Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những điều cần biết về vi rút Zika khi mang thai

Vi rút Zika được nghi ngờ là nguyên nhân gây gây nên hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh hiện nay. Và căn bệnh này đang gây hoang mang đối với phụ nữ mang thai và các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con. PV báo Dân Sinh có cuộc trò chuyện cùng ThS BS. Trần Mộng Thúy – Phòng khám Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM về vấn đề này.

 

TP. HCM hiện ghi nhận các ca nhiễm Vi rút Zika, cao nhất cả nước. Theo bác sĩ đối với cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con, cần làm gì để cho kế hoạch mang thai được an toàn?

ThS BS. Trần Mộng Thúy: Vi rút  Zika được nghi ngờ là nguyên nhân gây gây nên hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Người nhiễmVi rút Zika có các triệu chứng như sốt, đau đầu, xung huyết da, niêm mạc mắt .. Các biểu hiện thường nhẹ kéo dài khoảng 4 – 7 ngày, đôi khi khó phân biệt với sốt xuất huyết trên lâm sàng, chỉ phân biệt bằng xét nghiệm, nhiều trường hợp không có triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì có mối liên quan giữa nhiễm vi-rút ở phụ nữ có thai và hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần theo dõi sức khỏe cho phụ nữ mang thai hay phụ nữ chuẩn bị mang thai, vì nhiễm vi rút Zika trong ba tháng đầu sẽ để lại hậu quả trầm trọng cho thai nhi, xét nghiệm cho phụ nữ có thai ở vùng dịch, đặc biệt là khi có xét nghiệm Zika dương tính cần theo dõi sát thai kỳ.

Hiện chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu dành cho Virus Zika  mà chủ yếu  là đề phòng, vi rút Zika lây truyên chủ yếu qua muỗi vằn Aedes, cho nên phụ nữ mang thai cần tránh muỗi đốt như: mặc quần áo dài tay, ngủ mùng, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng,  thuốc xua côn trùng. Tránh đi vào vùng có dịch khi có kế hoạch mang thai.

Đối với người vừa hồi phục sau nhiễm vi-rút Zika hoặc những người vừa đến vùng dịch về nếu có kế hoạch  mang thai  cần đi khám và hỏi ý kiến bác sỹ .

Ảnh minh họa

 

 Theo khuyến cáo, phụ nữ nên thụ thai sau thời gian 8 tuần và nam phải đợi 6 tháng kể từ khi ra khỏi vùng dịch mới nên có thai. Bác sĩ có thể chia sẻ cho bạn đọc về vấn đề này?

ThS BS. Trần Mộng Thúy: Khi bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt, nguy cơ nhiễm vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai và những đối tượng khác là như nhau. Rất nhiều phụ nữ không biết mình đã nhiễm vi-rút này do không có triệu chứng.

Triệu chứng, phổ biến nhất là sốt nhẹ và phát ban. Zika cũng có thể gây các triệu chứng khác như đau mắt, đau khớp, đau cơ và cảm giác khó chịu, xuất hiện sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt từ 4 - 7 ngày.

Vi-rút Zika tồn tại trong máu của người nhiễm bệnh từ vài ngày đến một tuần. Nếu phụ nữ mang thai sau khi hết vi-rút trong máu thì sẽ không nhiễm cho thai nhi.

Mặc dù vi-rút Zika rất nguy hiểm nhưng không hẳn bệnh đầu nhỏ chỉ do một mình vi-rút Zika gây nên. Thai phụ mang thai đến tháng thứ ba nếu mắc phải các bệnh do vi-rút như cảm cúm, sởi, rubella... di truyền, tổn thương gene, bệnh nhiễm sắc thể, nhiễm độc, một số hóa chất… đều có thể gây nên hội chứng này.

Đối với những người khi vừa hồi phục sau nhiễm vi-rút Zika hay những người vừa đến vùng dịch về thì cũng cần khám và hỏi ý kiến bác sỹ  nếu muốn mang thai.

Hiện nay, vì một số lý do, các bác sỹ không khuyến khích xét nghiệm vi-rút Zika thường xuyên đối với phụ nữ mang thai vừa đến một nước có dịch về. Một là có thể có kết quả dương tính giả do kháng thể được tạo ra để chống lại những vi-rút liên quan. Hai là chưa rõ nguy cơ đối với thai nhi nếu người mẹ có kết quả dương tính với kháng thể vi-rút Zika.

Hội chứng não nhỏ không phải là phổ biến trong sản khoa, tỷ lệ gặp rất thấp và có thể chẩn đoán trước sinh nhờ vào siêu âm bằng cách đo các kích thước của đầu thai nhi và sự phát triển của vòng đầu trong những lần khám thai.

Ảnh: Minh họa

 

 Theo ghi nhận tại Bệnh viện ĐH Y Dược trong thời gian gần đây số thai phụ đến khám thai, kiểm tra, xét nghiệm virus Zika có tăng? Bác sĩ có khuyến cáo gì đối vơi đối tượng này?

ThS BS. Trần Mộng Thúy:  Mặc dù vi-rút Zika rất nguy hiểm nhưng không hẳn bệnh đầu nhỏ chỉ do một mình vi-rút Zika gây nên, mà còn do nhiều nguyên nhân khác..Việc đi làm xét nghiệm cho trẻ ở các bà mẹ sẽ là không cần thiết nếu thai phụ không có các triệu chứng sốt phát ban, sổ mũi, viêm kết mạc, người trở về từ vùng dịch hoặc sống chung quanh trong vùng dịch.

 Đi làm xét nghiệm siêu âm vì sợ bị lây nhiễm vi rút Zika quá nhiều có thể dẫn đến quá tải ở các bệnh viện, thêm đó là tốn chi phí cá nhân và tăng thêm chi phí xã hội không cần thiết.

Tóm lại, không phải cứ phụ nữ mang thai mắc Zika là có thể dẫn đến hội chứng đầu nhỏ. Chỉ những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, ở vùng có dịch, có biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nổi ban thì mới đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều cần đến bệnh viện để xét nghiệm. Vì thế, phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng trước sự xuất hiện của vi-rút Zika ở Việt Nam.