Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Singapore: Học phí đại học và câu chuyện của cha mẹ, con cái

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Một thanh niên 22 tuổi đã kiện cha ruột ra tòa, yêu cầu chu cấp hàng tháng để trang trải học phí đại học.

Mặc dù vụ kiện đã bị bác bỏ nhưng nó khơi lên cuộc tranh luận về trách nhiệm của cha mẹ trong việc hỗ trợ con cái chi phí học đại học.

Tại Singapore, pháp luật yêu cầu cha mẹ phải đáp ứng nhu cầu giáo dục cơ bản của con, nhưng không có quy định rõ ràng về việc tài trợ cho bậc giáo dục đại học.

Tuy nhiên, xã hội thường kỳ vọng rằng cha mẹ sẽ chi trả học phí đại học cho con. Trái ngược với điều này, tại nhiều quốc gia phương Tây, việc tự chi trả cho giáo dục đại học của bản thân là điều phổ biến.

Singapore: Học phí đại học và câu chuyện của cha mẹ, con cái - 1
Ảnh minh họa (npfy.org).

Vậy khi chi phí sinh hoạt và giáo dục ngày càng tăng, nếu một người trẻ muốn học đại học nhưng gia đình không đủ khả năng tài chính, trách nhiệm thuộc về ai?

Trong nhiều gia đình châu Á, việc cha mẹ chi trả học phí đại học thường được coi là một phần trong mong muốn mang lại khởi đầu tốt nhất cho con cái. Tuy nhiên, kỳ vọng này có thể gây áp lực tài chính lớn khi cha mẹ phải cân đối chi phí học hành cùng các khoản vay nhà, tiết kiệm hưu trí và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Theo một khảo sát năm 2016 của ngân hàng HSBC, người Singapore thường chi tiêu cho giáo dục đại học của con nhiều gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Hơn một nửa sẵn sàng đi vay để tài trợ học phí cho con. Tuy nhiên, quan điểm này bắt nguồn từ thời đại mà số người có bằng đại học rất ít, khiến họ được coi trọng hơn trong thị trường lao động.

Hiện nay, khi hơn 1/3 người Singapore từ 25 tuổi trở lên có bằng đại học (so với 4,5% vào năm 1990), tấm bằng không còn mang lại lợi thế như trước. Thế hệ cha mẹ hiện đại, đặc biệt là gen X và gen Y ngày càng chú trọng vào việc tự chuẩn bị tài chính cho tuổi già, để con cái không phải nặng gánh chăm sóc họ trong tương lai.

Với chi phí giáo dục đại học ngày càng cao, liệu kỳ vọng cha mẹ chi trả học phí cho con còn hợp lý?

Tự chịu trách nhiệm với ước mơ học tập của bản thân

Tác giả bài viết đăng trên Channel News Asia chia sẻ rằng bản thân phải tự chi trả cho việc đại học. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, mẹ cô đã tìm cho cô công việc dạy kèm họ hàng để có tiền thuê gia sư. Khi tiền không đủ, cha cô cho vay với điều kiện phải hoàn trả sau này.

Ngược lại, chồng cô được cha mẹ chi trả toàn bộ học phí cho đến khi hoàn thành bằng cấp, nhưng anh thừa nhận mình không học nghiêm túc. Chỉ khi tự trả tiền cho khóa học nâng cao sau này, anh mới học hành chăm chỉ.

Điều đó phần nào cho thấy, khi học phí là trách nhiệm của bản thân, người học thường trân trọng hơn thời gian và công sức bỏ ra. Vì vậy, cha mẹ có thể cân nhắc để con cái chia sẻ một phần trách nhiệm tài chính cho việc học của mình.

Dù cha mẹ muốn hỗ trợ con cái học đại học, tài chính đôi khi không cho phép. Do đó, việc thảo luận về khả năng tài chính và kỳ vọng ngay từ sớm là rất quan trọng.

Nếu cần, gia đình có thể thảo luận về các giải pháp thay thế như học bổng, vay vốn sinh viên hoặc làm thêm để con có thể chuẩn bị trước, tránh áp lực tài chính đột ngột. Một số học sinh có thể chọn trì hoãn việc học một hoặc hai năm để đi làm kiếm tiền trước khi nhập học.

Mỗi gia đình sẽ có nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau, nhưng việc trao đổi rõ ràng sẽ giúp tránh những xung đột không đáng có, thậm chí là các tranh chấp pháp lý.

Việc không thể hoặc không muốn chi trả cho giáo dục đại học của con cái không biến các bậc cha mẹ thành phụ huynh tồi. Ngày nay, giáo dục đại học không còn là trách nhiệm của cha mẹ. Khi con cái chịu trách nhiệm tài chính, chúng có xu hướng trân trọng hơn cơ hội học tập của mình.

Tại Singapore, có nhiều nguồn hỗ trợ tài chính như học bổng, khoản vay sinh viên và các chương trình trợ cấp. Với sự nỗ lực và kế hoạch phù hợp, việc tự chi trả cho giáo dục đại học là hoàn toàn khả thi.

Tất nhiên, nếu cha mẹ sẵn lòng chi trả học phí thì đó là điều tốt. Mặc dù vậy, sự hỗ trợ này nên được xem là món quà hào phóng, chứ không phải là trách nhiệm bắt buộc của cha mẹ.

Ninh Trần (theo CNA)

Báo Lao động và Xã hội số 147