.
Hà Nội phát hiện sai phạm 861 tỷ đồng và trên 1.800 ha đất
Kết luận cũng chỉ rõ, thời gian qua Hà Nội đã triển khai và thực hiện tốt, xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng, xử lý minh bạch... Cụ thể, từ năm 2011-9/2013, Hà Nội thực hiện 803 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 861 tỷ đồng và trên 1.800 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 1.700 ha đất và 842 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm và kiểm điểm rút kinh nghiệm với 108 tập thể và 61 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 116 tỷ đồng. Qua giải quyết 48 đơn thư khiếu nại tố cáo về tham nhũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 10 tập thể, 27 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 13 vụ.
Kiểm tra nội bộ phát hiện, xử lý 2 trường hợp tham nhũng. Công an thành phố Hà Nội cũng khởi tố 81 vụ việc, với 238 bị can, kết thúc điều tra, chuyển viện kiểm soát đề nghị truy tố 57 vụ, với 193 bị can.
Tuy nhiên, TTTCP đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm trong quản lý ngân sách, tài chính, tài sản; trong đầu tư dự án, xây dựng công trình giao thông, hạ tầng đô thị; quản lý, sử dụng đất đai và trong thực hiện cải cách hành chính tại UBND thành phố Hà Nội.
Trong đó, việc quản lý thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước do lịch sử để lại, qua các thời kỳ còn hạn chế, bất cập, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý dẫn đến tình trạng có tổ chức, cá nhân chậm, thậm chí chây ỳ, khiếu nại tố cáo phức tạp trong việc nộp ngân sách nhà nước các khoản tiền thuê nhà trong nhiều năm; việc thuê các đơn vị thẩm định giá để xác định giá đất theo Thông tư 94 đạt hiệu quả thấp, giá đất sau thẩm định tăng ít so với khung giá đất do UBND TP quy định...
Quản lý tiền cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa)
Trong đấu thầu dự án, đầu tư xây dựng công trình giao thông, hạ tầng đô thị, theo TTCP, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số chủ đầu tư không chấp hành báo cáo giám sát đánh giá đầu tư nhưng TP chưa có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định tại Nghị định số 113 cuả Chính phủ...
Có dự án chậm triển khai sau... 24 tháng
Qua kiểm tra thực tế, một số dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất sai mục đích; có dự án sau khi được giao đất, chậm triển khai trên 24 tháng hay vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Việc thành phố giao chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng(GPMB) thông qua hình thức tổ chức, lựa chọn chủ đầu tư là chưa bảo đảm chặt chẽ theo quy định; ban hành quyết định cho UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm thuê 10.224m2 đất để xây dựng Khu thương mại Mỹ Đình là trái quy định; ban hành quyết định giao đất tại một số dự án nhưng chậm tính tiền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, chậm bàn giao trên thực địa.
Nhiều tổ chức sử dụng đất từ trước Luật Đất đai năm 2003 không có giấy tờ về sử dụng đất, chưa được công nhận quyền sử dụng đất nên chưa có đơn giá thuê đất dẫn đến việc cơ quan Thuế phải tạm tính tiền thuê đất. Việc chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với phần diện tích đất theo quy định cuả pháp luật đất đai gây khó cho công tác thu tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước cuả cơ quan Thuế.
Một số dự án vi phạm Quy hoạch sử dụng đất sai mục đích (Ảnh minh họa)
Đơn cử, hợp đồng liên danh liên kết làm nhà ở và làm việc giữa Cty Bảo hiểm Hà Nội với Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) tại 15C Trần Khánh Dư, phường Phan Chu Trinh ký khi Cục Đối ngoại chưa được cơ quan cấp trên cho phép thực hiện liên doanh, liên kết. Toàn bộ 12 căn hộ tập thể vẫn là tài sản Nhà nước do Cty Bảo hiểm Hà Nội quản lý nên việc UBND quận Hoàn Kiếm cấp 17 giấy CNQSDĐ ở cho các hộ trên diện tích đất quốc phòng là vi phạm Luật Đất đai 2003.
Năm 2011 có 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoàn thành công tác GPMB hoặc chưa triển khai GPMB; năm 2012 có 154 dự án chậm GPMB, trong đó có 131 dự án chưa hoàn thành GPMB; 6 tháng đầu năm 2013 có 131/137 dự án chưa hoàn thành GPMB.
Trong công tác thu hồi, bồi thường và giải phóng mặt bằng còn vi phạm chính sách tái định cư đối với trường hợp tái định cư bằng đất trong trường hợp trên cùng một thửa đất gồm nhiều hộ gia đình, nhiều thế hệ cùng sinh sống; tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB tại các dự án còn quá chậm...
Trước những hạn chế, thiếu sót, sai phạm trên, TTTCP yêu cầu Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, chỉ đạo Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nghiêm công tác công khai, minh bạch tài chính, tài sản, chế độ, định mức, tiêu chuẩn và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.
Về quản lý đất đai, TTTCP kiến nghị Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, có biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư sử dụng đất nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ, chưa ký hợp đồng thuê đất hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, rà soát dự án chậm triển khai, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch.