Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ cụ Nguyễn, đau với nỗi truân chuyên của "Hoang tưởng trắng"

Thời gian qua, cao điểm trong tuần này, nhiều nơi, mà đặc biệt là ở Hà Tĩnh, tưng bừng, nhộn nhịp, long trọng tổ chức kỷ niệm 250 ngày sinh đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Người từng ngửa mặt lên trời than vấn: Ba trăm năm nữa thiên hạ còn ai nhớ, ai khóc Tố Như?. Không chỉ ba trăm, mà cả ngàn năm sau, với Truyện Kiều, với Văn chiêu hồn,... vẫn còn rất, rất nhiều người thổn thức cùng cụ Nguyễn.

 

Tài năng và giá trị văn chương của Nguyễn Du không phải đời sau, mà ngay người đương thời đã công nhận cụ. Đến như vua nhà Nguyễn dẫu nhiều lúc khó chịu, không ưa cụ, nhưng với Truyện Kiều cũng phải ngả mũ kính phục.

Qua đấy càng thấy cái lồng lộng của cụ Nguyễn trong đời sống văn chương  dân tộc, càng cảm phục những “con mắt xanh”, những “tấm lòng vàng” của những người cùng thời với cụ Nguyễn, mà con cháu ngày nay còn phải cắp sách học dài dài, đặc biệt là học về nhân cách, đạo đức, học cách trong đối nhân xử thế.

Nhân  Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa in lại tiểu thuyết “Hoang tưởng trắng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn sách mà cách đây hơm 20 năm được Nhà xuất bản Đà Nẵng in với cái tên “Miền hoang tưởng”, tác giả Đào Nguyễn.

Ngày ấy, sách vừa phát hành liền bị một số người, trong đó có người chỉ đáng tuổi con cháu của nhà văn quy chụp, suy diễn thô thiển, tố báo với những giọng điệu rất nghiêm trọng, như:  “Miền hoang tưởng một cuốn sách đen bôi xấu chế độ”;  “chống chủ nghĩa xã hội”; “có tư tưởng bi quan”;  “kích động chống đối, bôi nhọ chế độ”,... Điều cay đắng là sự phán ẩu hời hợt, cá nhân hạn hẹp ấy, vô tình đã làm cho nhiều người liên quan, nhất là những người biên tập, chịu trách nhiệm  xuất bản cuốn sách bị điêu đứng, thậm chí có người thân bại danh liệt.

Thời ấy để làm rõ nội dung tiểu thuyết “Miền hoang tưởng”, cũng như hạ nhiệt việc lên án, quy chụp vô cớ, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm do Báo Văn nghệ đăng cai. Các nhà lý luận phê bình, nhà văn thống nhất kết luận: Về nội dung “Miền hoang tưởng” có những mặt được và những mặt chưa được, nhưng “Miền hoang tưởng” không chống chế độ, không chống chủ nghĩa xã hội.

Có thể với nhiều người, bi kịch của tiểu thuyết “Hoang tưởng trắng” là một bị kịch nhỏ. Nhưng soi vào “Văn tế thập loại chúng sinh” của cụ Nguyễn mới thấy cái bi kịch ấy thật khắc khoải đớn đau, thật bi ai trầm mặc. Nhất là những người đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, nhưng đã nhân danh, đội lốt, nấp bóng người khác cao đạo  lên án, phê phán, quy chụp cho “Miền hoang tưởng” (giờ là “Hoang tưởng trắng”) vi phạm những tội tày đình. Những tội trên, nếu ở thời cụ Nguyễn chắc bị án chu di tam tộc. Không biết giờ đây khi công đã thành, danh đã toại (tạm gọi thế, bởi tham vọng của con người chẳng bao giờ có điểm dừng) những người phê “Miền hoang tưởng”, có lúc nào ngẫm lại việc mình làm và có thấy thẹn với lương tâm, với cuộc sống tươi đẹp hôm nay?. Hay là bất chấp, miễn tiền tài, danh lợi “chất đầy túi tham”? (!).