Tán thành với Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014 và đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2015, nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) thẳng thẳn cho rằng, sự phục hồi kinh tế hiện nay là nhờ uống “thuốc khỏe”, bởi chúng ta chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ mà chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng
“Sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ, sau 2 năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc”, ông Nghĩa nói.
Quan ngại về vấn đề xử lý nợ xấu ông Nghĩa, nói: “nợ xấu đã bị VAMC bắt nhốt lại, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế”.
Tình trạng chậm xử lý nợ xấu như trên theo ông Nghĩa là do chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, “qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm, nghìn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Bên cạnh vấn đề nợ xấu, vấn đề nợ công cũng được đại biểu Nghĩa quan tâm, lo lắng : “Vấn đề nợ công đang tăng ở mức độ cao 15-20%/năm trong một thập niên gần đây, tỷ lệ nợ công/GDP tăng mấp mé, vay đỏ 65%, cũng được nhiều đại biểu quan ngại. Nhưng nguy hiểm hơn ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ và trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%. Dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Đây chính là mối nguy hiểm trực tiếp và đáng lo ngại nhất của nền kinh tế”.
Để giải quyết vấn đề nợ công và nợ xấu, ông Nghĩa đề nghị: “Việc xử lý nợ xấu phải theo nguyên lý thị trường, đó là tiền tươi thóc thật, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản, tránh nguy cơ ảo tưởng...Đối với vấn đề nợ công không phải bằng cách buộc Chính phủ giảm đi vay mà bằng cách quản lý đầu tư công chặt chẽ, đúng pháp luật và có tầm nhìn”.