Cổ tích chuyện tình
Trưa nắng chang chang, thân hình nhỏ thó của chị như lẫn vào sóng biển. Chiếc nón lá cũ không đủ che mát khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Chị ngẩng đầu nói: “Chú mua cá à? Mua đi, tui bán cho. Chỗ này còn hơn 2 ký, tui lấy 80 ngàn thôi”.
Thấy vẻ xởi lởi, tôi vào đề luôn.
- Chị làm nghề này lâu chưa?
- Hơn 10 năm rồi. Nhà có 2 mẹ con hà. Ăn chẳng bao nhiêu nhưng phải làm cho đỡ tủi thân. Ngày nào tui cũng dậy từ 3 giờ sáng kéo lưới bắt cá ven bờ. Cái nghề này cực lắm chú ơi. Kiếm được đồng tiền chảy máu mắt, nhưng biết làm gì được khi mình không có nghề. Nhà có hai mẹ con ăn chẳng bao nhiêu, nhưng cũng phải làm để nuôi nó ăn học. Nó đấy, giống thằng cha y đúc”. Chị chỉ tay về thằng con trai cũng đen nhẻm không khác gì chị. Đó là Nguyễn Thị Sa, người đàn bà góa quê gốc Hà Tĩnh, tuổi khoảng 45 mà tôi gặp trên bãi biển Long Cung. Nghe tôi bảo: “Em cũng người miền Trung”. Chị Sa ngẩng lên đôi mắt long lanh gần gũi. “Rứa à. Chú vô đây lâu chưa. Quê ta cả hày”.
Chị Nguyễn Thị Sa bên chậu cá bán cho dân đi tắm biển.
Bắt được “sóng” đồng hương, chị Sa chẳng giấu giếm gì khi tôi hỏi về chuyện đời của chị. Ánh mắt của người đàn bà góa nhìn ra biển như ước vọng một điều gì đó xa xăm. “Tui sinh sống ở đây gần 20 năm rồi. Trước ni, ông nhà tui cũng làm nghề đi biển ni, nhưng bây chừ thì chỉ có hai mẹ con thôi”. Chị nhìn ra biển giấu giọt nước mắt rưng rưng chực trào ra.
Năm 1995, cô gái Nguyễn Thị Sa theo anh trai vào Vũng Tàu lập nghiệp, tình cờ quen chàng trai Trần Văn Linh trong một lần Sa cùng nhóm bạn làm ở xí nghiệp giày da đi xem Hội nhà Lớn Long Sơn. Vốn là gái miền quê thật thà chất phác, lại có tóc dài nên đã vô tình lọt vào mắt Linh, con một chủ ghe giàu có ở Làng Nứa (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu). Gốc là con nhà giàu có, ba làm chủ tàu, nên việc Linh cưới gái nhà nghèo lúc đó không đơn giản. Khi biết con trai không theo ý “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, ba mẹ Linh quyết ngăn cản. Ông tuyên bố thẳng thừng “Lấy nó thì bỏ tao, mày chọn đường nào”. Không thể cưới người mình không yêu thương, Linh chấp nhận từ biệt gia đình cùng người yêu đi tìm hạnh phúc. Tổ ấm của họ cạnh sườn núi nứa Long Sơn. Ngày ngày Linh đi chặt nứa, đan mành, Sa gánh nước thuê cho chủ ghe tàu và những nhà giàu quanh xóm. Cuộc sống bần hàn càng làm tình yêu của họ bền chặt. 10 năm qua mau, cái nghèo vẫn đeo bám họ.
Linh bàn với vợ sắm ghe ra khơi đánh cá. Được bạn bè giúp vốn, họ tậu được chiếc ghe cào đánh bắt xa bờ. Chuyến đầu tiên đi biển thuận buồm xuôi gió. Có tiền, Linh trả nợ và sắm ngư cụ cho những chuyến biển sau. “Tui không ngờ chuyến đi biển thứ ba là lần chia tay mãi mãi. Lúc anh ấy đi, tui còn mua thêm 2 gói thuốc rê và gói ruốc tôm phòng trừ ngày biển động lấy cái mà ăn. Anh còn hứa với tui, lần này về mình sẽ sinh con. Ai ngờ, anh ấy chẳng trở về nữa”.
