Hiệu quả từ mô hình "Tổ liên kết may gia công" ở Cần Thơ
VOV thông tin, nắm bắt được nhu cầu thực tế của phụ nữ tại địa phương mình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã chủ động đề xuất với Phòng đào tạo nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố mở lớp đào tạo may gia công để các chị em có được nghề ổn định.
Điển hình như chị Phan Ngọc Ánh, ở khu vực 6, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ngay từ khi tham gia lớp may gia công, chị đã hình thành ý tưởng ngành nghề kinh doanh shop quần áo, để thuận tiện chăm sóc con cái, vừa nhận hàng may tại nhà. Đặc biệt, kết hợp với việc bán quần áo, khi học lớp may xong chị có thêm ý tưởng tạo kiểu mới điểm nhấn lạ theo yêu cầu của khách hàng.
Những năm tháng gian nan trước đây, chị Ánh phải chạy đôn chạy đáo với công việc nhưng thu nhập không ổn định sau khi tốt nghiệp ngành Trung cấp Kế toán. Chị đã đi làm qua 2 công ty nhưng công ty giải thể, chị lại mất việc làm. May mắn cho chị, gần đây sau khi được mẹ ruột giới thiệu tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và tham gia học lớp may gia công, chị có ý tưởng kinh doanh thêm shop quần áo và kèm nhận may gia công tại nhà, vừa có việc làm ổn định vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
"Trước mắt mình đi tìm nguồn hàng, coi đường nét may, mẫu mã là mình sẽ tạo được kiểu riêng. Em thấy mấy chị đa số làm công việc ở nhà, như may, làm bánh;... Chung một Hội và làm việc theo nhóm mình sẽ ra được nhiều ý tưởng mới hơn", chị Ánh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và là Tổ trưởng tổ may gia công của phường. Chi Nga cho biết, tổ liên kết may gia công đã triển khai được 2 năm và thu hút đông đảo chị em tham gia mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều chị em có nguồn thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Chị Nga cho biết thêm, để các chị có được nguồn hàng may mỗi ngày, đại diện tổ may gia công chủ động liên hệ đầu mối công ty để lãnh hàng giao cho các chị, với hình thức gia công theo sản phẩm.
"Các nguồn hàng thường lấy từ các nơi như: Bệnh viện (có nhu cầu may nón, áo blouse của bác sĩ), trường học (may đồng phục cho học sinh) và các khu du lịch trên địa bàn có nhu cầu may áo bà ba và hàng gia dụng như quai nón lá… để tặng cho khách du lịch nước ngoài", chị Nga cho biết.
"Chị em nào có nhu cầu may gia công hoặc may hàng xuất khẩu hay là may gia dụng thì tập hợp chị em thành khối rồi giới thiệu hàng lãnh đồ về may. Có một số người thích may quần áo em bé, thì mình giới thiệu cửa hàng lớn có đầu mối mạnh đi ra các tỉnh. Lớp may này học xong là có đầu ra liền. May gia công có nguồn thu nhập; thứ hai là mình trao dồi nghề, thứ ba là có đầu ra và thứ tư là mình thành lập được tổ chị em", chị Nga nói.
Thời gian qua, mô hình "Tổ liên kết may gia công" được triển khai ở 13 phường trên địa bàn quận Ninh Kiều, với tổng số trên 40 thành viên tham gia. Trong đó, Quận hội chọn phường Xuân Khánh để làm điểm thành lập tổ may liên kết may gia công. Bước đầu cho thấy, 2 tổ may ở phường này mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp chị em nhàn rỗi có việc làm ổn định, tăng thu nhập lo cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều cho biết: Tổ liên kết may gia công, chị em thực hiện khá hiệu quả, mặc dù chỉ mới triển khai được 2 năm nhưng mô hình này, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em tại địa phương. Đặc biệt, đối tượng phụ nữ nghèo làm chủ hộ, hạn chế được tình trạng các chị phải đi làm ăn xa. Chị Nga cho biết thêm, hướng sắp tới, về phía quận Hội sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tổ may gia công đến tất cả các phường còn lại.
"Trước đây, các chị khó khăn, vì không biết làm gì ngoài nội trợ, đưa rước con đi học... nên không có thêm thu nhập. Cũng nhờ có lớp may của Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận mở đã giúp cho các chị em có thêm thu nhập, tạo việc làm ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình", chị Nguyễn Thị Hồng Nga nói.
Nhằm giúp cho phụ nữ có công ăn việc làm và tăng thu nhập, ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã tập trung khai thác các nguồn vốn; ngoài vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội còn huy động các nguồn vốn tại chỗ như vốn heo đất, vốn tiết kiệm, vốn xoay vòng... để hỗ trợ kịp thời đến các chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, quận Hội còn phối hợp với các ngành, các cấp đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho lao động nữ tại cộng đồng, vừa phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương. Từ đó, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng sáng tạo để áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.
Mô hình trồng rau sạch an toàn trong nhà lưới ở Hậu Giang
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) là hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi với mô hình trồng hẹ. Được Hội tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã tận dụng hết các phần đất trống quanh nhà để trồng các loại rau xen canh như: hẹ, rau má, đậu đũa… theo quy trình đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là không sử dụng các chất hóa học độc hại trong sản xuất. Nguồn sản xuất này đã hỗ trợ chỉ thêm thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Chị Hiền là gương điển hình phụ nữ khu vực nông thôn thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia mô hình "Phụ nữ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang thực hiện có hiệu quả đề án 939 là Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, Hội đã Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã, các tổ chức tín dụng… tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thủ tục đăng ký thương hiệu, thành lập hợp tác xã; tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hậu Giang.
Qua đó, Hội kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã mà vai trò của phụ nữ là then chốt đã được kết nối đầu ra ổn định.
Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã thành công khi xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Mãng cầu Hậu Giang". Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa (huyện Long Mỹ) là một trong những đơn vị thụ hưởng.
Hiện Hợp tác xã có 24 xã viên là nữ. "Người dân và thành viên Hợp tác xã đã gắn bó với cây mãng cầu xiêm từ rất lâu. Chị em phụ nữ trong Hợp tác xã rất vui vì được chính thức sử dụng nhãn hiệu. Qua đây, chúng tôi cũng bán được nhiều sản phẩm, mang lại thu nhập thêm cho các thành viên Hợp tác xã", bà Phạm Thị Lượng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa chia sẻ.
Được biết, những thành viên trong Hợp tác xã có trồng mãng cầu xiêm 5 -10 năm tuổi có thể đạt từ 100 - 150kg/cây/năm. Bình quân mỗi năm 1ha mãng cầu xiêm cho thu nhập trên 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã làm cầu nối quan trọng để các Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Như (Phụng Hiệp) ký kết với Cơ sở Vinh Phú, quận Ninh Kiều (Cần Thơ); Cơ sở đan lục bình Nguyễn Thị Loan (Châu Thành) ký kết với Hợp tác xã Kim Hưng (Cái Răng - Cần Thơ); Hợp tác xã Thanh Tú, huyện Vị Thủy ký kết với Cty trách nhiệm hữu hạn Mây tre lá Thành Lộc (Tân Uyên - Bình Dương)…Việc kết nối đã giúp các cơ sở sản xuất của chị em phụ nữ tìm đầu ra ổn định và có thu nhập bền vững.