Tâm lý sính bằng cấp vẫn còn nặng nề
Hàng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 rất lớn nhưng không phải ai cũng đủ năng lực thi đầu vào lớp 10. Tại Hà Nội, năm học 2024 - 2025 toàn thành phố có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 em.
Dự kiến, 81.200 học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập (chiếm hơn 60%), 29.100 em học tư thục (21,5%), còn lại vào trung tâm giáo dục từ xa và các trường nghề. Với chỉ tiêu trên, số học sinh đi học nghề và học tại các trung tâm giáo dục từ xa rất lớn.
Thực tế, tâm lý “thích con làm thầy, không làm thợ” của phụ huynh vẫn còn khá phổ biến. Đa số cha mẹ muốn con theo học các trường THPT (công lập và dân lập), sau đó là đại học, cao đẳng để được “bằng bạn, bằng bè”, có được tấm bằng để vào đời, cho dù tấm bằng đại học đó có phù hợp với khả năng, nguyện vọng hay ra trường có xin được việc không.
Nhiều người quan niệm có bằng đại học còn thất nghiệp huống hồ là bằng trung cấp. Vì vậy, họ không mặn mà với hệ 9+ và cho rằng “chuột chạy cùng sào mới vào 9+”, chỉ thi trượt trường công lập, năng lực học yếu thì mới theo học nghề, coi đây chỉ là phương án “không còn đường lui”.
Theo các chuyên gia giáo dục, văn hóa khoa bảng, bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức bởi người phương Đông rất xem trọng dư luận, địa vị xã hội, coi bằng đại học là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Mọi phụ huynh đều mong muốn con có tấm bằng đại học, thậm chí muốn có bằng cấp cao hơn; không muốn người thân vào học các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đây là quan điểm không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Chị Nguyễn Thị Nga, phụ huynh em Trần Văn Tuấn (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Năm học 2022 - 2023, con trai tôi tốt nghiệp THCS nhưng do học lực trung bình nên không thể thi đậu vào trường cấp 3 công lập. Cô giáo chủ nhiệm đã tư vấn hướng nghiệp nhưng gia đình tôi vẫn kiên quyết không cho con theo học hệ 9+ mà xin bằng được vào một trường dân lập.
Cả gia đình cho rằng phải có bằng đại học mới có cơ hội phát triển sau này. Sau 1 năm theo học lớp 10, sức học của con ngày càng yếu vì con vốn không mặn mà với học văn hóa. Gia đình tôi đang cân nhắc chuyển cháu sang học hệ 9+ cho phù hợp với năng lực và nguyện vọng, dù biết làm như vậy đã lãng phí mất 1 năm”.
Học hết lớp 9 Trường THCS Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm học 2022 - 2023, dù học lực trung bình, được nhà trường định hướng không nên dự thi vào lớp 10 mà theo học hệ 9+, em Nguyễn Văn Nam vẫn chọn cách tiếp tục ôn tập để năm nay thi lần thứ hai.
Ông Nguyễn Văn Hùng, bố của Nam cho biết: “Biết học lực con hơi yếu, năm ngoái thi vào lớp 10 Trường THPT Quang Trung không đỗ, gia đình cho con nghỉ ở nhà 1 năm để ôn tập, củng cố kiến thức cho năm nay thi. Tôi nghĩ, môi trường học nghề 9+ toàn học sinh lười, yếu kém và hư. Hơn nữa, tuổi con còn nhỏ, học nghề chưa phù hợp”.
Quan điểm của gia đình ông Hùng cũng là suy nghĩ chung của nhiều phụ huynh có con tốt nghiệp THCS. Chính tâm lý của cha mẹ muốn con phải có bằng tốt nghiệp THPT để bằng bạn bằng bè nên hầu hết các con không được quyền lựa chọn học ngành nghề mình yêu thích.
Em Vũ Thị Tuyến, học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Sáng Chủ nhật ngày 12/5/2024, trường em đã tổ chức cho học sinh cuối cấp tham gia “Ngày hội gắn GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2024”.
