Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành và 200 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Các đại biểu tại hội nghị.
81% phụ nữ có việc làm sau khi học nghề
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn 2010 - 2015, với tinh thần chủ động, quyết tâm của Ban Chỉ đạo, sự phối hợp với các cấp, các ngành, các mục tiêu của Đề án đều đạt và vượt chỉ tiêu. Các cấp Hội Phụ nữ, các cơ sở dạy nghề của Hội đã tổ chức dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nữ, trung bình hằng năm đạt trên 162 nghìn người, vượt 300% mục tiêu đề ra. Tỷ lệ có việc làm là 81%, vượt 11% trong đó 75,6% chị em sau khi học nghề được Hội hỗ trợ vốn tự tạo việc làm, 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng và 1,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết.
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí đánh giá cao sự nỗ lực của phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 295 của Chính phủ trong 5 năm qua với một quyết tâm cao, bài bản, nhiều cách làm năng động, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực thực hiện chỉ tiêu quốc gia về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho LĐN, phát huy vai trò của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí phát biểu tại hội nghị.
5 năm qua thực hiện Đề án 295, cũng là giai đoạn mà Bộ LĐ-TB&XH luôn có sự phối hợp, sát cánh với Trung ương Hội LHPN. Song song với quá trình triển khai của Trung ương Hội, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực triển khai các nhiệm vụ theo chức năng của mình, như: Huy động các bộ, ngành trung ương, địa phương trong cả nước triển khai thực hiện đề án; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trong việc làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐN; chủ động có các giải pháp hữu hiệu để phấn đấu thực hiện được các mục tiêu mà đề án đã nêu; hướng dẫn lồng ghép các nội dung của đề án vào các chương trình, dự án có liên quan, trong đó có Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Bộ cùng với Trung ương Hội và các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, trong đó có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho LĐN; phối hợp với Trung ương Hội rà soát, lựa chọn 3 trường trung cấp nghề để hỗ trợ đầu tư 9 nghề cấp độ quốc gia; đồng thời xây dựng danh mục nghề đào tạo, chương trình, giáo trình dạy nghề đặc thù cho LĐN; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của các cơ sở dạy nghề thuộc Hội… và trên thực tế, những việc làm cụ thể ấy đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 295 trong thời gian vừa qua.
“Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nói chung và LĐN nói riêng, luôn là một trong những mục tiêu rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án cũng đang tồn tại những hạn chế và khó khăn, đó là vấn đề buộc Trung ương Hội LHPN và Bộ LĐ-TB&XH cũng như các ngành, các địa phương phải trăn trở để có lời giải đáp và tìm ra biện pháp tháo gỡ, khắc phục một cách tích cực”. Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí nhấn mạnh.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn tại các địa phương, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Giai đoạn 2010 đến tháng 6/2015, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về chính sách học nghề, việc làm cho trên 160 ngàn LĐN; tư vấn học nghề và việc làm cho 59.260 LĐN, đã có 46.786 người được đào tạo nghề thông qua các cấp Hội, trong đó Trung tâm dạy nghề 20-10 của Hội trực tiếp đào tạo 15.013 người. Tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên sau đào tạo là 82%. Đề án góp phần giúp cho người lao động có nhận thức đúng về vấn đề học tập với giải quyết việc làm, từng bước thích nghi với sự vận động của cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trước sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động cũng như sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên vẫn đang đối mặt với những thách thức, như việc đào tạo NLĐ có trình độ tay nghề cao còn khó khăn do trang thiết bị dạy và học còn thiếu, chương trình đào tạo còn chậm đổi mới; việc bảo quản sản phẩm sau đào tạo còn nhiều khó khăn, nhất là bảo quản nông sản; thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện cho 142 hội viên, phụ nữ thôn Đắk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, bà I Mối, Chi hội phụ nữ chia sẻ: Từ thực tế việc làm của Chi hội, cho thấy tham gia học nghề đã giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, nhiều người đã biết vận dụng kỹ thuật tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, biết làm chuồng trại nhốt gia súc, không con tình trạng thả rông như trước đây, biết tận dụng các nguồn phân chuồng để chăm bón cho cây trồng đạt năng suất cao, đời sống người dân cũng dần được nâng cao. Bà I Mối trăn trở, mặc dù vậy, nhưng trong thôn vẫn còn một số hộ nhận thức về nghề còn hạn chế, số hội viên, phụ nữ và người dân tham gia học nghề nhưng chưa có việc làm, nhất là nghề may và sửa xe máy, nguyên nhân do thời gian đào tạo còn ngắn nên họ chỉ tiếp thu về lý thuyết, ít được thực hành nên phần lớn chưa tạo được việc làm với nghề đã được học. Mong muốn Hội cấp trên quan tâm nhiều hơn nữa cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về hoạt động tuyên truyền, tập huấn dạy nghề cho phụ nữ thôn Đắk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh nói riêng và phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí tặng hoa và chúc mừng chị em phụ nữ nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, với tất cả sự nỗ lực, sáng tạo trong triển khai, 5 năm qua Hội LHPN các cấp đã tổ chức dạy nghề cho trên 1 triệu LĐN, góp phần vào kết quả 1,2 triệu phụ nữ trên toàn quốc được học nghề. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án, như: Tỷ lệ lao động nữ tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề đạt 25,5% tuy có tăng so với các năm trước, song chưa đạt chỉ tiêu chung 40% của mục tiêu Đề án. Chưa có cơ chế hỗ trợ tăng cường năng lực cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề của các đoàn thể của tỉnh, trong đó có cơ sở dạy nghề thuộc Hội LHPN tỉnh. Việc tổ chức học nghề cho LĐN ở địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa hình trắc trở, phân bố dân cư thưa thớt và trình độ còn thấp. Do đó, cần phải có những chính sách đặc thù dành riêng cho những khu vực khó khăn.
Qua Đề án 295, các bài học kinh nghiệm trong triển khai được rút ra, đó là công tác tuyên truyền vận động phải đặc biệt chú trọng, giúp cho phụ nữ hiểu rõ và thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề. Hơn nữa, đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu của người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động của từng địa phương, vùng, miền; gắn với giữ gìn phát huy truyền thống. Đào tạo nghề phải được kết hợp với các hoạt động tạo việc làm sau học nghề, người lao động được duy trì làm nghề, có thu nhập ổn định. Cần phát huy tinh thần sáng tạo, vận động nguồn lực tổ chức thực hiện xây dựng mô hình kinh tế hợp tác của phụ nữ, vì phụ nữ.
Trong xu thế nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015 và Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Nguyễn Thị Thanh Hòa có những tâm tư, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo sẽ có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cao và cơ hội dịch chuyển lớn về tỷ trọng lao động qua đào tạo. Khi ấy lao động Việt Nam nói chung, LĐN nói riêng thiếu hoặc không có kỹ năng nghề nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn trong tìm kiếm việc làm; đồng thời, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn cũng đòi hỏi lực lượng LĐN trong khu vực nông thôn có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Trước những yêu cầu đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về dạy nghề, việc làm cho phụ nữ, vận động phụ tích tích cực học nghề, tăng nhanh tỷ lệ LĐN được đào tạo trung cấp và cao đẳng nghề. Đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức dạy nghề, phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo có địa chỉ việc làm cho NLĐ sau học nghề; tiếp tục tổ chức dạy nghề lưu động tại cơ sở để phù hợp với LNĐ độ tuổi trung niên tham gia học nghề.
Tại Hội nghị, 50 tập thể và 9 cá nhân đã được trao bằng khen của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”.