Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tình người trong bệnh viện



Các  điều dưỡng viên của Khoa ngoại B1 Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương chuẩn bị tiêm truyền cho bệnh nhân 


Những ca cấp cứu trong đêm

Vẫn biết làm nghề y là vất vả với đặc thù công việc chữa bệnh cứu người, nhưng tôi chưa hình dung sự vất vả của bác sĩ trực cấp cứu, những người miệt mài làm việc với tinh thần cao độ để giành lại sự sống cho bệnh nhân, bất kể đêm ngày.

Không có biểu hiện gì của bệnh đau dạ dày, bỗng dưng tối 7/7/2016 tôi bị đau bụng như dao đâm, đau tới vật vã không thở được làm người nhà tá hỏa phải tức tốc đưa tới cấp cứu ở bệnh viện gần nhất. Tại kíp trực đêm ấy có điều dưỡng Đào Thị Thanh Hà, Mai Đăng Dũng, hộ lí Chu Thị Hồng Điệp, các anh chị nhẹ nhàng đón tiếp và hướng dẫn tôi làm những thủ tục cần thiết.Trong cơn đau dồn dập, tôi chỉ thấy thấp thoáng những chiếc áo Blouse trắng chạy đi chạy lại. Mọi xét nghiệm, chụp chiếu của tôi được làm cấp tốc không hề bị gây phiền hà. Sau đó, tôi được Bs. Bùi Sỹ Tuấn Anh thông báo phải mổ gấp vì nghi thủng tạng rỗng. Khoảng 2h30 phút sáng tôi được đưa vào phòng mổ, trước khi chìm vào cơn mê Bs. Tuấn Anh còn động viên tôi yên tâm, sẽ cố gắng mổ nội soi “đẹp” nhất để sau này vẫn mặc được bikini.


Bs trẻ tài năng Bùi Sỹ Tuấn Anh một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014. Ảnh: KT
 

Tỉnh dậy lúc 9 giờ sáng ở Phòng Hồi sức cấp cứu, ngoài người thân đang ở bên cạnh, Bs tôi nhìn thấy đầu tiên lại là Bs. Bùi Sỹ Tuấn Anh. Bs cho tôi xem đoạn video quay lại quá trình mổ của tôi và bảo bệnh của tôi nặng, một bộ phận trong cơ quan tiêu hóa đã loét lâu rồi nhưng do bệnh tiến triển ở thể “câm” nên tôi không biết để chữa, đến khi phát hiện thì đã quá nặng và lúc tôi đau như dao dâm là bị thủng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Giờ ca mổ đã thành công, tôi cứ yên tâm điều trị, Bs sẽ hướng dẫn tôi cách ăn uống, tập luyện sau khi ra viện. Tôi cảm ơn Bs, trong lòng lưu lại ấn tượng rất đẹp về ân nhân cứu mạng của tôi.

Những ngày nằm điều trị tại Khoa Ngoại B1, tìm hiểu tôi mới biết Bs trẻ tài năng Bùi Sỹ Tuấn Anh (sinh năm 1980), hiện là Phó Trưởng Khoa ngoại B1 Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, kiêm Phó chủ tịch, Phó Tổng Thư ký Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội. Đồng nghiệp của BS. Tuấn Anh nói với tôi, “Chị may mắn được Bs Tuấn Anh mổ, vì cậu ấy trẻ, nhưng mổ rất giỏi, đã xử lí nhiều ca mổ ổ bụng khó thành công. Cậu ấy còn là bác sĩ của cộng đồng, vì luôn xung phong đi khám, chữa bệnh tình nguyện ở những vùng sâu, vùng xa trên cả nước”.

Trong đêm hôm ấy, ngoài tôi ra còn có ca cấp cứu mổ ruột thừa của cụ Nguyễn Thị Bải (74 tuổi), ở thôn Từ Châu, xã Liên Châu huyện Thanh Oai (Hà Tây, Hà Nội). Cụ cũng được các y bác sĩ trong kíp trực cứu chữa tận tình. Suốt những ngày trong bệnh viện, trong phòng tôi ở đêm nào cũng có bệnh nhân mổ hoặc cấp cứu nhập viện, đủ để thấy cường độ làm việc của các y, bác sĩ căng thẳng đến mức nào.

