Để con trẻ hình thành thói quen hiếu thảo thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là phụ huynh phải trở thành tấm gương cho con noi theo.
Câu chuyện gia đình bà Hai và tình cảm gia đình

Một hôm, con gái rủ tôi đi xem phim “Lật mặt 7: Một điều ước”. Bộ phim nói về tình cảm gia đình, giữa cha mẹ với con cái, giữa ông bà và các cháu.
Phải nói rằng, bộ phim rất xúc động, nhưng điều khiến tôi ấn tượng lại chính ở những lời bình phim của con gái tôi - một đứa trẻ 15 tuổi.
Con gái tôi bảo rằng, bà Hai trong phim bị “over thinking” (cả nghĩ). Một chi tiết rất nhỏ trong phim, khi người dâu trưởng gắp thức ăn cho mẹ chồng đã dùng kẹp gắp thức ăn riêng, vì muốn an toàn vệ sinh cho tất cả mọi người chứ không có ý chê bai mẹ chồng nhà quê, nhưng người mẹ lại nghĩ ngợi và ăn không còn ngon miệng nữa.
Đoạn cuối phim, khi chân đau đã khỏi, bà Hai thay vì ở nhà an dưỡng, nghỉ ngơi thì lại âm thầm bán nhà, bán đất, để lại sổ tiết kiệm cho các con ở chỗ bà hàng xóm, vì bà sợ làm phiền các con khi phải chia nhau về thăm mẹ mỗi tuần. Bà bỏ nhà vào Viện Dưỡng lão ở mà không cho bất cứ thành viên nào trong gia đình biết khiến con cháu tá hoảng đi tìm.
Con gái tôi nói, nếu là con, con sẽ không bao giờ làm thế. Bà Hai đâu phải sống một mình, bà đang sống cùng con gái và cháu gái. Nhà bà ở một trị trấn nhỏ xinh đẹp, thỉnh thoảng lại có vài vị khách thành phố đến trọ nên cuộc sống yên bình và không buồn tẻ, việc gì phải đi đâu. Nếu bà bệnh thì dùng tiền để trị bệnh, rồi mua sắm các tiện nghi trong gia đình để giảm bớt lao động tay chân. Nếu buồn thì qua hàng xóm chơi, bà có một bà hàng xóm rất tốt bụng. Buồn nữa muốn vào Viện Dưỡng lão cho có bạn có bè thì cứ đi nhưng nói với con cái một câu sao phải lặng lẽ bỏ nhà ra đi như thế!
Vâng, đó là cách nghĩ của một đứa trẻ mới 15 tuổi, không phải suy nghĩ của bà Hai trong phim, một người phụ nữ đã 73 tuổi, góa chồng sớm, một mình vất vả nuôi 5 đứa con nhỏ nên người, trong đó 4 người con ở xa, có người thành đạt, có người nghèo khó và ai cũng có những khó khăn đang phải đối mặt. Bà Hai không muốn làm phiền các con.
Người già hay cả nghĩ, mà con cháu nhiều khi vì quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền nên đã không dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc cha mẹ, ông bà khiến tình cảm gia đình cũng ít nhiều bị tác động.
Ở trong phim “Lật mặt 7: Một điều ước” không có ai xấu, từ sâu thẳm, ai cũng yêu thương và lo lắng cho người thân của mình. Tình cảm gia đình dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là điều cao đẹp và thiêng liêng nhất.
Ý nghĩa bộ phim đã có tác động không nhỏ tới những bạn trẻ như con gái tôi. Sau bộ phim ấy, tôi thấy con gái đỡ cãi bố mẹ hơn trước và chủ động chia sẻ về nhiều điều trong cuộc sống.
Quả thực là bao nhiêu lời giáo huấn có khi trẻ chẳng để tâm, nhưng chỉ một câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình có thể làm thay đổi phần nào nhận thức của trẻ.
Cha mẹ hiếu thuận với ông bà để làm gương cho trẻ

Làm cha mẹ, ai cũng mong mỏi con cái sẽ hiếu thuận với mình. Nhưng bạn không thể mong người khác đối xử tốt với mình nếu bạn không sống tốt với người khác. Để con cháu yêu thương, kính trọng cha mẹ thì bản thân cha mẹ phải là những tấm gương để con trẻ noi theo.
Trong cư xử hằng ngày với ông bà, cô, dì, chú, bác, người làm cha làm mẹ cũng cần tuân theo những lễ nghĩa, phép tắc tối thiểu, biết kính trên nhường dưới, biết quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ khi người thân gặp khó khăn.
Trong cư xử với con cái, cha mẹ cần học cách lắng nghe và tôn trọng con, đối xử bình đẳng với các con, không nên áp đặt, chuyên quyền, thiên vị.
Xã hội Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn trọng chữ hiếu, chữ tình, trẻ em ngay từ bé cần được giáo dục phải biết kính trọng ông bà, cha mẹ, biết thăm hỏi, động viên, chăm sóc khi ông bà, cha mẹ bị bệnh, lúc già yếu. Điều này không chỉ thuộc phạm trù đạo đức mà còn được ghi rõ trong các văn bản pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Nhưng ở đâu đó, trên báo chí và các trang mạng xã hội, ngày ngày vẫn có những sự việc đau lòng diễn ra khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Con cái lập mưu lừa cha mẹ cướp tài sản. Cha/ mẹ già ốm yếu, con cái không chăm, đuổi cha/ mẹ ra khỏi nhà. Con cái tranh giành nhà cửa, đất đai, giết hại lẫn nhau... Những hành vi đạo đức xuống cấp ấy bị cả xã hội lên án và tẩy chay, bản thân những người gây ra các hành vi bất hiếu, tàn độc ấy cũng không thể có được một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Gia đình là nền tảng của xã hội, là nơi hình thành và giáo dục nhân cách sống cho trẻ em.
Những chuẩn mực về ứng xử trong gia đình không chỉ củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; mà còn giúp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 15