinh vật biển được anh Thiện chụp lại (Ảnh: NVCC).
Ảnh 3.jpg
Ảnh 4.jpg

Chụp ảnh dưới nước cũng đòi hỏi người chụp cần có nền tảng nhiếp ảnh cơ bản, chụp tốt trên bờ trước, vì môi trường dưới nước khó chụp hơn rất nhiều, và có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng. Môi trường nước không thuận lợi cho sự hô hấp của con người, chỉ cần nhịn thở từ 1-2 phút là có thể gây ra rủi ro lớn.

Vậy nên, đối với những chuyến đi lặn biển như vậy, dịch vụ địa phương thường bắt người tham gia ký vào tờ cam kết miễn trừ trách nhiệm nếu có sự cố an toàn tính mạng xảy ra. 

Bên cạnh đó, chụp ảnh dưới nước bắt buộc người chụp phải có kỹ năng lặn biển, bao gồm kỹ năng lặn có bình khí và lặn tự do không có bình khí. Người chụp phải đi học và có chứng chỉ mới được phép tham gia các chuyến lặn biển.

Bắt đầu học lặn từ năm 2019, anh Thiện cảm thấy đây là bộ môn khá khó vì không phải ai cũng có thể thích ứng được. Nhiều người muốn bỏ cuộc khi họ thấy nhiều nỗi sợ và cơ thể họ không quen. “Tuy nhiên, mình cứ đi lặn nhiều và dạn người ra thôi”, anh Thiện cho biết.

Ngoài ra, thời tiết và dòng nước cũng là vấn đề nan giải khi tham gia các buổi ghi hình dưới nước, anh Thiện cho biết: “Dù xem trước thời tiết, nhưng rủi ro thời tiết xấu vẫn có thể xảy ra. Thời tiết quá xấu thì mình không thể ra khơi, nhưng nếu tương đối ổn thì mình sẽ cố gắng bám sát dòng nước.

Thêm vào đó, dòng nước khu vực đó mà chảy quá mạnh hoăc mang nhiều vi sinh vật, phù sa thì sẽ rất đục, dẫn đến buổi ghi hình không thuận lợi.

Trước mỗi chuyến đi, mình phải biết là mình cần chụp gì, chụp loài sinh vật biển gì, nghiên cứu địa điểm khu vực đó có sinh vật biển đó cư trú, di cư qua tại thời điểm nào, làm sao để xác suất gặp sinh vật biển đó là cao nhất, cũng như là liên lạc với dịch vụ bản địa, để người ta xác nhận hỗ trợ mình khi đến nơi.

Rồi mình còn phải nghiên cứu tập tính, đa dạng sinh học của khu vực đó và tập tính của sinh vật định chụp để khi tiếp xúc, mình có kiến thức nhất định để tương tác với sinh vật đó, không gây hại đến không gian xung quanh, tránh những hoảng sợ không cần thiết vì mình biết sinh vật đó vô hại với mình”.

Trải nghiệm “hú hồn” khi suýt “chạm mặt" mẹ con cá voi lưng gù 

Qua 5 năm theo đuổi đam mê, anh Thiện đã đi hầu hết tới các vùng biển tại Việt Nam. Tại Đông Nam Á, anh cũng có cơ hội đặt chân tới khá nhiều quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Philipin, Thái Lan…

Trước đó, anh đã tới Maldive vài lần để chụp cá đuối, cá mập voi và họ có những khu bảo tồn đại dương. Gần đây, anh đến ngoài khơi phía Đông ở châu Phi để chụp cá nhà táng.

Lần thứ 2 quay lại châu Phi, anh bắt đầu hành trình canh đàn cá voi lưng gù, di cư từ vùng biển Nam Cực về vùng biển ấm Ấn Độ Dương để sinh con. Anh cho biết, “Đây là chuyến đi vô cùng đáng nhớ bởi đó là lần đầu tiên mình gặp những sinh vật biển to lớn đến vậy và ghi lại được những bức ảnh và tài liệu quý giá”.

Ảnh 5.jpg
Hình ảnh mẹ con cá voi lưng gù trong hành trình di cư mà anh Thiện đã theo dõi (Ảnh: NVCC).
Ảnh 6.jpg
Ảnh 7.jpg

Cũng trong chuyến đi này, anh có theo hai mẹ con cá voi lưng gù và gặp phải trải nghiệm “hú hồn”. Anh bơi theo hai mẹ con một lúc và ghi hình, sau đó quyết định lặn xuống nước. Anh đã cố lựa chọn thời điểm mà cá voi quen với sự hiện diện của mình rồi mới bắt đầu lặn.

Cá voi mẹ đang bơi thẳng phía trước, thì đột ngột quay lại hưởng thẳng về phía camera. Khi khoảng cách giữa anh và cá voi mẹ chỉ còn 5 mét, anh hoảng sợ vì ngỡ rằng sắp phải “chạm mặt” với loài sinh vật biển khổng lồ này. Nhưng bất ngờ là trong lúc anh nhắm mắt lại không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo thì cá voi mẹ bất ngờ đánh đuôi và lặn xuống phía dưới.

Khi đó, anh cảm nhận được luồng nước đẩy mình lên trên. Có thể thấy, loài sinh vật này to nhưng rất khéo léo và không làm hại con người

“Chưa biết tính mạng ra sao, nhưng nếu đụng thì chắc chắn là máy móc của mình hỏng hết”, Anh Thiện cho hay. 

Qua những tác phẩm của mình, anh Thiện mong muốn vẻ đẹp của đại dương sẽ được lan tỏa. Đại dương có những sinh vật biển đẹp đẽ, và khung cảnh phía dưới rất kỳ ảo, rất nhiều tài nguyên rừng vàng biển bạc. Điều này sẽ phần nào thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường dưới nước để vẻ đẹp của đại dương sẽ được vẹn nguyên.

Mỹ Hạnh