Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Trần Thị Thanh Thúy và kỷ lục xuất ngoại

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau khi chia tay giải Thổ Nhĩ Kỳ, tay đập bóng chuyền số 1 Việt Nam Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục thử sức ở môi trường nước ngoài và lần này là Indonesia.

Lần thứ 6 xuất ngoại

Sau khi kết thúc hợp đồng với Câu lạc bộ (CLB) PFU Blue Cats (Nhật Bản), Thanh Thúy đầu quân cho CLB Kuzeyboru tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyển thủ Việt Nam được đăng ký trong danh sách 14 cầu thủ chính thức thi đấu ở giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy trong tháng 11/2024, hai bên đã quyết định nói lời chia tay nhau do Thanh Thúy gặp chấn thương. Đây là điều đáng tiếc bởi nếu tiếp tục ở lại, Thanh Thúy sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân.

Trần Thị Thanh Thúy và kỷ lục xuất ngoại - 1
Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục xuất ngoại.

Sau khi chia tay CLB Thổ Nhĩ Kỳ Kuzeyboru, Trần Thị Thanh Thúy đã tiếp tục xuất ngoại. Bến đỗ tiếp theo là đội bóng chuyền Gresik Petrokimia Pupuk của giải vô địch bóng chuyền nữ Indonesia (Proliga). Ở CLB mới, Thanh Thúy mặc áo số 3 quen thuộc. Đây là lần thứ 6 Thanh Thúy xuất ngoại, trở thành vận động viên (VĐV) Việt Nam thi đấu cho nhiều đội bóng nước ngoài nhất.

Đội VTV Bình Điền Long An khẳng định, công ty cũng như đội bóng luôn tạo điều kiện để nữ chủ công có cơ hội thi đấu ở nước ngoài, qua đó phát triển hơn nữa kỹ năng chuyên môn. Tại Gresik Petrokimia Pupuk, Thanh Thúy sẽ là VĐV lớn tuổi nhất đội, cùng với libero Ayu Salsabila.

Còn lại là lực lượng cầu thủ trẻ, hầu hết sinh từ năm 2000 trở đi. Gresik Petrokimia Pupuk được thành lập năm 2002, có trụ sở tại Gresik, Đông Java và là thành viên của Liên đoàn bóng chuyền Indonesia (PBVSI).

Tại giải Proliga, Gresik Petrokimia Pupuk đã giành vị trí Á quân 6 lần, nhiều nhất trong số CLB bóng chuyền nữ. Với việc chuyển tới giải đấu của Indonesia, Thanh Thúy gần như chắc chắn có suất thi đấu chính bởi cô thuộc top VĐV đẳng cấp nhất giải đấu.

Proliga 2025 sẽ diễn ra từ tháng 1 đến 5, gồm các CLB: Jakarta Electric PLN, Jakarta Popsivo Polwan, Jakarta Pertamina Enduro, Gresik Petrokimia Pupuk, Bandung Bank bjb Tandamata, Jakarta Livin Mandiri và Yogyakarta Falcons. CLB Gresik Petrokimia của Thanh Thúy sẽ gặp CLB Jakarta Pertamina Enduro ngày 5/1. Đó có thể là trận ra mắt của Trần Thị Thanh Thúy ở CLB xứ vạn đảo. 

Chạy đà cho World Cup

“Chúng tôi tạo điều kiện để Thanh Thúy tiếp tục được thi đấu ở nước ngoài giúp phát triển thêm chuyên môn. Hy vọng Thanh Thúy sẽ đạt phong độ tốt tại Indonesia. Hợp đồng của Thanh Thúy với đội bóng sẽ có thời hạn trước mắt là 1 mùa giải, tới tháng 5”, đại diện VTV Bình Điền Long An cho biết.

Proliga trả lương cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 5 tốt nhất tại châu Á. Được biết, các cầu thủ khi thi đấu ở giải này có thu nhập trung bình khoảng 135 triệu Rupiah (khoảng 213 triệu đồng/tháng).

Đây không phải số tiền lớn nhất mà tay đập quê Bình Dương từng nhận được khi xuất ngoại so với thời gian còn thi đấu ở Nhật Bản, Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, với khả năng và những dấu ấn đã thể hiện, Thanh Thúy chắc chắn sẽ nhận được mức đãi ngộ cao hơn nhiều lần so với bình quân của các tay đập đang thi đấu trong nước.

Thời gian qua, báo chí Indonesia rất quan tâm về vụ chuyển nhượng của Thanh Thúy. Với sự góp mặt của Thanh Thúy, CLB Gresik Petrokimia Pupuk được kỳ vọng cải thiện thành tích thi đấu. Ở mùa giải trước, Gresik Petrokimia Pupuk đứng thứ 6 trong 7 đội tham dự. 

Với việc gia nhập giải bóng chuyền nữ Indonesia, Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục là cầu thủ bóng chuyền nữ duy nhất của Việt Nam thi đấu tại nước ngoài thời điểm hiện tại. Năm 2025, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thi đấu quốc tế và Thanh Thúy là một trong những cầu thủ sẽ nằm trong kế hoạch chuyên môn của ban huấn luyện. 

Nếu thường xuyên thi đấu, Thanh Thúy sẽ có cơ hội đối đầu với các tay đập kỳ cựu, có trình độ chuyên môn cao, qua đó tích lũy kinh nghiệm về chuyên môn và bản lĩnh thi đấu cho bản thân. Điều này không chỉ giúp “4T” phát triển sự nghiệp mà còn giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hướng tới World Cup 2025 với sự chuẩn bị tốt nhất.

“Việc Thanh Thúy thi đấu ở nước ngoài giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu có thêm nhiều VĐV khác cũng xuất ngoại như Thanh Thúy thì chúng ta mới có cơ hội để phát triển”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết.

Mai Hương

Báo Lao động và Xã hội số 2