Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút FDI

(Dân sinh) - Nhận định tại buổi họp báo, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, bức tranh chung của kinh tế Việt Nam là “mặt trời vẫn đang chiếu sáng”, chứ không phải đang trong "cơn bão tăm tối". Triển vọng trong trung hạn vẫn tích cực dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm.

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ấn bản tháng 10/2019, với tiêu đề "Thích ứng rủi ro".

Theo báo cáo này, Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ 6,3% năm 2018 xuống còn 5,8% năm 2019; 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021, do tăng trưởng xuất khẩu, các hoạt động chế tạo, chế biến giảm đồng loạt.

Báo cáo nêu rõ, căng thẳng thương mại tăng lên gây nguy cơ dài hạn cho tăng trưởng trong khu vực. Mặc dù một số nước trước đây hy vọng được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại của trật tự thương mại toàn cầu, nhưng sự thiếu linh hoạt trong các chuỗi giá trị toàn cầu là yếu tố hạn chế sự vươn lên của các quốc gia tại khu vực trong ngắn hạn.

Ông Andrew Mason, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận định, mặc dù các doanh nghiệp đang tìm cách né thuế quan, nhưng các quốc gia đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc ở các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngắn hạn do hạ tầng còn hạn chế và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ.

Cũng theo ông Mason, trong bối cảnh này, các nền kinh tế cần phải hội nhập sâu sắc hơn, tập trung vào các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - tập hợp các quốc gia ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cùng với đó là các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, nhằm giúp tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia Ngân hàng thế giới cũng nhất trí cho rằng, trong trung hạn và dài hạn, những cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thương mại và đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, là điều kiện cần để nâng cao năng suất và tăng trưởng.

Với những diễn biến tích cực như vậy trong thời gian qua, WB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế của Việt Nam như kỳ dự báo trước.

Tăng tưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019 (do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn) và giảm còn khoảng 6,5% năm 2020, 2021.

Đây là tốc độ được coi là bền vững, phù hợp với mức sản lượng tiềm năng của Việt Nam.

Trong kỳ dự báo này, lạm phát dự kiến vẫn thấp hơn chỉ tiêu 4% của Chính phủ, ở mức 3% năm 2019 và 3,5% cho các năm 2020, 2021. Nợ công được WB dự báo có xu hướng giảm dần, ở ngưỡng 54,6% năm 2019 và gảm còn 53,6% năm 2020 và 52,7% năm 2021.

Bội chi ngân sách cũng được dự báo sẽ giảm đến 2021, nhờ các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa tiếp tục được duy trì. Theo đó, cân đối ngân sách cơ bản (%GDP, GFS) giảm dần, ở mức -2,3% năm 2019, giảm còn -2,1% năm 2020 và -1,9% năm 2021.

Nhận định về triển vọng của kinh tế Việt Nam, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, bức tranh chung của kinh tế Việt Nam là "mặt trời vẫn đang chiếu sáng", chứ không phải đang trong "cơn bão tăm tối".

Đồng thời, ông đánh giá cao về xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố và cho rằng, đó là một tin rất tốt khi Việt Nam đã tăng xếp hạng của mình lên 10 bậc.

"Rõ ràng, Việt Nam đã liên tục cải thiện vị thế cạnh tranh của mình, không phải chỉ là xếp hạng. Thứ hạng này chứng tỏ những chính sách cải cách của Việt Nam được thực hiện nhanh hơn ở các quốc gia khác" - ông Jacques Morisset khẳng định.

Các chuyên gia Ngân hàng thế giới nhận định, tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại.

Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2019, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.