Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mách bạn những bí quyết sắm Tết vừa tiết kiệm lại hiệu quả nhất

Hãy tham khảo bài viết dưới đây, có thể bạn sẽ tìm ra được cách để tiết kiệm tiền trong khoảng thời gian mua đồ sắm Tết

 

Ngày Tết cũng là dịp các bà nội trợ lo lắng về việc sắm sửa, mua bán và lựa chọn thực phẩm sao cho ngon nhất, an toàn nhất và phù hợp với túi tiền, khẩu vị của gia đình mình. Chính vì thế nếu không biết sắp xếp thì có thể bạn sẽ rối như tơ vò vì quá nhiều thứ phải lo lắng và chuẩn bị. Bài viết sau đây sẽ mách bạn mẹo mua sắm đồ chuẩn bị ngày Tết nhanh, đầy đủ nhất, an tâm hơn và đảm đang hơn trong ngày Tết đến xuân về thêm vui vẻ, hào hứng.

Lên kế hoạch mua sắm

Đừng xem thường lời khuyên này, đây là bước đầu tiên và cực kì quan trọng trong việc giảm chi phí thừa mua sắm ngày Tết. Rất nhiều thứ cần phải mua sẽ dễ dẫn đến việc mua quá nhiều, mua những thứ không cần thiết.

Thế nên, bạn nên lên kế hoạch cụ thể nên mua những gì, mua ở đâu, số tiền dành cho khoản này. Sau khi lên danh sách, bạn có thể kiểm tra lại vài lần rồi bắt tay vào mua sắm.

Danh sách những món cần mua cho dịp Tết, về cơ bản gồm có:

- Cây trưng Tết: Tùy theo từng vùng miền, sở thích, bạn có thể chọn cây đào, quất, mai. Tất cả những loại cây này đều tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, an khang, thịnh vượng cho gia đình.

Đi kèm theo cây là những loại dây trang trí, hình đồng tiền, câu đối đỏ… nếu chi phí dư dả, bạn có thể suy nghĩ thêm về những phụ kiện trang trí cây như thế này.

- Hoa trưng trong dịp Tết, hoa cúng.

Nếu chi phí dư dả, bạn có thể suy nghĩ thêm về những phụ kiện trang trí như thế này. (Ảnh: Internet)

- Nếu nhà chưa có khay đựng bánh kẹo ngày Tết, hoặc khay hiện tại đã quá cũ, bạn có thể sắm sửa cái mới nhưng nếu còn có thể sử dụng được, bạn nên tận dụng.

- Phong bao lì xì: trước khi mua, bạn nên xem lại ở nhà mình còn phong bao từ những năm trước hay không, sau đó mới xác định được số lượng cần cho năm mới này.

- Từ ngày 20 Tết, bạn đã có thể mua bánh mứt, các loại hạt, kẹo để dùng trong Tết, cùng với những thực phẩm như măng khô, miến, bóng bì, tôm khô hay giò heo rồi để đông lạnh.

- Nếu có ý định làm những món ngâm như tai heo ngâm mắm… bạn cũng nên lên danh sách cụ thể những nguyên liệu cần mua.

- Đừng quên gia vị cần thiết như dầu ăn, mắm, muối, bột ngọt, nấm mèo, nấm hương, hành tỏi…

- Những món ăn, vật dụng cho cúng kiếng như gà, giấy tiền vàng bạc, nến…

- Bánh tét, bánh chưng: nếu không có thời gian, điều kiện, bạn có thể mua bánh đã được gói sẵn, và nếu có ý định nấu bánh, bạn nên lên danh sách những nguyên vật liệu cần thiết như lá, đỗ xanh, nếp, dây lạt, thịt, củi, nồi…

Nếu không có thời gian, điều kiện, bạn có thể mua bánh đã được gói sẵn (Ảnh: Internet)

- Những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết như giò, chả, nem chua, lạp xưởng... Các vật liệu cho những món ăn truyền thống như món thịt đông, thịt kho trứng, canh khổ qua…

- Nước ngọt, rượu, bia

- Trái cây để cúng, để trưng mâm ngũ quả

- Thực phẩm dự trữ trong Tết, ra Tết.

- Quà biếu hai bên gia đình

Nên mua từ sớm, đừng để cận Tết

Hãy nhớ một nguyên tắc: càng để cận Tết, chi phí cho hàng hóa sẽ càng cao. Chưa kể, những chi phí ngoài lề như tiền giữ xe, chi phí đi lại cũng theo đó mà đội giá lên.

Thế nên, bạn hãy lên kế hoạch mua sắm thật sớm những món có thể, còn thực phẩm tươi, hoa quả… bạn có thể để sau. Tuy nhiên, cũng đừng để quá sát ngày mới mua, nếu không giá cả sẽ đội lên gấp vài lần.

Nên mua ở chợ đầu mối

Nơi mua sắm cũng quyết định giá cả, chi phí và chợ đầu mối là một giải pháp khá hay cho bài toán chi phí dịp Tết. Những nơi này giá cả thường thấp hơn so với chợ thường hay siêu thị.

Nếu có thể, hãy rủ rê bạn bè, đồng nghiệp cùng mua bởi càng mua theo số lượng nhiều ở chợ đầu mối thì giá cả sẽ thấp hơn nữa.

Để ý tin tức khuyến mại

Nếu chịu khó xem xét tin khuyến mại, bạn có thể săn được nhiều món với giá hời. “Chiêu” này đặc biệt hay với những gia đình có ý định mua sắm những mặt hàng điện lạnh, điện tử cho dịp Tết.

Còn với những bà nội trợ, thực phẩm hay hàng tiêu dùng có giá khuyến mãi cũng rất quan trọng nhé. Tuy nhiên, với cách này thì bạn nên biết tự kiềm chế bản thân, đừng để bị cuốn vào chiêu thức khuyến mại. Hãy là một người tiêu dùng thông minh bạn nhé.

Không mua quá nhiều

Với những mặt hàng thực phẩm thường các bà nội trợ có xu hướng mua nhiều hơn mức cần thiết vì lo thiếu thức ăn để đãi khách trong ngày Tết. Thế nhưng, việc mua quá tay chỉ gây ra lãng phí vì thực phẩm tươi sống dễ bị hư hỏng. Chưa kể ngày Tết thường có xu hướng “chơi nhiều hơn ăn” nên gây ra dư thừa. Vì vậy, hãy cân nhắc khi mua, đừng mua quá nhiều nhé.
 

Không mang nhiều tiền khi đi sắm Tết

Nếu ý chí của bạn không đủ mạnh mẽ, thì cách tốt nhất để kiểm soát việc chi tiêu của bản thân khi đi mua sắm Tết chính là mang theo vừa đủ tiền cho danh sách cần mua và chỉ thêm một ít. Sẽ có rất nhiều món bạn muốn mua khi đến các cửa hàng đấy, nhưng đôi khi chúng không thật sự cần thiết. Vì vậy, để tránh vung tiền vì “cảm giác nhất thời”, cách tốt nhất là bạn nên mang ít tiền khi đi mua sắm thôi.
Đơn giản hóa vấn đề
Bạn hãy cố gắng tận dụng những vật dụng vẫn còn có thể dùng từ năm trước như khay đựng bánh kẹo, khăn trải bàn, hoa giả… nếu chúng vẫn còn có thể dùng được. Việc ưa chuộng các mẫu mã mới có thể khiến bạn sẽ tốn kém thêm một khoản kha khá đấy.