Cuộc tọa đàm xoay quanh việc thực hiện Thông tư 30, không giao bài tập về nhà cho học sinh, việc dạy thêm học thêm giữa phụ huynh với các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục tiểu học.
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ: "Năm 2009, khi chúng ta thực hiện Thông tư 32 lấy điểm kiểm tra định kỳ cuối năm là tổng kết, xét khen thưởng, lên lớp mọi người cũng quan tâm, băn khoăn. Nếu cả năm học tốt, cuối học kỳ sơ sẩy điểm kém thì sao?. Nhưng quy định cũng cho phép nếu có bất thường các em học sinh sẽ được kiểm tra lại không quá ba lần,..Sau một loạt trao đổi chia sẻ thì Thông tư 32 cũng không còn nhiều ý kiến nữa".
Không gian buổi tọa đàm. (Ảnh: Văn Chung)
Nay thay bằng Thông tư T30 phụ huynh băn khoăn không cho điểm con thì không biết thế nào, giờ không chấm điểm lấy gì thưởng cho con. "Nhưng các vị hãy nghĩ phụ huynh khác khi đón con, trẻ điểm kém không dám nói khi bố mẹ hỏi điểm. Về nhà cha mẹ vặn vẹo con sao lại học hành thế này, tại sao được 3-4 điểm. Thậm chí có những phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc đã bạt tai con. ...
"Tuy nhiên, khi bố mẹ đổ lỗi như vậy mấy ai mở vở con ra xem để xem con học bài thế nào, tiếp thu kiến thức ra sao? Đừng quan tâm con có điểm số mới biết con đang ở đâu" - ông Tiến trao đổi.
TS Vũ Thu Hương chia sẻ câu chuyện: "Tôi từng là nạn nhân đòn roi vì điểm số kém, bố mẹ hay được gọi lên trường để cô trao đổi. Suốt năm học lớp 4 ở một lớp chọn điểm số tôi luôn rất thấp. Mỗi lần đi về nhà bố mẹ hỏi điểm số là điều thật khủng khiếp. Tôi bị mất tinh thần và khổ sở mỗi lần cô gọi lên bảng vì sợ làm sai, điểm kém".
"Chỉ khi thoải mái nhất bạn mới dễ tiếp nhận nhất. Nếu vẫn bài làm đó cô lựa lời nói, trẻ sẽ rất sẵn lòng sửa lại. Quan điểm giáo dục như vậy là rất tiến bộ..." - lời bà Hương. Phụ huynh cũng có quyền đánh giá học tập và nêu ý kiến của phụ huynh về con của mình, có thể đề nghị cô giúp đỡ con trong quá trình học tập.
"Nhưng một ngày bố mẹ dành 5-10 phút để cùng học, cùng giải quyết các vấn đề cùng con" - là lời khuyên của bà Hương đối với các bậc phụ huynh.
Tôi cũng từng cho con đi học thêm...
Có phụ huynh viết câu hỏi gửi lên ông Tiến ở tọa đàm "biết là cấm nhưng cô vẫn cho bài tập thậm chí rất khó để ép con đi học thêm. Sở có biết không và vi phạm thế thì xử lí thế nào?"
Ông Tiến cho rằng: "Nếu học thêm xuất phát từ nhu cầu, muốn phát triển sở thích hoặc niềm đam mê thì đó là chính đáng. Tôi cũng từng cho con đi học thêm khi hồi phổ thông có những lần con tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao, việc học không tập trung nên cần có thêm thời gian để bắt kịp bạn, chương trình.
Học thêm chỉ có tội, có lỗi khi là tràn lan. Có trung tâm dạy thêm đến 22h. Trẻ học như vậy chỉ sinh tâm lí ỉ lại, không chỗ này thì chỗ kia sẽ chữa bài cô giao thôi hay có trẻ vào lớp thì chơi điện tử, vở ghi không có gì, có em mêt quá thì ngủ,...
Tôi mong phụ huynh thấy cái gì thực sự cần thì cho con đi, đừng học theo "phong trào bầy đàn", sợ con thiệt, đừng sợ áp lực không đi học con bị trù úm, thua bạn bè. Phụ huynh nên mạnh dạn chia sẻ một cách chân thành với thầy cô, đừng ngại. Tôi thấy nhiều phụ huynh sợ cô như sợ cọp" - ông Tiến chia sẻ.
Nói về chuyện cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, ông Tiến dẫn dụ: "Mỗi ngày mình ăn ba bữa cơm cơ thể có thể thích nghi nhưng tối, đêm về lại phải ăn thêm một bữa như bữa trưa nữa liệu có tiêu hóa được không?. Cái phụ huynh cần biết là ở trường trẻ vừa học vừa được tham gia các hoạt động giáo dục rồi. Lúc về nhà là thời gian bố mẹ có thể dành thời gian chơi với con. Các vị muốn con có bài tập để bố mẹ có thời gian làm việc khác có thể mua sách tham khảo mua bên ngoài về, đừng bắt nhà giáo dục làm việc này cho các cháu. Tôi nghĩ học 2 buổi/ngày đã đủ kiến thức, kĩ năng cho trẻ rồi".
"Quy định không giao bài tập về nhà đã có gần 10 năm nay. Nhưng thực tế rất nhiều phụ huynh muốn cô giao bài tập và đề nghị cô giao. Cô giao rồi một vài phụ huynh lại đề nghị và ai cũng thế. Lớp có 1-2 phụ huynh không muốn vậy thế là con đơn thư" - ông Tiến chia sẻ.