Nghỉ việc để ở nhà chăm sóc bố mẹ già
Bà Trương năm nay 68 tuổi chỉ có một đứa con trai tên là Tiểu Lý (đã đổi tên), vốn có công việc rất tốt ở Thượng Hải, Trung Quốc. Sáu năm trước, bà Trương bị bệnh nặng nên con trai bà đã phải nghỉ phép gần hai tháng để chăm sóc bà.
Sau khi bà khỏi bệnh, anh Tiểu Lý đã quay lại công ty làm việc nhưng sau đó lại từ chức và ở nhà chăm sóc bố mẹ “toàn thời gian”.
Bà Trương chia sẻ: "Tôi đã phản đối rất gay gắt việc con trai từ chức vì công việc của con khi ấy chính là niềm tự hào của tôi. Nhưng vì áp lực công việc của con quá lớn và chi phí sinh hoạt ở Thượng Hải cũng rất cao nên tôi đã đồng ý với quyết định của con”.
Một thời gian sau khi từ chức, anh Tiểu Lý cũng tích cực tìm việc làm tại nhà, nhưng do không có ưu thế trong thị trường lao động nên anh không thể tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành của mình.
Sau hai năm, niềm đam mê tìm việc của anh đã dần phai nhạt, giờ đây anh đã trở thành một “cậu con trai toàn thời gian” vô cùng tận tâm với công việc mới này.

Mỗi buổi sáng, anh sẽ làm bữa sáng cho bố mẹ rồi dọn dẹp nhà cửa, sau khi dọn dẹp xong sẽ là thời gian chuẩn bị bữa trưa và bữa tối. Ngoài ra, Tiểu Lý cũng có thời gian của riêng mình để chơi chứng khoán, tập thể dục, đọc sách hay đi dạo cùng bố mẹ vào mỗi tối.
Tổng lương hưu của bà Trương và chồng là khoảng 11.000 nhân dân tệ (gần 40 triệu đồng) mỗi tháng và họ sẽ chu cấp cho Tiểu Lý 5.500 nhân dân tệ (gần 20 triệu đồng). Vì sống ở nhà bố mẹ nên anh không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng ngày, sau khi đóng bảo hiểm xã hội thì anh còn có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Anh chia sẻ: “Khi còn làm việc ở Thượng Hải, một tháng tôi kiếm được 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng) nhưng kiếm được bao nhiêu thì lại tiêu hết bấy nhiêu. Hiện giờ nhu cầu tiêu dùng của tôi đã giảm bớt nên tôi đã có khoản tiền tiết kiệm của riêng mình.”
Tại sao ngày càng nhiều người ở nhà chăm bố mẹ thay vì đi làm?
Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa ra đánh giá giữa việc “chăm sóc bố mẹ toàn thời gian” và “ăn bám bố mẹ”. Ăn bám có nghĩa là người con chỉ ở nhà mà không làm gì cả, phải dựa vào cha mẹ để tự nuôi sống mình. Còn những người chăm sóc bố mẹ “toàn thời gian” thì coi việc chăm sóc bố mẹ và làm việc nhà là nghề nghiệp của mình.
Cũng giống như một số bà nội trợ “toàn thời gian” nghỉ việc để lo toan cho gia đình và chăm sóc con cái, dù không phải là công việc chính thức nhưng họ vẫn đang đóng góp không nhỏ cho gia đình và giúp tiết kiệm chi phí thuê người giúp việc.
Trong con mắt của nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh, áp lực công việc hiện nay đối với những người trẻ khi mới bước vào xã hội ngày càng gia tăng. Ngược lại, làm việc toàn thời gian ở nhà sẽ thú vị hơn nhiều so với việc phải “đi sớm về muộn” ở nơi công sở.

Ngoài ra, làm việc tại nhà có thể sẽ kiếm được nhiều tiền và gặp ít rắc rối hơn, vừa không phải tốn chi phí sinh hoạt hàng ngày, đồng thời họ còn có thể tiết kiệm được phí thuê bảo mẫu để chăm sóc bố mẹ.
Lựa chọn chăm sóc toàn thời gian, dễ hiểu nhưng cần cảnh giác
Liên quan đến vấn đề này, cố vấn tâm lý Tôn Viên Viên cho rằng việc các bạn trẻ lựa chọn trở thành “người chăm sóc bố mẹ toàn thời gian” là một lựa chọn hết sức dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong mắt người ngoài thì những người làm công việc này rất nhàn hạ, có thể sống thoải mái ở nhà nhưng sự thật thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được.
Những người con chung sống với cha mẹ về lâu dài có thể sẽ nảy sinh mâu thuẫn bởi tư tưởng và thói quen sinh hoạt của hai thế hệ là khác nhau. Ngoài ra, những gia đình có con cái ở nhà làm việc cũng có thể phải chịu đựng ánh mắt coi thường từ chính những người thân của họ.
Đối với xu hướng ở nhà chăm bố mẹ của giới trẻ, điều chúng ta thực sự cần lưu ý là không nên chỉ nhìn vào mặt tích cực mà bỏ qua các yếu tố ẩn chứa sau nó như khác biệt về quan niệm sống giữa bố mẹ và con cái hay áp lực từ xã hội đối với giới trẻ...
Miên Miên