Với quy mô nền kinh tế cộng đồng đạo Hồi (Halal) toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm, trong đó có Việt Nam.
Nhiều tiềm năng để xuất khẩu
Theo hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt hơn 2.500 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên 4.900 tỷ USD vào năm 2031, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường Trung Đông có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal, đặc biệt là nông sản, nên rất có tiềm năng cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để tiếp tục mở rộng xuất khẩu nông, thủy sản, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... ngành nông nghiệp tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Hiện thế giới có khoảng 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu - thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
Theo ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông, thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, rau quả… cùng các sản phẩm đồ uống. Quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn.
Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc.
“Việc tập trung vào các sản phẩm đã có thế mạnh như gạo, cà phê, hạt tiêu và các loại trái cây nhiệt đới kết hợp với việc đẩy mạnh chứng nhận Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, ông Trương Xuân Trung nhấn mạnh.
Cần tuân thủ các tiêu chuẩn Halal
Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, tiềm năng, thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông, thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Theo ghi nhận của Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, đại đa số các doanh nghiệp có tiềm lực tốt trong hiệp hội như Vinamilk, Bibica, Cholimex… đều đã có chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo từ nhiều năm nay.
Trong đó, nổi bật là Vinamilk đã thành công chinh phục người tiêu dùng Trung Đông bằng những sản phẩm Halal chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của thị trường này.
Bắt đầu khai phá từ những năm 2000, đến nay Trung Đông đã trở thành thị trường chủ lực, đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu của Vinamilk với những dòng sản phẩm trọng tâm như sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc…
Là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm, Công ty CPV Food Bình Phước cho hay, thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, chỉ sau thủy sản.
Hiện CPV Food đã bán sản phẩm thịt gà Halal cho nhà hàng, khách sạn và khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam. “Khi đạt được chứng nhận Halal đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều này đồng nghĩa không có động vật bệnh, chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo”, ông Nguyễn Văn Cảm cho hay.
Để giúp doanh nghiệp xâm nhập thị trường Halal, Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia.
TS Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia đánh giá, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia là cột mốc quan trọng, cho thấy Việt Nam đã định vị mình là nguồn cung ứng thực phẩm Halal đáng tin cậy, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt.
Những yêu cầu với sản phẩm Halal như sự tinh khiết, các chuẩn mực đạo đức, ứng xử phù hợp với thiên nhiên là những yếu tố đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Những điều này mang cơ hội cho Việt Nam để lồng ghép các tiêu chuẩn Halal vào các sản phẩm của Việt Nam.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 128