Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sẽ có nhiều không gian biểu diễn cồng chiêng

Sáng 6/2, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lăk, Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức họp báo công bố Lễ hội Cà phê, Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 sẽ diễn ra từ 8-13/3 tới. Theo BTC, năm nay sẽ có nhiều lễ hội được phục dựng, cồng chiêng sẽ có nhiều không gian biểu diễn.

 

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội Cà phê, Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, điểm mới lễ hội lần này là kết giữa hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển. Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”, sẽ có 10 chương trình xoay quanh tiêu điểm chính. Trên cơ sở các chương trình sẽ đảm bảo liên kết từ thương mại, văn hóa cho đến đầu tư để tạo đà phát triển cho Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, trong lễ hội có Lễ khai mạc và hội nghị xúc tiến có nhiều điểm mới, bản sắc hơn, kết tinh từ 5 lễ hội lần trước. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức quy mô lớn, nội dung đa đạng với các hoạt động chính như: hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà phê, hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên, hội thi nhà nông đua tài, đua voi và thuyền độc mộc...  “Việc tổ chức Lễ hội nhằm khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên, đã được Unessco công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005 và được chuyển sang danh sách” Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008” – Ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

 

Sẽ có nhiều không gian diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên tại Lễ hội

 

BTC cũng cho biết, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm nay sẽ có nhiều không gian để biểu diễn cồng chiêng. Trong đó sẽ có đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và các nghi lễ phục dựng gồm: Lễ cúng cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê đê; Lễ bắt máng nước của dân tộc Sê Đăng; Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho; Lễ cưới xin của dân tộc M’nông; Lễ cúng nhà Rông mới của người Ba na với sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên sẽ diễn ra trên nhiều điểm của thành phố Buôn Ma Thuật và huyện Buôn Đôn. Ngoài ra, trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; Công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản” (các tour du lịch gắn cà phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng…); Trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên; Khu phố ẩm thực Tây Nguyên; Chương trình đêm hội vào mùa; Thưởng thức cà phê miễn phí (dự kiến cung cấp 15 nghìn phiếu uống cà phê miễn phí) tại các tuyến phố của thành phố Buôn Ma Thuật.

Cồng chiêng là loại nhạc khí phổ biến ở vùng Đông Nam Á, nó gắn bó mật thiết với sinh hoạt vòng đời và đời sống tâm linh của các tộc người Bahnar, Êđê, Jrai, M’nông, K’ho... ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Vùng đất này được coi là cái nôi Cồng chiêng của Đông Nam Á. Chất liệu cồng chiêng Tây Nguyên được chế tác bằng đồng, có cái pha vàng, bạc hoặc đồng đen, lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm. Nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện rất đa dạng và độc đáo. Tính độc đáo của cồng chiêng thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng và kỹ năng chế tác. Có thể nói, cồng chiêng Tây Nguyên là yếu tố văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Để phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tổ chức các Lễ hội Cồng chiêng theo định kỳ 2-3 năm một lần, nhằm giữ gìn vốn quý một di sản văn hóa của nhân loại và cũng là một sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên.

Theo BTC, trong dịp này, các công ty du lịch tổ chức nhiều tour du lịch hành trình di sản, đến các buôn làng tìm hiểu về đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như đến các trang trại tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc và chế biến cà phê. Cùng thời điểm này còn diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 4 nhằm mời gọi những dự án đầu tư 5 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng).