Khởi nguồn từ một chuyến đi công tác, được nước bạn Myanmar tặng chiếc khăn lụa dệt từ tơ sen rất đẹp, TS. Trần Thị Quốc Khánh - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã nảy ra sáng kiến đưa về Việt Nam nghiên cứu. Năm 2016, thực hiện đề tài nghiên cứu tơ sen của Viện Nghiên cứu Sinh thái, chính sách xã hội, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được chọn để phối hợp thực hiện. Với đam mê và mong muốn chinh phục những điều mới mẻ, bà Thuận bắt tay vào làm thử. Sau 2 năm nghiên cứu, tìm tòi, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công vải lụa từ những cuống sen bỏ đi.
Dệt thành công vải lụa từ những cuống sen
Xin chào nghệ nhân Phan Thị Thuận! Bà đã vượt qua gian nan thế nào để sản xuất thành công vải lụa từ những cuống sen?
Ban đầu, ngay cả gia đình tôi cũng không tin tôi có thể làm lụa tơ sen thành công, nhất là không ai truyền dạy kỹ thuật. Tin là mình sẽ làm được, tôi đóng cửa ở trong nhà, một mình nghiên cứu hàng tháng trời. Tôi đã thực nghiệm trồng giống sen hồng đơn. Quãng thời gian thử nghiệm sản xuất tơ sen là vô cùng khó khăn, trải qua rất nhiều lần thất bại, tôi mới tìm ra được phương thức tối ưu nhất để lấy được tơ từ sen.
Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, tôi đã cho ra đời những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ sen. Tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ của sen đều phải chỉn chu và rất cầu kỳ. Để dệt chiếc khăn dài 1,7m, rộng 0,25m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200 - 250 cuống sen. Tính ra, để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất một tháng.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận say sưa giới thiệu quy trình sản xuất vải lụa.
Làm thế nào lấy được tơ sen, thưa bà?
Khó nhất là việc lấy sợi tơ từ cuống sen. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái, nếu không, cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Để lấy được tơ sen, đòi hỏi người làm phải cẩn thận, dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời lăn tay miết cho tơ tròn lại. Nếu cắt quá sâu, tơ sen sẽ bị đứt. Sau đó bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày. Cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ dài.
Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 đến 4.000 cuống lá trở lên.
Nghệ nhân Phan Thị Tuyết (em gái nghệ nhân Phan Thị Thuận) và những tấm khăn lụa dệt từ tơ sen.
Lụa sen được mệnh danh là viên ngọc quý trong thế giới lụa
Hiện chúng ta mới làm được khăn quàng từ tơ sen, sản phẩm đặc biệt thế nào, thưa bà?
Vải tơ sen đẹp và có nhiều ưu điểm. Cầm chiếc khăn lụa trên tay, ta có thể cảm giác rất rõ sự mịn màng, êm của sợi tơ và đặc biệt là sự tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được. Chất liệu khăn được làm từ tơ sen vừa ấm, thoáng, nhẹ và những sợi tơ mềm mại còn phảng phất chút hương sen. Do đó, lụa sen được mệnh danh là viên ngọc quý trong thế giới lụa. Tôi mong muốn mang đến một làn gió mới cho ngành lụa Việt. Tuy nhiên, vì quá trình tạo ra tơ sen cầu kỳ, tỉ mỉ và hoàn toàn thủ công nên giá thành của chúng trên thị trường khá cao. Trung bình, một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá trên thị trường vào khoảng trên 4 triệu đồng, tùy loại.
Trình diễn dệt vải trên khung cửi dệt vải cổ.
Mong muốn lớn nhất của bà là gì?
Cây sen đã được nhiều người nông dân trồng, chế biến và sử dụng. Tất cả các bộ phận của cây sen đều được sử dụng làm thức ăn, đồ uống, dược liệu và các sản phẩm văn hóa, bây giờ có thêm một nghề mới là nghề dệt vải từ tơ sen. Tôi đã tập huấn cho một số công nhân nghề trồng sen và sản xuất sợi. Tôi luôn mong muốn các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ông cha để lại.
Xin cảm ơn nghệ nhân Phan Thị Thuận. Chúc bà tiếp tục cải tiến vải lụa từ tơ sen, hạ được giá thành để nhiều người có thể sở hữu được chiếc khăn này.
Hồng Nga/GĐTE