Giấu giọt nước mắt chực trào ra sau vành nón, chị Sa nhìn ra biển: “Cũng vì thương nhớ anh ấy nên tui đã dọn ra bãi biển này sống hơn năm rồi. Mọi người nói tui khùng, nhưng tui cảm thấy ấm lòng sống ở đây. Mỗi lần nhìn thấy ghe, tàu, tui luôn dõi theo, biết đâu chồng tui trở về. Tui chẳng còn người thân nào ngoài giọt máu của anh ấy là thằng con ni. Ba mẹ cũng mất cả rồi, ba má anh ấy cũng không còn nữa. Không có nhà cửa chi mô. Rạng sáng đi kéo lưới cùng mấy người bạn. Họ cũng như mình. Mấy bà ở chung túp lều tự dựng lên. Góp gạo thổi cơm chung thôi”.
Ở bãi biển Long Cung, nhiều phụ nữ khác cũng có hoàn cảnh như chị Sa.
Đánh cá, cứu người
Khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ là lúc chị Sa cùng những bà bạn cắp lưới ra biển. 3 giờ sáng, biển đêm mênh mông luôn rình rập những hiểm nguy bất cứ lúc nào. Nhưng dường như những người đàn bà này chẳng hề sợ. Miệng ngậm một đầu dây lưới, bơi ra xa cách bờ hơn trăm mét để thả lưới rồi bơi vào theo hình vòng cung. Chị Sa cầm một đầu lưới, đầu kia được cố định buộc vào một cục đá to để trên bờ. Phải cố sức mới có thể kéo được hết lưới. “Công việc ấy tui đã làm từ ngày ở quê rồi. Nếu sóng lặng kéo dễ hơn, nhưng cá ít. Nước chảy xiết là kéo mệt nhất, nhưng bù lại cá nhiều. Những ngày đầu, tui chỉ kéo một mình, nay có thêm mấy bà bạn kéo chung đỡ phần nào vất vả. Nói thật với chú, nghề ni cực lắm, nhưng vì quen với biển rồi nên cứ làm thôi. Có ngày trúng, kiếm được vài ba trăm ngàn đó”.
Sau 3 giờ ngâm trong nước biển lạnh cóng, chị Sa bán cá, tôm ngay trên bãi biển cho những người đi tắm sáng ở bãi tắm Long Cung. Do tôm cá còn sống, không ướp đá lạnh và hóa chất nên có bao nhiêu chị cũng bán hết. “Bây chừ họ rành ăn lắm. Cá lưới tươi sống họ mua nhiều, chứ cá ướp lạnh họ ít ăn. Vì vậy mà tui kéo được bao nhiêu cũng bán hết, không lo ế chi mô” – chị Sa cho biết.
Để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, chị Sa còn mua lại cá, tôm của những người kéo lưới khác bán lại cho dân đi tắm biển buổi chiều. “Dù chỉ được vài ba chục ngàn tiền lời, phải dãi nắng rát bỏng, nhưng tui cảm thấy vui. Cố làm mua cho thằng con cái xe máy cũ. Đã đến lúc nó cũng cần có cái xe đi lại rồi”, chị Sa chia sẻ.
Chị Sa còn được biết với cái tên khác mà người dân quanh bãi tắm Long Cung hay gọi là “Bà Sa cứu nạn”. Sở dĩ có cái tên ấy là vì chị Sa thường cứu bọn trẻ ra biển tắm bị đuối nước. “Tui chẳng có chuyên môn gì đâu, nhưng hễ ai hô hoán có trẻ đuối nước là tui lao ngay ra biển. Tuy ở bãi tắm Long Cung này cạn, nhưng có chỗ xoáy thành vũng. Bọn trẻ tắm chẳng may trượt xuống vũng sâu là đuối nước ngay”, chị Sa cho biết.
Chị kể, ngày mùng 4 Tết Ất Mùi vừa qua, bốn đứa trẻ từ phường 10 đến tắm, hai đứa bị đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, chị văng cả miếng bánh chưng đang ăn cầm cái phao tròn lao ra biển. Cứu được hai đứa thoát nạn cũng là lúc nồi cơm của chị cháy đen trên bếp ga. Ngậm ngùi vì nồi cơm khét, nhưng mừng vì đã cứu được hai trẻ thoát nạn. Tuần sau, ông Nguyễn Hữu Hà là bố của em Nguyễn Hữu Dũng đem đến tặng chị cái nồi cơm điện, coi như thay lời cảm ơn.
