Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thầy lang "tự xưng" chữa ung thư giai đoạn cuối

Thời gian gần đây nhưng người bệnh ung thư giai đoạn cuối ở khắp các địa phương ở miền Bắc đều xôn xao về chuyện thầy lang ở Hưng Yên có khả chữa được cả bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đối với những người bệnh đang tuyệt vọng, khao khát sự sống thì tin này như một sự cứu cánh. Dòng người bị ung thư ở khắp các địa phương tìm về khấn vái người tự xưng là lang y này. PV baodansinh.vn đẫ đến tận nơi để tận mắt chứng kiến.

 

Có bệnh thì vái tứ phương

Theo địa chỉ của tờ rơi mà PV có được từ một anh xe ôm, theo như lời quảng cáo, vị lang y này có thể chữa được bách bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư khiến tôi không thể không tò mò. Chúng tôi tìm về xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), đúng như lời đồn, khi mới về đến xã, hỏi lang y Bần Túc Phú thì ai ai cũng biết. Có người còn đỗ xe lại tán dăm ba câu, “thầy này giỏi lắm, bọn em tìm về đây là đúng thầy đúng thuốc rồi. Thầy ăn lộc thánh nên chữa rất hay”.

Qua những con ngõ nhỏ, ngôi nhà 3 tầng khang trang hiện ra phía trước mặt. Mặc dù trời nắng như đổ lửa vẫn có rất nhiều người từ nơi xa cất công tìm đến, xe cộ được xếp ngay ngắn phía ngoài cổng. Theo tìm hiểu của PV, “Lang y” Bần Túc Phú tên thật là Nguyễn Văn Bần (SN 1970, trú tại thôn Khuyến Thiện, xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên).

Nguyễn Văn Bần đang kê đơn cho các bệnh nhân

Trong vai đi tìm thầy để chữa bệnh ung thư cho người bạn, PV đã được mời vào trong ngồi. Theo lời giới thiệu của một người phụ nữ (vợ thầy Bần), chúng tôi được ngồi đợi trong phòng khám bệnh. Những ai muốn chữa đều được thầy làm lễ, nếu lễ được thì thầy mới khám, không được thì đành ra về hôm khác đến khám sau. Theo quan sát của PV thì ai làm lễ cũng đều được “bề trên” cho khám cả. trừ một vài trường hợp họ tự ý bỏ ra ngoài không khám.   

Ngồi cạnh PV, một người đến khám bệnh cho biết: “Chúng tôi từ nơi khác đến khám, nghe đến danh thầy thì tìm đến thôi, cũng có người nọ người kia giới thiệu. Có bệnh phải vái tứ phương, cứ nghe tin ở đâu có thầy tốt là chúng tôi tìm đến. Có những người mắc bệnh mà Bệnh viện bó tay thì phải nhờ thầy tìm cho con đường sống”.

Trong căn phòng rộng chỉ chừng 20m2, có đến hàng chục bệnh nhân ngồi khoanh chân đợi đến lượt. Ngồi phía trên cùng là bà Nguyễn Thị Hậu (vợ thầy Bần – PV) đang ngồi khấn vái, tung đồng xu để xin thánh. Hết một lượt làm lễ cho khoảng chục người tất cả được gọi vào phòng bắt mạch kê đơn.

Nhiều người ngồi nghe thầy “phán” bệnh xong thì cảm thấy ngao ngán, bởi mắc bệnh nọ thầy lại phán bệnh khác. Cũng có người ngồi gật gù vì thấy “phán” đúng, chắp tay vái thầy như thánh sống.

Ăn lộc thánh?

Theo tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Văn Bần trước đây đi bộ đội về, sau đó cưới vợ ở cùng xã, gia đình cũng làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn. Sau này ông Bần chuyển nghề lái xe ôm, như có duyên đến với “nghệp thuốc”, trong khi hành nghề lái xe ôm, ông Bần có mối khách ruột cho một lang y người dân tộc. Dần dà, đi theo ông Bần cũng học mót được một số ngón nghề. Vị lang y người dân tộc này trong một lần đi khám bệnh đã mất ngay tại nhà người bệnh để lại cho ông Bần cuốn sách cổ có những phương thuốc bí truyền chữa được nhiều bệnh lạ. Từ đó đến nay ông Bần hành nghề cứu giúp chúng sinh cũng đã ngót hơn chục năm.

Theo lời kể của người dân, phía trước nhà ông Bần có một ngôi miếu của một người Tàu, ông Bần cũng nhờ lộc của ngôi miếu này nên mới vượng như vậy?!. Ngôi miếu cũ vần còn, ông Bần bỏ tiền của xây dựng ngôi miếu mới khang trang hơn dùng làm nơi để xin thánh cho người đến khám. Có người chữa khỏi, có người không đa phần là phải “hợp thuốc và đến thầy sớm” còn những trường hợp không khỏi là do đến thầy đã “quá muộn”.

