Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phấn đấu đến cuối năm 2015 chỉ còn 2,91% hộ nghèo

Tập trung các nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo; tận dụng các nguồn lực, thực hiện lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao ý thức tự lực vươn lên của các hộ nghèo – Đó là mục tiêu và giải pháp được Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm đề ra và triển khai thực hiện để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2015 xuống còn 2,91%.

Hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), có gần 1.090 hộ nghèo, với trên 3.930 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ trên 3,9%. Trong đó có 417 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 38,29% hộ nghèo toàn huyện (417/1.089 hộ) và đặc biệt chiếm đến 29,38% hộ nghèo so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện (417/1.419 hộ).

Tỷ lệ hộ nghèo cao tập trung ở các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Tân (12%), Suối Cát (10,77%). Theo thống kê vào đầu năm 2015, hộ nghèo toàn huyện được phân loại thành 4 nhóm: Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo (389 hộ đối tượng già cả, neo đơn, không có sức lao động); nhóm đối tượng khó thoát nghèo (274 hộ đông người ăn theo, đông con nhỏ còn phụ thuộc); nhóm đối tượng có khả năng thoát nghèo nhưng chưa đủ điều kiện để thoát nghèo (298 hộ); nhóm đối tượng chây lười lao động và mắc các tệ nạn xã hội (128 hộ).

Trường trung cấp nghề Cam Lâm

Trường trung cấp nghề Cam Lâm liên kết với C.ty TNHH Giày Quốc tế An Phú đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trong huyện.

Trên cơ sở thực trạng và phân loại nêu trên cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn cao đó là: Thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, không biết cách làm ăn; thiếu phương tiện sản xuất, thiếu sức lao động, ốm đau nặng, đông người ăn theo; không có việc làm, gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội, chây lười lao động không có ý thức tự lực vươn lên để thoát nghèo.

Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020, UBND huyện Cam Lâm đã và đang triển khai những giải pháp cụ thể hàng năm về lao động, việc làm, về giảm nghèo và thoát nghèo bền vững đối với 14 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.

Cụ thể, năm 2015 tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: Hỗ trợ hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua việc đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng kinh phí dự kiến 71 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách Xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 350 triệu đồng, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn; Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và của xã hội.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội như: Chính sách về giáo dục, về đào tạo nghề; chính sách về y tế; chính sách trợ cấp, hỗ trợ hàng tháng; các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản của xã hội; nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương,v.v...

Với quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách đồng bộ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan trên địa bàn toàn huyện. Tin tưởng rằng, công tác giảm nghèo năm 2015 của huyện Cam Lâm sẽ đạt được những kết quả theo đúng mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo đã đề ra./.