Được nghe giới thiệu về mô hình đào tạo 9+ của một số trường cao đẳng tại Hà Nội, em mới biết học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp có thể vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Sau 3 năm học, chúng em vừa được cấp bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề; sau đó, nếu muốn vẫn có thể thi đại học hoặc học liên thông lên cao đẳng trong thời gian 18 tháng.
Dù em rất muốn theo học ngành làm đẹp của Trường Cao đẳng Hà Nội, ra trường có việc làm ngay nhưng bố mẹ vẫn định hướng thi tuyển vào lớp 10 với hy vọng em sẽ đỗ vào trường cấp 3 công lập”.
Anh Vũ Văn Hải có con đang học lớp 9 Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm: “Do xã hội không trọng người học nghề, tôi cảm thấy xấu hổ nếu con phải đi học nghề. Gia đình tôi chưa muốn lựa chọn hệ 9+ vì cảm thấy chưa thật sự yên tâm”.
Tư vấn và phân luồng học nghề còn nhiều bất cập
Lý giải nguyên nhân nhiều phụ huynh, học sinh không mặn mà theo học hệ 9+, TS Nguyễn Tùng Lâm, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục cho rằng, phụ huynh và học sinh chưa thích hệ 9+ là do công tác phân luồng sau THCS còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác tuyên truyền và tư vấn tuyển sinh.
Các thông tin tích cực, những ưu điểm của mô hình 9+ vẫn chưa tiếp cận được với đa số phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, các trường THCS lại thiếu người làm công tác hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp dẫn tới nhiều người còn chưa hiểu về hệ 9+ hoặc chưa đủ thông tin để đưa ra quyết định lựa chọn học văn hóa hay học nghề.
Còn theo ông Trần Thành Nam, chuyên gia hướng nghiệp (Trường Đại học Giáo dục), GDNN làm chưa tốt việc dạy nghề đi kèm với dạy người và học văn hóa. Ngoài ra, chất lượng đào tạo còn có những hạn chế do thiếu đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy hiện đại. Nhiều người không cho con đi học nghề cũng vì điều này.
“Nhiều phụ huynh lo lắng liệu con học nghề xong có công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân không, lo trường nghề không chú trọng đào tạo phẩm chất, trình độ văn hóa.
Thực tế, trong khi nhiều thạc sĩ, cử nhân không xin được việc thì có những người lành nghề thu nhập còn cao hơn cả cử nhân, thạc sĩ. Nhưng do nhận thức của cộng đồng chưa đúng, tuyên truyền chưa tốt nên nhiều người còn lạnh nhạt với mô hình 9+”, ông Trần Thành Nam nói.
Thời gian qua, cơ sở GDNN phối hợp với trường THCS đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh lớp 9 từ khá sớm nhằm giúp các em nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin để có cơ sở lựa chọn vào học hệ 9+.
Tuy nhiên, các sự kiện này chưa thật sự hiệu quả, vẫn nặng tính hình thức, đặc biệt là thiếu đội ngũ tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, đủ sức giải đáp mọi thắc mắc, gạt bỏ các nghi ngại của phụ huynh và học sinh.
Thêm vào đó, nhiều địa phương còn quá tập trung đầu tư cho học sinh vào học THPT, đại học cũng vô tình tạo rào cản cho công tác phân luồng sau THCS.
Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành LĐ-TB&XH, các ban, ngành và đơn vị sử dụng lao động ở các địa phương trong việc tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, hướng dẫn lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng, nguyện vọng của người học cũng chưa hiệu quả, chưa có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp tuyển dụng người học tốt nghiệp trình độ trung cấp có đầu vào THCS làm việc tại doanh nghiệp.
Kỳ III: Để mô hình đào tạo hệ 9+ trở thành xu hướng.
Thùy Hương
Báo Lao động Xã hội số 59