Bà Nguyễn Thị Lan - Lạc Vạn - Tiên Sơn - Bắc Ninh


Một người dân ở làng bên cạnh cho biết: “Chẳng biết các anh từ đâu đến, nghe thầy qua ai, nhưng người dân trong làng, trong xã, thậm chí trong cả huyện này cũng không ai đến lấy thuốc của thầy Bần”. Khi nghe chúng tôi nói từ Bắc Giang tìm đến thì bà chị này thở dài nói rằng: “Thảo nào, thôi các chú đã đến thì cứ vào diện kiến, chứ người dân ở đây có bệnh đều đi bác sỹ hết, thầy chữa bệnh có được đâu mà đến làm gì cho hao tiền, hao của. Tôi toàn thấy người ở nơi xa tìm đến, chứ dân địa phương họ không chữa đâu. Nếu người nhà các chú bệnh nặng thì hãy đi bệnh viện, bị ung thư thì tốt nhất nên đi xạ trị chứ về đây mà lấy thuốc thì khi bệnh nặng lại hối không kịp”.

Không chữa được mà cũng.. chẳng chết ai!

Theo tìm hiểu của PV, gần như toàn bộ người thân trong gia đình ông Bần đều tham gia vào công việc bốc thuốc chữa bệnh. Người có “chuyên môn” như ông Bần thì bắt bệnh, kê đơn, vợ ông thì làm lễ xin thánh, anh trai ông Bần là Nguyễn Văn Đạm thì làm nhiệm vụ bào chế thuốc. Những người còn lại chia nhau làm việc khác như bốc thuốc, thu tiền, ổn định chỗ cho người bệnh…

Tò rơi do Nguyễn Văn Bần phát cho các bệnh nhân

Khi thấy hàng chục người ngồi chờ đợi đến lượt, tranh thủ dò hỏi một bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Loan (trú tại xã Lạc Vạn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Bà Loan bị ung thư vú đã được điều trị ở nhiều bệnh viện. Nhưng nghe đến thầy Bần có thể chữa được khỏi bệnh bà đã theo thầy được 3 năm nay. Với mức giá khoảng một triệu đồng một thang thuốc, mỗi tháng ba thang thì trong ba năm bà cũng mất ngót 90 triệu đồng. “Tôi đến chữa thầy bần cũng là do có người mách bảo, tôi mới đến nhờ thầy, nghĩ rằng nhiều  loại kết hợp sẽ tốt hơn. Nhưng sau khoảng ba năm theo thầy theo thuốc mà bệnh của tôi cũng chẳng đỡ đi. Nhưng không uống lại đâm lo, nên cứ đành phải theo” – Bà Loan cho biết.

Một trường hợp có mặt tại đó là ông Nguyễn Văn Thành (quê ở Nam Trực, Nam Định), mới chỉ ngồi nghe thầy phán bệnh cho người khác mà ông đã có cảm giác khó chịu. “Tôi từ xa lặn lội về đây cũng là bởi nghe thầy cao tay, có thuốc tôt. Ai ngờ ngồi nghe thầy phán bệnh linh tinh. Người đau bụng ông phán đau đầu, bệnh nọ lại phán thành bệnh kia. Tôi nghe chán quá bỏ ra ngoài luôn, không khám xét gì nữa cho tốn công tốn tiền. Bản thân tôi bị bệnh thấp khớp, cũng chữa nhiều nơi nhưng không đỡ. Kiểu này chắc đi bệnh viện cho lành”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó thôn Khuyến Thiện cũng cho biết: “Bản thân nhà tôi trước đây trong gia đình cũng có hai trường hợp người nhà mắc bệnh hiểm nghèo. Khi bệnh viện trả về cũng sang nhờ thầy Bần lấy thuốc, nhưng cũng không khỏi, từ đó là không đến đây lấy nữa. Loại thuốc của ông Bần không rõ công hiệu đến đâu, nhưng uống vào chắc cũng chẳng chết ai, nên mới dám làm như thế” – Ông Hoàng cho biết thêm.

Tận mục xưởng bào chế thuốc của ông Bần, PV ghi nhận bên trong có những vật dụng để đựng thuốc, máy thái thuốc và có vài ba loại cành cây, lá cây. Đến cả người anh trai ông Bần là ông Nguyễn Văn Đạm – người trược tiếp làm nhiệm vụ băm lá, chặt cành này cũng không rõ vị thuốc đó tên gì. Ông này chỉ biết nó là những vị thuốc nam được mua về để điều trị cho người bệnh.

Chính quyền đã kiểm tra?

Trao đổi với PV dansinhvn.com, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Lương Tài cho biết: “Hàng năm bên UBND xã cũng phối kết hợp cùng với các ban liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất những cơ sở kinh doanh bán thuốc chữa bệnh. Gia đình nhà ông Bần không có biển hiệu quảng cáo, nên không cho là kinh doanh được. Ông này có một số bài thuốc quý, nên làm phúc cho bà con nhân dân. Còn về chứng chỉ Đông y chúng tôi cũng chỉ được nghe anh em đi kiểm tra về báo cáo bằng miệng. Mặc dù ông Bần làm nghề này cũng đã chục năm nay nhưng ở địa phương chưa thấy ai phản ánh là có trường hợp chết người hay lừa đảo gì. Nếu nhận được phản ánh của người dân chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể hơn”.