Sáng 6/1, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức buổi gặp mặt các đoàn viên nghiệp đoàn xích lô và chủ xe xích lô trên địa bàn TP. Huế với chủ đề "Văn hóa xích lô". Tham gia và chủ trì buổi gặp mặt có ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; hơn 500 đoàn viên nghiệp đoàn và chủ xe xích lô.
Theo số liệu khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn TP. Huế có khoảng hơn 700 người đang hành nghề đạp xích lô. Đây được xem là một nghề khá vất nhưng cũng là nét văn hóa đặc trưng, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo của Huế, là nét văn hóa xưa cũ trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Xích lô đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của du khách và người dân Cố đô Huế.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các đoàn viên nghiệp đoàn xích lô Huế, các chủ xe xích lô đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh tìm ra giải pháp, phương hướng xây dựng nghề xích lô ngày càng đi vào quy củ và nề nếp, công bằng trong hoạt động.
Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý đối với các loại hình xích lô biến tướng, gắn thêm động cơ để hoạt động; kêu gọi các chủ phương tiện xích lô cùng tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, không đi hàng 2, hàng 3, đậu đỗ sai quy định, đi vào đường cấm, đường 1 chiều... tạo hình ảnh người đạp xích lô thân thiện, đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.
Tiếp nhận các ý kiến này, đại diện Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, nhất là Nghị định 100 mới được ban hành. Mặt khác, lực lượng chức năng cũng sẽ ra quân xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành luật lệ, quy định đã được Nhà nước ban hành.
Trò chuyện với những người hành nghề xích lô, ông Phan Ngọc Thọ cảm thông và thấu hiểu những vất vả, khó nhọc của nghề này. Ông Thọ cũng đề nghị các bác xích lô không tự ti về nghề nghiệp của mình, vì ở đó, mọi người đã bỏ sức lao động của mình để kiếm tiền một cách chân chính, rất đáng tự hào; và rằng trong xã hội không nghề nghiệp nào là không cao quý.
Ông Thọ cho rằng, những người đạp xích lô rất am hiểu về các thắng cảnh, di tích của vùng đất Cố đô, cung cách phục vụ du khách của bác xích lô cũng đã dần chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng "chặt chém", tranh giành, chèo kéo làm du khách không hài lòng. Vì vậy tại buổi gặp mặt này, Chủ tịch UBND Thừa Thiên – huế đã chú tâm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những đề xuất của các đoàn viên nghiệp đoàn, chủ xe xích lô. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo các các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể TP. Huế tiếp thu ý kiến người dân để có những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu xích lô Huế; tìm cách để nâng cao đời sống, thu nhập cũng như các chế độ xã hội cho người hành nghề xích lô.
Trong thời gian tới, để nghề xích lô hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, ông Thọ đề nghị người lao động sớm tham gia vào nghiệp đoàn xích lô để có những quyền lợi cũng như quy chế hoạt động thống nhất. Liên đoàn Lao động tỉnh cần phối hợp với UBND TP. Huế, Công an thành phố, nghiệp đoàn xích lô và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm ban hành quy chế, tiêu chuẩn hoạt động cho nghiệp đoàn xích lô Huế; có các chế độ về bảo hiểm y tế, xã hội, cũng như các chính sách hỗ trợ khác cho người đạp xích lô.
Để nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xích lô Huế, theo ông Thọ cần sớm nghiên cứu để có một bộ nhận diện cho vích lô Huế (mẫu xe, màu xe) mang phong cách Huế. Mặt khác, phải tính đến việc niêm yết giá cụ thể đối với dịch vụ xích lô, đảm bảo mọi du khách đều được đi với giá hợp lý, như nhau. Làm sao để khi khách hàng ngồi lên xe phải yên tâm về giá cả, chặng đường và độ an toàn. Ngành du lịch phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cũng như trang bị kỹ năng cho những người hành nghề xích lô; nâng cao văn hóa ứng xử, tạo sự thân thiện, gần gũi đối với du khách, phải có vốn kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và văn hóa Huế, để mỗi người làm nghề đạp xích lô đồng thời là một đại sứ du lịch góp phần cho quảng bá du lịch Huế.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh trao hơn 500 suất quà, mỗi suất gồm 300.000 đồng và 1 chai nước thủy tinh. Đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô Huế ngoài phần quà của Chủ tịch UBND tỉnh còn được nhận quà của các doanh nghiệp tài trợ: Áo sơ mi, áo thun, thẻ bảo hiểm tai nạn con người kết hợp.
Đặc biệt 5 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được VNPT Thừa Thiên - Huế trao tặng 5 chiếc xích lô mới (6 triệu đồng/chiếc) để hành nghề. Một đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhà hảo tâm tặng "Nhà mái ấm công đoàn" hạng mục sơn.