Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Đổi mới giáo dục theo hướng thúc đẩy học sinh sáng tạo và thích ứng

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mang đến một luồng gió mới, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong nền giáo dục Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, chương trình này còn khơi dậy tư duy sáng tạo, khả năng tự học và thích nghi linh hoạt, giúp học sinh sẵn sàng đối mặt với những biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

Phát triển năng lực tự học và tư duy mở của học sinh

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) thực hiện những thay đổi cơ bản về phương pháp dạy và học. Thay vì dựa hoàn toàn vào sách giáo khoa như nguồn kiến thức duy nhất, chương trình khuyến khích sử dụng nhiều tài liệu học tập khác nhau, giúp học sinh khai thác kiến thức từ đa dạng nguồn.

Đổi mới giáo dục theo hướng thúc đẩy học sinh sáng tạo và thích ứng - 1

Điều này không chỉ mở rộng hiểu biết mà còn phát triển khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.

Việc đa dạng hóa các bộ sách giáo khoa là bước ngoặt trong việc đổi mới dạy và học. 

Trong Hội thảo đánh giá kết quả triển khai Chương trình GDPT 2018 và bài học kinh nghiệm vào ngày 20/12/2024, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận.

Các địa phương đánh giá cao tính đúng đắn và đồng bộ của mục tiêu giáo dục theo từng cấp học, góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh. Nội dung chương trình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, tăng tính hiện đại và thích ứng.

Đa dạng cách đánh giá, phát huy thế mạnh của học sinh

Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh được giảm tải số môn học, đặc biệt ở cấp THPT khi có thể chọn tổ hợp môn từ lớp 10. Điều này giúp giảm áp lực điểm số, tạo điều kiện cho học sinh đầu tư vào các môn học theo tổ hợp.

Phương pháp đánh giá cũng được đổi mới, đa dạng, linh hoạt hơn. Thay vì chỉ tập trung vào bài viết của cá nhân như trước, chương trình mới áp dụng đa dạng hình thức đánh giá như: Sản phẩm, thuyết trình dự án, kết quả các cuộc thi cá nhân và nhóm học sinh.

Điều này khuyến khích học sinh phát huy năng lực và đạt kết quả tốt ở nhiều môn học. Bên cạnh đó, việc đổi mới cách đánh giá cũng đang mang lại “làn gió mới”, nâng cao hiệu quả giảng dạy và phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

Theo thầy giáo Võ Minh Nghĩa (Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM), việc giáo viên được tổ chức kiểm tra bằng nhiều hình thức thay vì chỉ “giấy trắng, mực đen” truyền thống là bước tiến tích cực, phù hợp với sự năng động của Gen Z. Ở bậc tiểu học, chuyển trọng tâm từ đánh giá kiến thức sang năng lực vận dụng thực tiễn, chú trọng tư duy và quá trình học tập.

Một số môn học như Giáo dục thể chất, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cũng được đánh giá theo tiêu chí Đạt hoặc Chưa đạt thay vì điểm số, giúp giảm áp lực cho học sinh.

Theo ông Mai Việt Dũng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa: “Việc đổi mới đánh giá đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo của nhà trường, kết hợp giữa điểm số và nhận xét, chú trọng ý thức, thái độ và hành vi học tập của học sinh”.

Giáo viên từ vai trò truyền đạt sang hỗ trợ

Đổi mới giáo dục theo hướng thúc đẩy học sinh sáng tạo và thích ứng - 2
Chu thich: Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học (Ảnh: INS).

Chương trình GDPT 2018 đã chuyển đổi vai trò của giáo viên từ người truyền đạt kiến thức sang vai trò hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tự học. Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT Lương Tất Thủy nhận định: “Đội ngũ giáo viên đã thích nghi tốt với phương pháp dạy học mới, đổi mới cách đánh giá nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh”.

Những thay đổi về cách tổ chức các hoạt động học tập, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần làm tăng tính tích cực và sáng tạo cho học sinh. Việc kết hợp học trên lớp, học trực tuyến và tham gia các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh không chỉ ghi nhớ kiến thức mà còn áp dụng linh hoạt vào thực tiễn.

Giáo dục STEM đã được triển khai đồng bộ từ mầm non đến các cấp học. Ngoài ra, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau cấp THCS và THPT nhấn mạnh việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu kinh tế - xã hội.

Việc tổ chức biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cũng tăng tính kết nối giữa nhà trường, giáo viên và học sinh, mang lại sự phấn khởi, hứng thú trong học tập.

Giúp học sinh hiểu và ghi nhớ bài học tốt hơn

Tại Trường THPT Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức đổi mới phương pháp dạy học như tổ chức học trên lớp, học trực tuyến và tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Trình, Hiệu trưởng Trường THPT Đoan Hùng chia sẻ: “Chúng tôi kết hợp các phương pháp truyền thống và hiện đại, khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào quá trình học. Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh thực hành và ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học, giúp các em học và làm đi đôi với nhau”.

Các hoạt động nhằm tăng cường tương tác và khuyến khích học sinh chủ động khám phá đã được Trường THPT Hòa Bình (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện, tạo nên không khí học tập tích cực. Thầy  giáo Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình, nhận định: “Dạy học gắn lý thuyết với thực hành giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và áp dụng kiến thức”.

Chương trình GDPT 2018 đã khắc phục được những hạn chế của chương trình cũ, hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, toàn diện, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 1

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.