Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vừa ngủ dậy đã bị liệt nửa người

Bệnh nhân nữ tỉnh dậy không nói được nhưng người nhà không biết, 30 phút sau chồng bệnh nhân mới phát hiện vợ không kiểm soát được tiểu tiện.

 

Ngày 3/2, BS Nguyễn Bá Thắng, khoa Hồi sức cấp cứu nội, BV Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, trong những ngày Tết, BV tiếp nhận 2 bệnh nhân bị đột quỵ não, tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1, khi nhập viện đã bị liệt nửa người.

Trong đó trường hợp bệnh nhân Tạ Thị H. (55 tuổi, ở Hà Nội) chuyển vào cấp cứu lúc 10h30 sáng mùng 4 Tết (31/1) trong tình trạng hôn mê, điểm glasgow còn 10 điểm, thang đột quỵ NIHSS lên tới 22 điểm, liệt nửa người.

 

Vừa ngủ dậy đã bị liệt nửa ngườiBệnh nhân đang dần hồi phục sau khi được lấy hết huyết khối.

 

Kết quả chụp mạch não cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 bên trái.

Chạy đua với thời gian, kíp tiêu sợi huyết của BS Thắng kết hợp với kíp lấy huyết khối của TS Phạm Hồng Đức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh đã phẫu thuật, lấy được hoàn toàn huyết khối ra ngoài.

Sau 1 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, hết liệt, nói được và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nội.

 

Vừa ngủ dậy đã bị liệt nửa ngườiHuyết khối được lấy ra từ mạch não bệnh nhân.

 

Chồng bệnh nhân cho biết, 7h sáng cùng ngày khi ngủ dậy thấy bà H. không nói được nhưng người nhà không phát hiện ra. Khoảng 30 phút sau, chồng bệnh nhân thấy vợ tiểu tiện không tự chủ mới vội vã gọi cấp cứu 115.

BS Thắng cho biết, bệnh nhân có tiền sử bị hẹp hở van 2 lá, huyết áp cao nên dễ gây cục máu đông làm tắc mạch.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Dương Văn H. (75 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ), chuyển vào Xanh Pôn cấp cứu vào tối 23/1 trong tình trạng liệt nửa người, nói ngọng từ trước đó 4 tiếng nhưng gia đình không biết.

Khi chụp dựng hình mạch não, phần động mạch não giữa đoạn M1 đã bị tắc hoàn toàn. Do chuyển viện muộn nên bệnh nhân không sử dụng được tiêu sợi huyết, các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật lấy huyết khối.

 

Vừa ngủ dậy đã bị liệt nửa ngườiBệnh nhân 75 tuổi khoẻ mạnh trước ngày xuất viện.

 

Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, hết liệt, đi lại được bình thường, nói được, xuất viện vào ngày mùng 5 Tết.

BS Thắng khuyến cáo, với các ca đột quỵ não, thời gian điều trị lý tưởng nhất là trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát. Người dân cần nắm rõ những dấu hiệu đột quỵ để đưa người thân cấp kíp kịp thời, hạn chế tử vong, tăng tỉ lệ hồi phục.

“Khi thấy người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đột ngột nói khó hoặc không nói được, méo miệng hoặc đột ngột mất hoặc giảm thị lực thì cần nghĩ ngay đến đột quỵ”, BS Thắng khuyến cáo.

Hiện mỗi ngày Việt Nam có khoảng 3.300 người bị đột quỵ não, thường gặp ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, hút thuốc lá...