Lương y như từ mẫu

Câu nói này hoàn toàn đúng với những gì tôi được mắt thấy, tai nghe trong khi ở bệnh viện. Các bệnh nhân vào viện đều đau yếu, mỗi người mỗi cảnh nhiều cụ già trái tính trái nết… nhưng đều được các bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lí… của Khoa Ngoại B1 chăm sóc chu đáo, nhiệt tình khi thay băng, truyền đạm, truyền thuốc, tiêm kháng sinh...

Sáng nào cũng vậy, Bs. Trưởng khoa Đào Thanh Hóa cùng các cộng sự đi đến từng buồng bệnh khám và hỏi han từng bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, người bệnh được cấp thuốc và công việc của các điều dưỡng viên bắt đầu. Các bệnh nhân trong phòng tôi từ cụ Bải, chị Dung, cháu Huệ đến chị Hà, chị Hường… ai cũng hài lòng về thái độ phục vụ của các anh chị. Cụ Bải cho tôi biết: “Các bác sĩ ở đây coi chúng tôi như người thân.Tôi già rồi, sợ đau nhưng các cô, các chú thay băng và tiêm truyền rất nhẹ nhàng. Tôi thật sự cảm động khi các bác sĩ còn bảo tôi, cụ phải nói con cháu mua bảo hiểm y tế, để lần sau bị ốm đau thì có bảo hiểm đỡ tốn kém hơn”.

Chị Hoàng Thị Dung (55 tuổi) ở thôn Giáp Ngọ, xã Trúc Sơn, Chương Mỹ (Hà Tây, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị bệnh sỏi thận và mỗi năm phải vào đây kiểm tra, điều trị 1 lần (tới nay đã 4 lần). Sở dĩ tôi chọn Khoa Ngoại B1, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, vì đội ngũ y bác sĩ ở đây rất tử tế, nhiệt tình, gần gũi với bệnh nhân. Mỗi khi bệnh nhân chuẩn bị ra viện, đều được tư vấn cặn kẽ về cách ăn uống, rèn luyện và giữ gìn sức khỏe… giúp chúng tôi lấy lại niềm tin.”


 Điều dưỡng viên Đào Thị Thanh Hà tiêm cho bệnh nhân Nguyễn Thị Minh Huệ.


Trò chuyện với điều dưỡng viên Đào Thị Thanh Hà, chị cho biết: “Khoa Ngoại là Khoa có đặc thù riêng. Bệnh nhân vào đây phần lớn phải phẫu thuật rất đau đớn và có thể nhập viện bất cứ lúc nào.Có đêm chúng tôi tiếp nhận tới 4 ca mổ cấp cứu và đón những bệnh nhân chuyển từ phòng mổ về khoa nên phải theo dõi sát, cường độ làm việc rất căng thẳng.Cũng nhiều khi do đau đớn quá, lúc lấy ven, tiêm truyền… bệnh nhân có thể kêu ca, phàn nàn, thậm chí “mắng nhiếc” phản kháng không hợp tác với chúng tôi… Nhưng chúng tôi không thể nặng lời và cần có thần kinh thép cùng trái tim ấm áp để hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng với họ. Giúp người bệnh mau chóng phục hồi, là nhiệm vụ của mỗi chúng tôi.” Kiểm chứng lời chị Hà, trong phòng tôi có cụ bà Nguyễn Thị Lan 93 tuổi vẫn rất minh mẫn, nhưng khó tính vô cùng. Để tiêm truyền, chăm sóc cụ vừa ý là cả một vấn đề, đến con cháu cụ nhiều khi cũng phải “bó tay”. Thế mà các y bác sĩ ở đây vẫn hóa giải được những cơn “giận dỗi” của cụ một cách tài tình, để cụ chịu điều trị khiến chúng tôi thán phục.




