Chiến dịch truyền thông sáng tạo “Quái nhựa" do CHANGE thực hiện nằm trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”. Đây là dự án do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, do Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) GmbH và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.
Chiến dịch “Quái Nhựa” diễn ra từ ngày 22/4/2022 - 15/5/2022, với những hoạt động chính:
- Ngày 22/4/2022: Các doanh nghiệp, cửa hàng hưởng ứng chiến dịch “Quái nhựa” bằng cách đặt poster hàng loạt tại các vị trí khuyến khích người tiêu dùng “suy nghĩ lại” trước khi lấy thêm một sản phẩm nhựa dùng một lần, hoặc cân nhắc xem bản thân có thực sự cần sản phẩm nhựa dùng một lần ấy không;
- Ngày 23/4/2022: Buổi họp báo chính thức công bố chiến dịch và trưng bày mô hình Quái nhựa được làm hoàn toàn từ các loại sản phẩm nhựa dùng một lần (đã sử dụng bởi người dân tại TP.HCM và đã qua xử lý làm sạch trước khi trưng bày) tại trung tâm thương mại Pandora City, đưa thông tin, ý nghĩa, và thông điệp của chiến dịch tới công chúng;
- Từ ngày 23/04/2022 - 05/05/2022: Trưng bày mô hình Quái nhựa ở các trung tâm thương mại. Người tham gia sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động ngay tại khu vực trưng bày: Thử thách kiến thức về nhựa, khám phá bí mật về nhựa, tìm hiểu về các giải pháp sống xanh thông qua các gian hàng eco, tự mình trải nghiệm cách tạo ra một sản phẩm tái chế, và hoạt động đổi rác tái chế lấy quà;
- Từ ngày 23/04/2022 - 23/05/2022: Ra mắt website quainhua.org để lan tỏa thông điệp của chiến dịch và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng chiến dịch thông qua: Đặt poster tại cửa hàng; Xây dựng các hoạt động khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của doanh nghiệp; Đăng ký các gói hành động gợi ý giúp giảm thói quen dùng nhựa một lần cùng CHANGE; Đăng ký đưa các hội thảo, tập huấn về nhựa đến doanh nghiệp hoặc trường học.
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam đang rất đáng báo động. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, 2019), Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất trên thế giới. Sông Mê Kông là một trong 10 dòng sông ô nhiễm rác nhựa nhất thế giới. Lượng vi nhựa trong nước sông Sài Gòn cao gấp 1.000 lần so với sông Seine (Pháp).
Vào tháng 10/2018, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này nhằm mục tiêu ngăn chặn và kiểm soát đáng kể và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, và đảm bảo 100% chất thải rắn được thu gom và xử lý vào năm 2030. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này vẫn còn là một thách thức. Phần lớn mọi người vẫn chưa nhận ra tác động tiêu cực của rác thải nhựa lên con người và mọi sinh vật trên Trái đất.
“Quái nhựa” mượn hình tượng quái vật trong tưởng tượng của nhiều người (như thuồng luồng, quái vật hồ Loch Ness) để hình tượng hóa các mối nguy hại mà ô nhiễm rác nhựa gây ra. Loài Quái nhựa dưới nước còn đáng sợ hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường rất nhiều. Bằng cách sử dụng cụm từ “Quái nhựa”, dự án muốn thu hút sự chú ý và cảnh báo con người về hậu quả của việc sử dụng và thải ra quá nhiều nhựa dùng một lần, từ đó kêu gọi cộng đồng "ngưng tạo Quái nhựa" bằng cách giảm tiêu thụ nhựa dùng một lần và cùng nhau hành động để ngăn chặn ô nhiễm nhựa.
Bà Thới Thị Châu Nhi - Phó Giám đốc tổ chức CHANGE chia sẻ: “Từ trước đến nay, CHANGE đã thực hiện nhiều dự án liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa như “Nhân nhựa”, “No, Thanks!” hay “Nghiệp nhựa” và nhận thấy tác động tích cực từ các chiến dịch truyền thông sáng tạo đó đến cộng đồng. Lần này, CHANGE muốn mượn hình ảnh ẩn dụ “tạo Quái nhựa", để nhấn mạnh sự thật rằng, trên thực tế, mỗi người trong chúng ta, chỉ từ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đang vô tình gây ra những mối nguy hại khôn lường lên môi trường và lên chính sức khoẻ của mình. Tôi rất hy vọng các doanh nghiệp cũng như người dân cùng chung tay với chúng tôi để giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày một nghiêm trọng này".
Được khởi động vào Ngày Trái đất 22/4, chiến dịch “Quái nhựa” nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, trung tâm thương mại quan tâm đến môi trường. Các đơn vị sẽ đặt hàng loạt poster có các câu hỏi như “Khoan đã! Bạn có thực sự cần ống hút?”, “Có chắc bạn cần túi này?”, “Cảm ơn bạn đã yêu trái đất hôm nay”, khuyến khích người tiêu dùng “suy nghĩ lại” trước khi lấy thêm một sản phẩm nhựa dùng một lần.