Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Định hướng cảm xúc cho trẻ tuổi mới lớn

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Tình yêu tuổi học trò trong sáng, để lại nhiều dấu ấn khó phai. Để giúp con trẻ biết suy nghĩ chín chắn, kiềm chế cảm xúc, cư xử đúng mực cần sự hỗ trợ, định hướng từ gia đình và nhà trường.

Tình yêu học trò vun đắp từ sự tôn trọng, an toàn và trách nhiệm

Lan và Nam học cùng nhiều năm và khi lên lớp 10 thì có tình cảm với nhau. Hai em trở nên thân thiết, thường xuyên trò chuyện và hẹn hò đi chơi, đôi lúc có hành động thân mật.

Khi biết con trai có mối quan hệ yêu đương với bạn gái cùng lớp, bố của Nam không ngăn cản mà luôn nhắc nhở con trai không được đi quá giới hạn, ảnh hưởng đến học tập.

Định hướng cảm xúc cho trẻ tuổi mới lớn - 1
Chương trình giáo dục giới tính tại Câu lạc bộ Teenyeeu do Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) triển khai ở Hà Nội. Ảnh: CCD

Tuy nhiên, mẹ của Lan khi biết con có người yêu lại lo lắng, cấm cản, luôn giám sát thời gian và hạn chế các buổi Lan đi chơi với bạn bè. Lan cảm thấy bị áp đặt và không được thấu hiểu.

Còn cô giáo chủ nhiệm thì gọi riêng Lan và Nam ra nói chuyện, đồng thời cảnh báo hai em không được để tình cảm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nam và Lan hoang mang, không biết dựa vào đâu để định hướng cảm xúc của mình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân trí về cách ứng xử trong tình huống thực tế trên, bà Phí Mai Chi, người sáng lập dự án Teenyeeu - Giáo dục giới tính và an toàn tình dục, cho biết: "Em Lan và Nam có cảm xúc yêu thương khi đang học lớp 10 là mối quan hệ cần được ghi nhận bởi cha mẹ, thầy cô và bạn bè.

Vì đây là cảm xúc lứa đôi bình thường trên hành trình trưởng thành của người chưa thành niên. Tuy nhiên, tình yêu học trò của hai em cần được cha mẹ và thầy cô hỗ trợ để vun đắp dựa trên giá trị tôn trọng, an toàn và trách nhiệm.

Cả gia đình, nhà trường đều có vai trò quan trọng trong việc định hướng tình cảm yêu đương tuổi mới lớn. Gia đình có vai trò quan trọng nhất vì là nơi giáo dục giá trị sống, thực hành văn hóa và các bài học cá nhân phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Nhà trường là nơi cung cấp kiến thức khoa học, tạo môi trường học hỏi và phát triển kỹ năng sống cho các em. Để hướng dẫn các em một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường".

Nền tảng giúp con trẻ hình thành giá trị sống và phát triển cảm xúc

Gia đình là nơi đầu tiên hình thành và củng cố giá trị sống cho trẻ. Khi cha mẹ giáo dục về lòng tôn trọng, tình yêu thương và trách nhiệm, con cái sẽ có định hướng rõ ràng về cách cư xử trong mối quan hệ.

Trong câu chuyện ở trên, bố của Nam và mẹ của Lan có 2 quan điểm khác nhau về tình yêu khiến các em bối rối, không biết ứng xử thế nào cho phù hợp. Cha mẹ hai bên có thể gặp nhau để thống nhất quan điểm, giá trị mà gia đình theo đuổi, từ đó hướng dẫn các con biết cách cư xử trong từng tình huống. 

Cha mẹ cần trả lời những câu hỏi của con và hỗ trợ con vượt qua những lo lắng trong giai đoạn phát triển cảm xúc tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tôn trọng cảm xúc, tình yêu của con; giữ kết nối, hỗ trợ con biết cách bày tỏ quan điểm và hành vi thực hành để tạo dựng mối quan hệ tình cảm dựa trên sự tôn trọng, an toàn và trách nhiệm…

Đặc biệt, cha mẹ cũng cần trò chuyện với con về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn.

Tạo không gian an toàn thực hành kỹ năng sống cho học sinh

Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan International tại Việt Nam công bố năm 2019, có 71% thanh thiếu niên được khảo sát cho biết họ chủ yếu tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục từ mạng xã hội và các trang web trực tuyến.

Định hướng cảm xúc cho trẻ tuổi mới lớn - 2
Cha mẹ thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với con để hiểu cảm xúc của tuổi mới lớn. Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, chỉ khoảng 29% thanh thiếu niên được khảo sát tiếp cận thông tin này qua các kênh giáo dục chính thống như trường học hay từ cha mẹ. Báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (năm 2021) chỉ ra, 43% thanh thiếu niên cho rằng họ không nhận được đầy đủ thông tin hoặc giáo dục về tình dục an toàn từ trường học.

Trong trường học, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc định hướng học sinh biết trân trọng bản thân và người khác. Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với giáo viên bộ môn (sinh học, giáo dục công dân…) để tạo không gian cung cấp kiến thức về tâm lý tuổi teen, các kỹ năng cần thiết để học sinh tự quản lý cảm xúc yêu đương.

Giáo dục khoa học về giới tính giúp các em có cái nhìn đúng đắn và hiểu được những thay đổi về sinh lý và tâm lý trong giai đoạn trưởng thành.

Giáo viên tạo không gian để các em học sinh chia sẻ và thảo luận về cảm xúc yêu đương một cách tích cực về tình dục an toàn, tránh sự lôi kéo hoặc áp lực từ nhóm bạn đồng trang lứa hoặc các thông tin không phù hợp, không chính xác trên mạng xã hội.

Tại trường học, các hoạt động giáo dục đồng đẳng về giới tính và an toàn tình dục cần được lên kế hoạch cho cả năm học. Các hoạt động này do giáo viên phụ trách phòng tham vấn học đường phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện. 

Nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia, tạo cơ hội để học sinh chủ động đưa ra vấn đề của mình. Các hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục giới tính sẽ giúp học sinh học cách xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Từ đó, các em có thể thực hành kỹ năng giao tiếp, tôn trọng lẫn nhau và tự tin hơn khi đối diện với những cảm xúc mới.

Hồng Nga

Báo Lao động và Xã hội số 126

Tin liên quan
Gìn giữ Tết dưới mái nhà!

Gìn giữ Tết dưới mái nhà!

(VTE) - Tết, với mình, không chỉ là một khoảng thời gian, một kỳ nghỉ hoặc là một dịp để sum họp, gặp gỡ, sẻ chia… với những người thân yêu!