Với vai trò là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, sự hiện diện của báo chí và truyền thông trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của Quốc hội và HĐND các các cấp.
Phản ánh sinh động, kịp thời “hơi thở” của nghị trường
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu:
Báo chí và Quốc hội có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Báo chí là cầu nối quan trọng, chuyển tải thông tin Quốc hội tới người dân và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý chí của người dân tới Quốc hội.
Thời gian qua, báo chí phản ánh rất sinh động, kịp thời hơi thở của nghị trường đến với người dân, kịp thời phản ánh các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia cũng như công tác đối nội, đối ngoại của Quốc hội.
Những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tinh thần trách nhiệm, sự công khai, minh bạch và dân chủ trong từng nội dung thảo luận, những trăn trở, cân nhắc, thấu đáo từ phía xã hội của mỗi quyết định trên nghị trường đều được các cơ quan báo chí truyền kịp thời, đầy đủ tới cử tri và nhân dân cả nước.
Các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về Quốc hội đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền các hoạt động, các nội dung được truyền tải bằng nhiều hình thức sinh động, thông tin rất nhanh chóng, kịp thời, có nhiều bài phân tích rất chuyên sâu về những chính sách mà Quốc hội thảo luận, xem xét, từ đó giúp cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn, ủng hộ và đồng thuận để đưa các quyết sách của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ở chiều ngược lại, các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tạo diễn đàn để người dân tham gia vào quy trình hoạch định chính sách của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước nên trong tất cả các hoạt động của mình, Quốc hội đều hết sức chú trọng đến việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Lãnh đạo Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, lắng nghe thực tiễn cuộc sống ngay từ quá trình các cơ quan của Quốc hội cũng như Quốc hội bàn thảo các dự án luật. Bởi nếu không bám sát thực tiễn thì sau khi ban hành luật cũng khó đi vào cuộc sống.
Chính vì thế, việc báo chí tích cực truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội là một trong những kênh thông tin rất quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chắt lọc, đánh giá các đề xuất và có phản ánh đúng, trúng những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống cũng như ý nguyện của nhân dân.
Tất nhiên, không phải mọi ý kiến của người dân đều có thể được tiếp thu hết, vì có những vấn đề mới phát sinh còn phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trước khi luật hóa nhưng về cơ bản, những ý kiến của người dân qua kênh báo chí và các kênh thông tin khác đều được Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo của Quốc hội nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu cũng như giải trình làm rõ.
Báo chí tác động rất lớn đến xây dựng chính sách của Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu:
Là kênh thông tin vô cùng quan trọng và rất hiệu quả để chuyển tải tới người dân và đông đảo cử tri về những hoạt động và nội dung những quyết sách của Quốc hội nên điều dễ thấy là trong các kỳ họp Quốc hội, người dân luôn chờ tin tức trên báo chí và truyền hình.
Về phía các đại biểu Quốc hội thì báo chí cũng là một kênh thông tin không thể thiếu. Bởi công việc của mỗi đại biểu Quốc hội ngoài việc tiếp xúc cử tri và tiến hành các hoạt động giám sát, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn bầu cử của mình thì còn nhiệm vụ rất quan trọng là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng như những vấn đề thời sự, vấn đề nóng của cuộc sống.
Thông qua báo chí và từ báo chí, đại biểu Quốc hội có được rất nhiều thông tin, từ đó sẽ có những ý kiến, sáng kiến để tham gia thảo luận cũng như đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương giải quyết những vấn đề của đời sống.
Chẳng hạn, vấn đề thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã quá lạc hậu so với mức sống và thu nhập của người dân đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này thì trước đó, đã có rất nhiều bài báo viết về vấn đề này.
Nhờ tổng hợp thông tin trên báo chí và kiến nghị của cử tri nên có rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra vấn đề này trong các cuộc thảo luận tại hội trường, tại tổ.