Chị Hoàng Thị Dung trò chuyện với nữ điều dưỡng viên Lê Thị Mai trước khi  xuất viện

Tôi đã chứng kiến suốt những tua trực, điều dưỡng viên Vũ Đức Toàn gần như thức trắng chạy đi chạy lại như con thoi giữa các giường bệnh, bởi bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân đang điều trị gặp những vấn đề cần được chăm sóc, xử lí luôn gọi anh bất kể giờ giấc. Rồi các điều dưỡng viên Hoàng Hồng Hạnh, Đỗ Hữu Hiếu, Trần Thị Cẩm Nhung, hộ lí Điệp, y tá Trần Thị Luân… với kĩ thuật lành nghề đã khéo léo chăm sóc những bệnh nhân nặng để họ bớt đau đớn như thế nào.Dù các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lí… đều là những người trẻ tuổi. Họ cũng có gia đình, chồng con, nhưng nhiều khi đã hết giờ, thấy bệnh nhân đau họ không nề hà vẫn ở lại thăm, khám cho bệnh nhân. Sự dịu dàng, nhẫn nại và tấm lòng “lương y như từ mẫu” của các anh, các chị là liều thuốc tinh thần vô giá xoa dịu những nỗi đau về thể xác và tinh thần của các bệnh nhân.

Cần lắm sự tương thân, tương ái



 
Cháu nội Lê Quốc Phong chăm sóc cụ bà Nguyễn Thị Lan 93 tuổi, tại Khoa Ngoại B1 Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương.


Sống trong một phòng bệnh có tới 9 giường (9 bệnh nhân và 9 người nhà chăm sóc), mới thấy hết sự phức tạp nơi bệnh viện. Mỗi người mỗi bệnh và tính nết, thói quen không ai giống ai, nay sống tập trung, phải theo nội quy nên nhất định nảy sinh mâu thuẫn và có những bất đồng nho nhỏ. Tuy nhiên, mọi người đều tìm cách hóa giải những mâu thuẫn và giúp đỡ nhau chân tình. Ai cũng nhớ cô giáo Chanh (mẹ cháu Huệ) sẵn sàng lên xuống vài lần để mua đồ ăn, hướng dẫn các thủ tục cần cho những bệnh nhân mới tới còn lạ nước, lạ cái. Còn chuyện người nhà bệnh nhân nhẹ, giúp bệnh nhân nặng thay đồ, đi vệ sinh, xoa bóp lúc đau đớn… là những cử chỉ đầy chất nhân văn diễn ra thường xuyên trong phòng.




Cụ Nguyễn Thị Bải được con trai chăm sóc.


Tại phòng bệnh, có những hoàn cảnh rất thương tâm như cháu Thúy ở Thanh Hóa nhập viện khi chỉ có 300 ngàn đồng, khóc lóc suốt đêm vì đau và mặc cảm; một chị nhà ở Khu tập thể Giao thông lên cơn đau vật vã, bác sĩ nói phải mổ mà nhà nghèo từ sáng tới chiều không lo nổi tiền đóng viện phí… Gặp những hoàn cảnh như vậy, ai cũng cảm thông, chia sẻ, an ủi, động viên... Có bệnh nhân giúp cháu Thúy ít tiền, điều dưỡng viên Hà vẫn truyền dịch và dùng thuốc cho chị bệnh nhân dù chưa có tiền đóng viện phí… Đúng là những lúc sa cơ, lỡ vận, bệnh tật, ốm đau mới thấy càng cần lắm những tấm lòng tương thân, tương ái.




  Hộ lí Chu Thị Hồng Điệp đưa quần áo và dặn dò bệnh nhân mới nhập viện.


Viết những dòng này khi vẫn còn trên giường bệnh, tôi không muốn tô hồng hay bôi đen mà chỉ nói sự thực những gì tôi cảm nhận như một lời tri ân với những thầy thuốc của nhân dân. Sau này đi đâu, về đâu tôi tin rằng các bệnh nhân ở phòng 502 (tầng 5 nhà 9 tầng) nói riêng và Khoa Ngoại B1 Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương nói chung, vẫn nhớ và biết ơn các y, bác sĩ…ở trong Khoa, dù công việc vất vả, gặp không ít khó khăn nhưng nụ cười đôn hậu vẫn luôn nở trên môi. Họ đã chữa khỏi cho hàng ngàn bệnh nhân (trong đó có tôi) và đem lại nguồn vui, sự sống, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình.


 Những nụ cười của các bệnh nhân trong phòng 502 sau khi được cứu chữa.

Bài và ảnh Bạch Dương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em