Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Nam: Hướng về nguồn cội, chăm sóc gia đình chính sách

Là một địa bàn có số lượng người có công nhiều nhất cả nước, được sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các đoàn thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều lĩnh vực hoạt động ngành, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp các loại đối tượng cho trên 14.000 trường hợp; hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ trình Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ cho 3 trường hợp. Đặc biệt, đã phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng - Sở Nội vụ trình Trung ương tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 709 trường hợp, tặng thưởng Huân chương độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ: 98 trường hợp; ban hành Quyết định trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng mới công nhận: 136 trường hợp; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 149 trường hợp; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 822 trường hợp; trợ cấp thờ cúng liệt sỹ: 1.593 trường hợp; trợ cấp 3 tháng và mai táng phí, tuất từ trần các nhóm đối tượng theo Pháp lệnh: 1.034 trường hợp; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo: 532 trường hợp; trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng mới được tặng, truy tặng: 857 trường hợp...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà các Mẹ VNAH.

Ngoài ra, đã trình Trung ương cấp, đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 1.004 trường hợp; cấp đổi thẻ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dụng cụ chỉnh hình: 2.061 trường hợp; trả lời đơn thư hỏi chế độ, chính sách, tìm mộ liệt sĩ cho 40 trường hợp...

Không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ được địa phương xác định là hoạt động thường xuyên và chú trọng. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ năm 2016 từ nguồn ngân sách Trung ương ủy quyền: 15 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh: 1 tỷ đồng và nguồn kinh phí Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh: 1,9 tỷ đồng. Hiện, theo kế hoạch được phê duyệt, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các hạng mục công trình.

Đối với chương trình chăm sóc người có công, trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn và phân bổ chỉ tiêu điều dưỡng người có công cách mạng năm 2016 với 18.425 lượt người. Trong đó, điều dưỡng tập trung: 4.000 lượt; điều dưỡng gia đình: 13.525 lượt; dự phòng: 900 lượt. Trung tâm nuôi dưỡng Điều dưỡng người có công Quảng Nam đã tổ chức điều dưỡng cho 1.866 lượt người có công và thân nhân (trong đó, trong tỉnh: 1.638 lượt; ngoài tỉnh: 228 lượt), đạt 46,6% kế hoạch.

Về chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công, địa phương đã thực hiện phân bổ kinh phí 5 tỷ đồng để xây dựng 100 nhà tình nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân do đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương thực hiện rà soát những trường hợp người có công cách mạng có nhà ở hư hỏng, cần sửa chữa theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đúng điều kiện hỗ trợ theo quy định.

 Ngoài ra, công tác vận động thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, cấp tỉnh đã vận động thu được 76.590.000 đồng, đạt 2,55%/kế hoạch. Bên cạnh đó, đã vận động 50 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền 26.500.000 đồng từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Là một địa phương có số lượng người có công nhiều, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 14.279 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 2.569 Mẹ được phong tặng; 11.710 Mẹ truy tặng, đến nay còn sống 1.010 Mẹ, 100% các Mẹ còn sống đều được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, với mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/Mẹ/tháng. Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa nhưng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi Mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi Mẹ qua đời; nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức cho mẹ đi tham quan, du lịch...

Đồng chí Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH dâng hương tại nhà tưởng niệm Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

Với một lĩnh vực có khối lượng công việc nhiều, lại đòi hỏi sự chính xác, đầy đủ, kịp thời nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thương binh liệt sĩ, người có công tỉnh Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Có thể kể đến như công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chưa đầy đủ, chưa rộng khắp, nhất là miền núi, nông thôn; việc xác lập thủ tục xác nhận người có công ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình, công tác quản lý đối tượng nhiều nơi chưa chặt chẽ, còn để xảy ra trùng hưởng, hưởng chế độ không đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại, vướng mắc...

Trong 6 tháng cuối năm 2016, Sở LĐ- TB&XH tỉnh Quảng Nam phấn đấu   tiếp tục thực hiện tốt việc hướng dẫn xác lập hồ sơ và giải quyết chế độ theo các Pháp lệnh và những văn bản mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung thẩm định, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ hoàn thiện hồ sơ đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trình Trung ương tuyên dương vào dịp 27/7 và hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương ddộc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ...