Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghị lực và tấm lòng vàng của người phụ nữ không lành lặn

Bản thân bị dị tật chân trái bẩm sinh, là góa phụ một mình nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi học, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng người phụ nữ ấy vẫn cưu mang những mảnh đời kém may mắn hơn mình

 

Nghị lực sống

Lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Suối Thông 1, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, khi sinh ra Đỗ Thị Vân Lan đã bị dị tật chân trái. Sớm quen với cảnh khó khăn nên sau những giờ đến trường Lan vội vàng chạy về phụ giúp cha mẹ lên nương rẫy trồng khoai, ngô. Đối với Lan, cuộc sống khó khăn đến mấy, chỉ cần nhìn thấy nụ cười của người thân là chị cảm thấy hạnh phúc.

Năm 1998 chị lập gia đình, sau hơn một năm chung sống với nhau, sự kết tinh của tình yêu đã tạo ra thành quả. Cuối năm 1999, chị sinh được một đứa con trai. Khó khăn vật chất không ngăn được nụ cười của gia đình trẻ. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, ba năm sau chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời, cũng là lúc chị biết mình đang mang thai đứa con thứ hai. Mất đi điểm tựa, một mình nuôi hai con vất vả, nhiều lần chị gục ngã và muốn tìm đến cái chết. “Mỗi lúc bế tắc nhìn hai đứa nhỏ khóc vì khát sữa, tôi tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua để cho con có một người mẹ, tuy không phải là người mẹ khỏe mạnh như những người mẹ khác”. Chị Lan tâm sự.

Để đủ trang trải nuôi hai con, chị Lan phải đi làm thuê, ai mướn việc gì chị đều cố gắng hoàn thành công việc.  Dù trời nắng nóng hay mưa gió, chị Lan vẫn đều đặn đi làm.

Bằng nghị lực, chịu khó và lòng quyết tâm vượt qua khó khăn, chị cũng chăm lo được cho con có cái ăn, cái mặc. Thế nhưng, khi các con mỗi ngày mỗi lớn, tới tuổi đến trường thì nỗi vất vả càng đè nặng lên vai người mẹ. “Để các con không thua thiệt với các bạn cùng trang lứa, ban ngày tôi đi làm, tối về đến các thôn, xã, thị trấn hát rong kiếm thêm tiền”. Cũng từ đó, cứ mỗi buổi chiều tàn, hình ảnh chị Lan với giọng hát ngọt ngào lại xuất hiện trên các con đường ở buôn làng, trong các xã, thị trấn của huyện Đơn Dương.

Truyền lửa cho những mảnh đời bất hạnh

Để nuôi hai đứa con ăn học, chị Lan phải lam lũ vất vả, chắt bóp từng đồng nhưng khi gặp những người kém may mắn, chị luôn sẵn lòng giúp đỡ cưu mang họ. “Đã từng trải qua cuộc sống nghèo khổ nên tôi biết rõ, những người kém may mắn họ cần sự đồng cảm, giúp đỡ từ mọi người. Chỉ cần một người tìm đến hoặc gặp ai đó khó khăn xin giúp đỡ tôi sẽ tìm mọi cách để giúp họ, mà không cần phải đáp trả một thứ gì” - chị Lan chia sẻ. Chị đã nhận bốn người khuyết tật nặng về chung sống với mình và tạo công ăn việc làm cho họ.

 

Chị Lan (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên gia đình người khuyết tật

Tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, trong căn nhà nhỏ của một nhà hảo tâm cho thuê tạm, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh những mảnh đời kém may mắn được chị Lan cưu mang.

Đầu tiên là anh Lâm Văn Hải ( 48 tuổi) quê ở Thái Nguyên. Anh Hải vào huyện Đơn Dương mưu sinh thì bị mù và cụt một tay do tai nạn lao động; chị Ka Huệ ( 48 tuổi) người dân tộc Churu bị dị tật bẩm sinh. Xương ngực và cột sống gù lên, hai chân  bại liệt; chị Nguyễn Thị Mộng Lài ( 47 tuổi) bị dị tật bẩm sinh, hai chân bị liệt; cuối cùng là anh Thái Văn Quý (34 tuổi) bệnh bại não, tay chân co quắp.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lâm Văn Hải cho biết: “Bản thân tôi vốn lành lặn là công nhân làm đường thu nhập ổn định. Nhưng năm 1992 tôi bị tai nạn, mất một tay, đôi mắt bị mù không nơi nương tựa. Hàng ngày tôi phải bán vé số để mưu sinh. Thấy tôi không người thân, chỗ ở, chị Lan đã bảo tôi về ở cùng gia đình chị. Chị dạy cho tôi hát rồi cùng chị đi hát khắp nơi để kiếm tiền. Từ đó chúng tôi gắn bó như một gia đình”.

Còn chị Nguyễn Thị Mộng Lài, từ nhỏ chị đã bị bại liệt đôi chân, không thể tự chăm sóc cho bản thân, được người bạn giới thiệu chị Lan là người cưu mang và tạo việc làm cho người khuyết tật trong huyện, chị Lài đã tìm đến xin được giúp đỡ. Cũng từ đó chị Lài sống chung như một gia đình với chị Lan. Cũng như anh Hải và chị Mộng Lài, anh Văn Quý cùng chị Ka Huệ cũng được chị Lan nhận về và tạo việc làm cho họ. Mọi người là thành viên trong một đại gia đình của chị Lan.

Chị Lan cùng con gái út đi hát kiếm tiền.

Để trang trải cuộc sống hàng ngày, mỗi người trong gia đình làm một công việc, sáng anh Hải, anh Quý đi bán vé số, còn chị Lan và chị Lài ở nhà đan len kiếm vài chục ngàn/ ngày. Chiều về cả gia đình cùng nhau đi hát, diễn văn nghệ trong các thôn, xã, thị trấn Đơn Dương kiếm thêm gần một trăm ngàn mỗi đêm. Vốn có năng khiếu hát, chị Lan đều đặn luyện giọng cho các thành viên. Năm 2013, chị quyết định thành lập đội văn nghệ người khuyết tật Đơn Dương.

Ông Trần mạnh Thu (Chủ tịch Hội khuyết tật tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “ Đội văn nghệ của người khuyết tật Đơn Dương được chị Đỗ Thị Vân Lan - Chủ tịch Hội khuyết tật huyện, thành lập vào năm 2013, dù chỉ mới hoạt động được 2 năm nhưng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật. Bản thân chị Lan là một tấm gương giàu nghị lực, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, chị còn thăm gia động viên, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những mạnh đời bất hạnh. Chúng tôi rất chị kính phúc nghị lực và tấm lòng nhân ái của chị Lan”.

Được cưu mang những mảnh đời kém may mắn hơn mình và được nhìn thấy hai đứa con chăm ngoan học giỏi là niềm hạnh phúc không gì sánh được với chị Lan. Hiện đứa con đầu Đỗ Triệu Vỹ đang học lớp 10, con gái út La Hy Nhã học lớp 7.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị Lan và những thành viên trong gia đình người khuyết tật luôn quý trọng, gắn bó với nhau, lạc quan và yêu đời.