Hay như vấn đề công chức, viên chức bỏ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và nạn “chảy máu” chất xám trong ngành y tế và ngành giáo dục, sau khi báo chí phản ánh, Quốc hội cũng đã xem xét đến việc cân nhắc trong đợt cải cách tiền lương tới, lương của giáo viên cũng sẽ được xếp ở thang bảng lương cao nhất trong ngạch viên chức. Điều đó cho thấy báo chí đã tác động rất lớn đến quá trình xây dựng chính sách của Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, qua theo dõi báo chí viết về mảng nghị trường, tôi thấy còn một vài điểm cần rút kinh nghiệm. Báo chí có vai trò định hướng dư luận rất rõ ràng, nhưng đôi khi nhà báo vì muốn bài viết của mình gây ấn tượng nên giật tít chưa đúng với ý kiến của đại biểu.
Bởi trong quá trình thảo luận, người ta phải lắng nghe trọn vẹn mới có thể xác định được ý kiến đó của đại biểu muốn nói về vấn đề gì và quan điểm của đại biểu ra sao.
Còn nếu chúng ta chỉ trích dẫn một hai câu thôi thì có những trường hợp sẽ không chính xác ý kiến khiến dư luận hiểu sai. Dù chỉ là cá biệt nhưng hy vọng, những hạn chế đó sẽ được khắc phục để báo chí làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước.
Báo chí buộc Quốc hội phải xem lại quyết định của mình đã đúng và phù hợp thực tiễn chưa
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu:
Báo chí thời gian qua đã đồng hành rất sâu với Quốc hội, thể hiện trên 3 phương diện: Thứ nhất là kịp thời đưa tin về các hoạt động của Quốc hội như kỳ họp Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội, triển khai các nghị quyết, đạo luật của Quốc hội.
Thứ hai là cùng với các cơ quan chứ năng khác, báo chí tham gia vào quá trình tuyên truyền phổ biến pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội cũng như quá trình vận hành chủ trương, chính sách thể hiện trong các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, vận động tầng lớp nhân dân thưc hiện các quyết sách của Quốc hội.
Thứ ba là sự tham gia của báo chí vào quá trình phản hồi ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đến Quốc hội. Đây là kênh tương tác rất quan trọng giúp cho nội dung bàn luận của Quốc hội trong các kỳ họp sinh động hơn.
Có thể nói, quan hệ giữa báo chí và Quốc hội là mối quan hệ giữa một bên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân và một bên thực hiện sứ mệnh đưa tin những sự kiện trong xã hội để tương tác với nhau, góp phần làm nên thành quả hoạt động của Quốc hội, phản ánh được chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Đặc biệt, trong mối quan hệ tương tác giữa báo chí và Quốc hội, có một phương diện rất quan trọng là báo chí phản ánh đời sống hiện thực của đồng bào, nhân dân, cử tri cả nước, từ đó, trở thành kênh thông tin quan trọng tác động đến hoạt động của Quốc hội.
Thông tin báo chí thể hiện ở hai mặt: Báo chí phản ánh những tác động tích cực của chính sách làm cho mọi mặt của đời sống phát triển và ngược lại cũng phản ánh những mặt trái của chính sách. Đó là những quy định trong các đạo luật có sức sống hay không, có phù hợp không và có phải sửa đổi, bổ sung không.
Thực tiễn của đời sống qua lăng kính phản ánh của báo chí đặt ra vấn đề phải có những quy định mới, thậm chí ban hành các đạo luật mới. Và như vậy, báo chí buộc Quốc hội phải xem lại quyết định lập pháp, quy định trong các đạo luật hay hoạt động giám sát là đúng và phù hợp với thực tiễn chưa.
Vấn đề đặt ra là làm sao để phát huy vai trò, chức năng của báo chí cách mạng nói chung và hoạt động của báo chí tại nghị trường nói riêng. Thời gian gần đây, nhìn chung việc tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cơ bản thuận lợi.
Chỉ ở đâu đó, một số trường hợp cá biệt mới có hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của báo chí.
Luật Báo chí cơ bản đã quy định đầy đủ, nhưng theo tôi cần có tổng kết và tham gia của các cơ quan để nếu cần có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định về quyền tác nghiệp của báo chí trong luật và các đạo luật có liên quan. Cần có sự đồng bộ về mặt luật pháp để đảm bảo quyền tác nghiệp và đưa tin trung thực, khách quan, kịp thời của báo chí.
Thái An
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6