- Từ ngày ở đây, chị cứu được bao trẻ đuối nước rồi?
- 6 lần cứu 8 đứa, trong đó có 3 bé trai. Chúng nó đi lấy củi khô trên đồi thông, rồi xuống tắm. Phần nhiều chúng nó biết bơi, nhưng do sa vào vũng xoáy cát nên hẫng chân thôi. Nếu lúc đó không có người cứu thì chúng cũng chết đuối.
- Ở đây thường xảy ra chết đuối nước không chị?
- Không nhiều, nhưng năm cũng vài vụ. Mà có cả người lớn nữa chứ không phải trẻ em không đâu nha chú. Hồi năm ngoái, tui vớt xác một học sinh vì tức giận ba mẹ bỏ nhà đi bụi rồi ra đây quyên sinh, thương lắm. Mỗi lần có trẻ xuống tắm biển, tui vẫn ngóng ra biển theo dõi chúng nó. Biết là chẳng để làm gì, nhưng nhỡ nó đuối nước thì mình lao ra cứu coi như làm phúc vậy thôi.
Chị Lê Thị Liên đến từ Thanh Hóa, cũng cảnh ngộ như chị Sa.
Chị Sa móc trong túi quần đưa ra chiếc điện thoại cũ bảo: “Chiếc điện thoại này của một chú tặng tôi đấy. Cứ cuối tuần chú lại đem con ra đây tắm và nhờ tôi dạy bơi cho nó. Khi nó biết bơi rồi, chiều nào nó cũng đi tắm. Sau này tui biết, nó bị bệnh chàm khô nên phải tắm biển suốt thời gian trị bệnh. Ở bãi biển này hoang vu nhưng cũng nhiều cái bất ngờ lắm”.
Sóng tình yêu cuộn mỗi đêm về
Chị Sa dẫn chúng tôi vào “tổ ấm”- nơi mà hơn 10 năm qua chị gắn bó với nó là một cái giường sắt cũ, mấy cái lọ chỏng chơ, cái bếp ga cá nhân, mấy bộ quần áo treo sát vách tường. “Chỗ tui ngủ đấy. Một mình nằm đâu cũng được. Thằng con thì có ngày ngủ luôn ngoài biển với bạn nó. Ngày ăn một bữa cơm, 2 bữa mì tôm là no rồi. 3 Giờ sáng xuống biển, 6 giờ sáng lên bờ. Nghề chài lưới lấy bãi biển làm nhà, thuyền mủng làm cần câu cơm”, chị Sa chia sẻ.
Tôi mạnh dạn hỏi về chuyện riêng tư: “Sao chị không đi bước nữa cho có người mà nương tựa lúc ốm đau”? Chị trả lời: “Nói thật với chú, cũng có người đồng hương làm ăn trong ni dạm tui, nhưng tui không đồng ý. Tui chấp nhận ở góa vậy thôi. Vẫn biết lúc ốm đau, già yếu cần người bên cạnh, nhưng hơn chục năm rồi, tui chưa thể nguôi ngoai được anh ấy”. Chị Sa cười trải lòng: “Cái lạnh thấu xương nửa đêm về sáng hơn chục năm kéo lưới mưu sinh, không sợ bằng cái lạnh cô đơn một mình trong căn chòi trống vắng. Biết vậy, nhưng niềm vui bây giờ của tui là kéo lưới, bạn là biển và những người cùng cảnh ngộ như mình”.
Chị Sa rũ lưới để chuẩn bị cho buổi kéo đêm mai. Đêm nay, chị Sa và bao bóng hồng khác lại bì bõm ngâm mình dưới biển mưu sinh. Ngoài biển sóng vẫn vỗ ầm ầm bất tận, nhưng cũng không dâng cao bằng sóng tình yêu chung thủy chị giành cho chồng suốt hơn chục năm qua.
“Cô Sa có hoàn cảnh rất éo le khó khăn, nhưng là người tử tế, giàu lòng nhân ái mà chẳng tham lam gì. Nếu không có cô Sa, nhiều đứa trẻ đuối nước ở bãi tắm này không còn. Con tôi cũng được cô Sa cứu sống. Gia đình tôi luôn biết ơn cô ấy và coi như ân nhân”. ông Nguyễn Hữu Hà, bố em Nguyễn Hữu Dũng- một trong những học sinh được chị Sa cứu sống cho biết. |